Hội làng, hội xuân xưa kia là thời điểm được mong chờ nhất năm của những người nông dân chân chất thật thà. Mỗi lễ hội đều có ý nghĩa và màu sắc văn hóa riêng.
Lễ hội nơi nào cũng vậy, đều được tổ chức tưng bừng nhất với những nghi thức tôn nghiêm, thuần Việt và được truyền lại từ đời này qua đời khác.
Người đi trẩy hội không chỉ thưởng thức không khí náo nức của lễ hội mà còn cầu mong sự may mắn, bình an với tấm lòng thành kính.
Những phong tục tâm linh, những cách tức tổ chức tôn nghiêm là sợi dây nối, giáo dục truyền thông của cha ông với con cháu trong cộng đồng.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm, nước ta có gần 9.000 lễ hội, trong đó trên 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, trên 400 lễ hội lịch sử cách mạng và 25 lễ hội du nhập từ nước ngoài. |
Lễ hội dân gian như một mạch nước ngầm xuyên thời gian, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt.
Thời gian gần đây, cùng với đời sống hiện đại, dường như ý thức về ứng xử với lễ hội của một bộ phận người Việt ngày càng thiếu văn hóa.
Một bộ phận người Việt đến với lễ hội bằng lòng tham, sân, si, thậm chí là mặc cả với thánh thần. Họ cứ nghĩ rằng, dâng mâm lễ đầy là là được thánh thần chứng dám, ban phát tài lộc, mà không biết rằng người xưa đã dạy "lòng thành, lễ bạc", đến trước cửa thiền thì "tâm phải tịnh".
Đi lễ chùa, lễ hội đầu năm xưa kia gắn liền với yếu tố tâm linh, bằng tấm lòng thành kính, để cầu may mắn, bình yên cho mình và người thân…
Còn ngày nay, những ngày đầu xuân, chùa chiền không còn những cảnh yên bình nữa mà là những dòng người chen nhau nhích từng bước, ồn ào, nhốn nháo.
Sự hỗn loạn, phản cảm đã từng xảy ra tại các lễ hội truyền thống trong nhiều năm liền (Ảnh: LC) |
Mùa lễ hội Xuân Mậu Tuất mới chỉ bắt đầu, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, một số lễ hội đã bớt “hỗn loạn”, “phản cảm”.
Vào mùa lễ hội xuân Mậu Tuất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng các địa phương đã sớm vào cuộc nhằm chấn chỉnh các hoạt động tổ chức, quản lý lễ hội; kiên quyết không để xảy ra những hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đặc biệt, ngành văn hóa nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: không để xảy ra tình trạng thương mại hóa, những hành vi khơi dậy lòng ham muốn vật chất của con người trong lễ hội.
Tuy nhiên, vẫn còn những hình ảnh phản cảm từ lễ hội chùa Hương, cảnh hỗn loạn khi cướp lộc đã khiến nhiều người nhức mắt.
Nhìn dòng người ùn ùn đổ về chốn tâm linh nhưng ý thức kém, cảnh trèo tường, bật rào, tranh cướp nơi thiền tịnh tạo nên cảnh hỗn loạn, quá tải. Sau cảnh hỗn loạn ùn ùn xô đẩy, rác thải xả bữa bãi nơi thiền tự.
Ngày 22/1 (tức ngày 7/1 Âm lịch) sau lễ tế tại hội rước bông cầu mùa ở Vĩnh Phúc hàng trăm người lao vào tranh cướp để lấy lộc may trong năm mới. Việc lôi kéo, tranh cướp đã tạo ra những hình ảnh cực kỳ phản cảm.
Không thương mại hóa, khơi dậy ham muốn vật chất trong mùa lễ hội |
Một bộ phận người dân đến với lễ hội với tâm lý chiếm đoạt sự may mắn thay vì nhận “lộc rơi, lộc vãi”.
Nói về hành động “cướp lộc” tại các lễ hội, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã từng nói: “Ngày xưa là “hứng lộc”, ai được cái gì thì hứng cái đó đến với mình, tự nhiên đến chứ không phải “cướp lộc” như bây giờ. Người ta tin rằng tự nhiên như thế thì lộc đến đầy đủ.
Còn bây giờ muốn có thì phải cướp. Sự tranh cướp này có sẵn trong tâm lý của người đi hội, vì ngoài đời thường người ta cũng chạy nhanh rồi vượt đèn đỏ…
Tâm lý tranh cướp, giành giật, muốn mình được phần hơn từ cuộc sống đời thực đang tác động vào tâm lý của những người đi lễ hội.
Cha ông ta vẫn quan niệm: Lộc sẽ tự đến với ta, người may mới được lộc. Chắc chắn lộc mà người nào đã tranh cướp mới có được như vậy sẽ không bền vững.
Lộc có được từ việc tranh cướp dân gian gọi là “lộc bẩn” và hành vi cướp như vậy là méo mó, phản cảm, đáng bị lên án”.
Vì đâu có sự tương phản về lễ hội như vậy? (Ảnh minh họa trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh) |
Đa phần mọi người tham dự lễ hội văn hóa tâm linh đều mang theo mình niềm tin “tâm” và “tín”. Trong đó, sự thành tâm đến với nơi thờ tự thì giống nhau nhưng chữ “tín” mỗi người quan niệm mỗi khác.
Đáng tiếc, người ta không tín vì lòng thành mà tín vì sư mê muội, sẵn sàng bỏ ra những số tiền lớn để "hối lộ" thánh thần, mong thánh thần phù trợ cho họ thăng quan, nhiều lộc.
Họ mang tâm lý “mâm quả to, lộc lớn, thánh độ nhiều”; hay có những người lại nghĩ rằng "tiền xuất là phật biết".
Chẳng phải ngẫu nhiên mà lễ hội Minh Thề, thề không tham nhũng thì vắng tanh, vắng ngắt còn lễ hội khai ấn Đền Trần thì có hàng vạn người ùn ùn đổ về, năm nào cũng diễn ra cảnh hỗn loạn, trèo lên nhau mà cướp ấn, cướp lộc.
Nhìn những cảnh tưởng ấy có lẽ nếu thánh thần hiển linh thì cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Ý nghĩa của những lễ hội, ý nghĩa của việc đi chùa đầu năm như thế nào những người này dường như không cần biết và cũng chẳng quan tâm. Họ chỉ nghe nói ở đó “thiêng lắm” là đến xin. Xa mấy cũng đi, vì niềm tin sẽ xin được thánh ban lộc.
Để rồi, bất chấp tất cả, họ lao vào tranh đoạt sản vật cầu may, tạo ra những hình ảnh phản cảm, trao truyền những thói xấu cho con, cháu sau này.
Không ít lễ hội đã bị biến đổi, mất đi ý nghĩa nguyên sơ ban đầu cũng vì lòng tham của dòng người mang đến chốn tâm linh.
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc mạnh của cơ quan chức năng, cùng với đời sống xã hội được nâng cao thì sự hiểu biết về văn hoá và ý thức ứng xử cũng được nâng lên, để giá trị của hội xuân trở lại đúng ý nghĩa tốt đẹp ban đầu vốn có.
* Tài liệu tham khảo
1. http://danviet.vn/tin-tuc/cao-mat-moc-mieng-de-tranh-loc-la-loc-ban-744753.html