Cán bộ phải thử thách chứ không được vuốt ve chiều chuộng
Tình trạng cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, đưa ra xét xử, cán bộ kém năng lực, ngồi nhầm ghế, không tương xứng với vị trí của mình đang là vấn đề cần thiết phải được khắc phục.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) đã đưa ra một vài ý kiến giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.
Theo ông Vũ Mão: "Để có cán bộ tốt, đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ cách mạng mới, trước hết phải đòi hỏi cao trong rèn luyện, tu dưỡng của mỗi con người.
Để làm được điều đó, phải chống chủ nghĩa cá nhân, tu dưỡng rèn luyện lý tưởng sống. Học tập các tấm gương của cha anh, biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.
Đưa cán bộ vào môi trường thực tế, thử thách thực sự chứ không phải vuốt ve chiều chuộng như lâu nay.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải là công bộc của dân, kiên quyết chống hư danh, kiêu ngạo cộng sản".
Theo ông Vũ Mão: "Cán bộ vào môi trường thực tế, thử thách thực sự chứ không phải vuốt ve chiều chuộng như lâu nay" - ảnh Ngọc Quang. |
Ông Vũ Mao cũng cho rằng, để có cán bộ, đảng viên tốt phải phát huy được vai trò của nhân dân.
Muốn làm được điều đó thì phải có cơ chế, quy định pháp luật để nhân dân đánh giá tư cách, phẩm chất, năng lực của của cán bộ.
Khuyến khích nhân dân phát hiện những mặt xấu của cán bộ, không để cho những con sâu con mọt chui vào trong Đảng, lũng đoạn Đảng.
“Kiên quyết xoá bỏ tính hình thức trong việc lựa chọn, đề bạt cán bộ. Cảnh giác với độc tài, độc quyền, cảm tính của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tuyển chọn, đề bạt cán bộ” – ông Vũ Mão nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến công tác cán bộ, hiện có tình trạng, khi chưa có chức vụ thì phấn đấu, tu dưỡng tốt nhưng khi có được chức, có quyền rồi thì dễ sinh ra kiêu ngạo, nổi lòng tham nên từ đó phạm phải nhiều sai lầm.
Để hạn chế được tình trạng này, ông Vũ Mão cho rằng: “Cần thiết phải tăng cường kiểm soát quyền lực của cán bộ có chức, có quyền”.
Còn hiện tượng đề bạt, cất nhắc người nhà, người quen... dù không đủ tiêu chuẩn |
Nói rõ hơn về vấn đề này, vị chuyên gia này cho rằng: “Gần đây, Đảng ta đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực một cách quyết liệt, cũng có nghĩa là không cho những cán bộ có chức có quyền độc tài, mưu cầu lợi ích cá nhân.
Để làm được điều đó thì việc quan trọng hàng đầu, có tính nền tảng là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Điều lệ của Đảng.
Điều lệ của Đảng là đạo luật cơ bản nhất của Đảng.
Tuy nhiên, suốt mấy chục năm qua việc sửa đổi và bổ sung điều lệ của Đảng chưa được coi trọng đúng mức.
Để kiểm soát quyền lực, tôi xin được kiến nghị cần bổ sung những nội dung quan trọng vào Điều lệ Đảng như sau:
- Quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương.
Như bản Hiến pháp quy định Quốc hội có 15 nhiệm vụ, quyền hạn; tương tự như vậy, Điều lệ Đảng quy định Ban Chấp hành Trung ương có 12 (hoặc 14, 15…) nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm.
- Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Chính trị. Như bản Hiến pháp quy định Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có 12 nhiệm vụ, quyền hạn;
Tương tự như vậy, quy định Bộ Chính trị có 12 (hoặc 10, 14…) nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm.
- Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổng Bí thư cũng như của từng thành viên Bộ Chính trị.
Như Hiến pháp quy định Chủ tịch nước có 6 nhiệm vụ, quyền hạn; tương tự như vậy, Tổng Bí thư có 6 ( hoặc 7, 8, 9…) nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm”.
Khắc phục công tác luân chuyển cán bộ theo kiểu ăn xổi
Liên quan đến công tác cán bộ, một vấn đề nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội rất quan tâm đó là vấn đề quy hoạch cán bộ.
Ông Vũ Mão cho rằng: “Có nhiều loại cán bộ các cấp, các ngành cần đưa vào quy hoạch. Ở đây, tập trung nói về cấp Trung ương.
Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương: Cách 1: Lâu nay thường quy hoạch ngắn hạn là 5 năm, nhiều nữa là 10 năm. Theo tôi nên có quy hoạch dài hạn là 15 đến 20 năm.
Có nghĩa là tính quy hoạch từ lớp sinh viên mới ra trường từ 23 tuổi đến 25 tuổi. Và đào tạo theo kiểu hình tháp.
Việc đào tạo nhân tài cho Đội tuyển bóng đá U23 vừa qua là bài học kinh nghiệm.
Theo cách này, lựa chọn trong số sinh viên tốt nghiệp vào loại giỏi, phẩm chất đạo đức tốt đưa vào quy hoạch.
Phần lớn trong số đó đưa về cơ sở (xã, doanh nghiệp) tham gia lãnh đạo, cũng chính là để tập sự, học hỏi kinh nghiệm và rèn luyện phong cách gần dân, chia sẻ khó khăn của dân.
Sau 3 đến 5 năm, chọn lọc số cán bộ trưởng thành đưa về huyện và được tham gia lãnh đạo (5 năm), rồi đưa tiếp về tỉnh (5 năm).
Sau đó, đưa vào tham gia làm Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng ở lứa tuổi từ 35 đến 40.
Cách 2: Lựa chọn trong số sinh viên tốt nghiệp vào loại giỏi, phẩm chất đạo đức tốt và đưa đi học thêm ở nước ngoài (từ 3 năm đến 5 năm) nhằm 3 mục đích:
Nâng cao kiến thức; nâng cao ngoại ngữ; học tập phương pháp tư duy khoa học.
Sau khi về nước lại đưa đi cơ sở để có cách nhìn toàn diện và cho rèn luyện kinh qua các cấp.
Cách quy hoạch và đào tạo cán bộ bằng phương pháp này là để khi họ ở vào cương vị lãnh đạo có điều kiện đi tiên phong trong hội nhập quốc tế.
Cách 3: Chọn trong số sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác ở các Bộ, sau 5 năm trưởng thành và có triển vọng sẽ đưa về cơ sở, trao trách nhiệm rồi đào tạo tiếp qua các cấp.
Cách làm này khắc phục được công tác luân chuyển cán bộ theo kiểu ăn xổi, kiểu chuồn chuồn đạp nước như lâu nay”.
Để tránh tình trạng cán bộ chuyên quyền, độc đoán dễ dẫn đến sai lầm, theo ông Vũ Mão cần thiết phải thực hành dân chủ và tranh cử trong công tác cán bộ.
Theo đó, muốn có dân chủ trong công tác cán bộ cần làm một số việc sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, trước hết là cấp ủy, cán bộ chủ trì.
Đây là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ là yêu cầu tự thân mà còn là trách nhiệm chính trị của các cấp, các ngành và mọi người, trước hết là cấp ủy, cán bộ chủ trì đối với sự vững mạnh của đội ngũ cán bộ;
Đồng thời, đây còn là tiền đề bảo đảm cho việc thực hiện các khâu, các bước công tác cán bộ đạt hiệu quả.
Dân chủ, công khai trong công tác cán bộ chỉ có thể đạt được kết quả tốt khi có sự thống nhất trong nhận thức của cấp ủy, cán bộ chủ trì và của mọi người.
Hết sức tránh nhận thức lệch lạc, hạ thấp tính dân chủ, công khai trong công tác cán bộ.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Việc lãnh đạo phát huy dân chủ, công khai đúng nguyên tắc trong công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy đảng.
Vì vậy, trình độ lãnh đạo, vai trò của các cấp ủy đảng quyết định hiệu quả dân chủ, công khai trong công tác cán bộ.
Tuy nhiên, để tăng cường giám sát, kiểm tra đội ngũ cán bộ của Đảng, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Ba là, đề cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì.
Vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì có ý nghĩa quyết định thực hiện dân chủ, công khai đúng nguyên tắc trong công tác cán bộ.
Dân tin và đi theo Đảng trước hết là thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng
Vì vậy, cán bộ, đảng viên của Đảng, nhất là những cán bộ chủ trì phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên, lên trước để thực hiện tốt dân chủ, công khai trong công tác cán bộ;
Đồng thời, phải thực sự gương mẫu, tỉnh táo, trung thực, khách quan, công bằng, giữ nghiêm nguyên tắc trong thực hiện dân chủ, công khai;
Cần khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, ham quyền lực cá nhân, không tin tưởng cấp dưới; hoặc tạo “uy tín giả” để đánh lừa quần chúng, đánh lừa dư luận.
Chọn chức tước, quyền lực, bổng lộc hay uy tín trong lòng dân? |
Bốn là, thường xuyên bổ sung, hoàn thiện các quy chế về công tác cán bộ.
Các quy chế muốn phát huy tác dụng phải luôn luôn phù hợp với sự phát triển của nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của tổ chức.
Việc xây dựng, ban hành các quy chế về công tác cán bộ đúng đắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, mọi người tham gia ý kiến về công tác cán bộ của Đảng có hiệu quả.
Bảo đảm dân chủ, công khai đúng nguyên tắc trong công tác cán bộ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng luôn có phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Thực hiện tranh cử trong công tác cán bộ
Ông Vũ Mão còn cho rằng, cần thiết phải thực hiện tranh cử trong công tác cán bộ. Theo lý giải của ông thì tranh cử để bầu ra các chức vụ là rất cần thiết.
Trong Đảng chúng ta đã từng có tiền lệ, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Vấn đề ở đây là ta cần tiếp tục nghiên cứu để đổi mới hơn nữa công tác bầu cử để làm sao được dân chủ, có tranh cử.
Cũng theo ông Vũ Mão: “Phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Hiện nay, các văn bản pháp luật liên quan đến công tác cán bộ còn nhiều nhược điểm, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Đặc biệt, tình trạng cán bộ hư hỏng, tham nhũng rất nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề kê khai tài sản còn rất hình thức, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Hoàn thiện bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ trong các cơ quan Nhà nước. Sắp xếp và tinh giản bộ máy của Hệ thống chính trị là điều cấp bách.
Ở đây tôi đi sâu phân tích về bộ máy của Chính phủ”.
Ông Vũ Mão phân tích thêm: “Hơn 10 năm qua, tổ chức bộ máy của các Bộ trong Chính phủ được thực hiện theo phương án tổ chức Bộ đa ngành.
Ngoài việc đạt được một số kết quả thì vẫn còn nhiều hạn chế như phân công một số chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ chưa hợp lý, còn chồng chéo.
Phương án tổ chức này, như lúc đầu đã hứa rằng, sẽ được áp dụng với điều kiện các Bộ không còn quản lý các doanh nghiệp nhà nước.
Đấy chỉ là lời hứa để phương án dễ được chấp nhận. Nhưng trên thực tế, cho đến nay về cơ bản, Bộ vẫn quản lý doanh nghiệp nhà nước như trước.
Đây là một nguyên nhân sâu xa của tình trạng tham nhũng đang ngày càng nghiêm trọng.
Vì quá tải, nên đã phải lập ra các Tổng cục trong Bộ, làm cho bộ máy cồng kềnh và dẫn đến hiện tượng Bộ nhỏ nằm trong Bộ lớn, biên chế không những không giảm mà lại tăng thêm.
Có thể nói, phương án tổ chức bộ máy của Chính phủ trong hơn mười năm qua là một việc làm chưa thành công”.
Cuối cùng ông Vũ Mão cho rằng cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.