Nghi vấn gian lận xét Giáo sư, Phó giáo sư: Bằng chứng đây

26/02/2018 06:57
Phương Linh
(GDVN) - Tiến sĩ Phạm Thế Dân tố, bằng Tiến sĩ của ông Trần Thiện Thanh được cấp không đúng quy định của pháp luật, nhưng vẫn được xét đạt tiêu chuẩn Phó Giáo sư 2017.

Tiến sĩ Phạm Thế Dân – Giảng viên chính, nguyên Phó Trưởng khoa, Bí thư chi bộ khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (đã nghỉ hưu) vừa gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đơn tố cáo có liên quan đến việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn Phó Giáo sư 2017 với ông Trần Thiện Thanh.

Hiện ông Thanh đang là giảng viên của khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu sinh và người phản biện cùng đơn vị chuyên môn

Theo tố cáo của Tiến sĩ Phạm Thế Dân, bằng Tiến sĩ của ông Trần Thiện Thanh đã được cấp không đúng quy định của pháp luật, bất hợp pháp, vì bằng này được cấp trên cơ sở kết luận của Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo, được thành lập trái với quy định của pháp luật.

Đồng thời, nó còn vi phạm nghiêm trọng Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ, ban hành kèm theo quyết định 1020 của Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ký ngày 10/9/2010.

Tiến sĩ Phạm Thế Dân dẫn chứng cụ thể, theo quyết định 329 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, trong Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo cho luận án Tiến sĩ, chuyên ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân của ông Trần Thiện Thanh, có Tiến sĩ Huỳnh Trúc Phương ngồi ghế phản biện 3.

Đơn của Tiến sĩ Phạm Thế Dân về trường hợp của ông Trần Thiện Thanh (ảnh: P.L)
Đơn của Tiến sĩ Phạm Thế Dân về trường hợp của ông Trần Thiện Thanh (ảnh: P.L)

Ông Phạm Thế Dân khẳng định, Tiến sĩ Huỳnh Trúc Phương là người sinh hoạt trong cùng đơn vị chuyên môn với nghiên cứu sinh Trần Thiện Thanh là bộ môn Vật lý hạt nhân – Kỹ thuật hạt nhân, khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính vì vậy, theo Tiến sĩ Phạm Thế Dân, ông Huỳnh Trúc Phương không thể ngồi ghế phản biện 3 trong Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo cho luận án Tiến sĩ của ông Trần Thiện Thanh được.

Tiến sĩ Phạm Thế Dân cho rằng, vì bằng Tiến sĩ của ông Thanh được cấp không đúng theo quy định của pháp luật, không hợp pháp, nên ông Trần Thiện Thanh cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư, được quy định tại khoản 3, điều 8 của Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.

Ngoài ra, trong Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo cho luận án Tiến sĩ này của ông Thành, do Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm làm Chủ tịch Hội đồng.

Theo Tiến sĩ Phạm Thế Dân, ông Nguyễn Ngọc Lâm là Phó Giáo sư chuyên ngành Điện tử (được công nhận năm 2001), không đúng chuyên ngành với luận án của ông Trần Thiện Thanh là chuyên ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân, nên ông Lâm không thể làm Chủ tịch Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ này.

Đây là điều đã vi phạm vào khoản 2, điều 35, Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ ban hành kèm theo quyết định 1020 của Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ký ngày 10/9/2010.

Trong đó quy định rõ, Chủ tịch Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ phải là người có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư đúng chuyên ngành với luận án.

Đại học Quốc gia thành phố: Nội dung tố cáo đúng

Liên quan đến những tố cáo của Tiến sĩ Phạm Thế Dân, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có kết luận số 1875, do Trưởng ban Thanh tra – Pháp chế, ông Lâm Tường Thoại ký.

Trong đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua giải trình của nhà trường (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố), người ngồi ghế phản biện 3 (Tiến sĩ Huỳnh Trúc Phương) và nghiên cứu sinh (Trần Thiện Thanh) cùng bộ môn, nhưng khác nhóm nghiên cứu.

Ban sau đại học - Đại học Quốc gia thành phố tư vấn chuyên môn: Khoản 2, điều 35, Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được giải thích: Phản biện không sinh hoạt chuyên môn, không sinh hoạt học thuật với nghiên cứu sinh, không cùng tham gia nghiên cứu, không cùng là đồng tác giả với nghiên cứu sinh trong các công trình đã công bố, không tham gia cùng nghiên cứu sinh trong các sinh hoạt chuyên môn định kỳ.

Kết luận nội dung tố cáo của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Kết luận nội dung tố cáo của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Điểm b, khoản 1, điều 4, thông tư 10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ rõ, đơn vị chuyên môn là bộ môn, khoa, phòng chuyên môn.

Tổ xác minh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, phản biện 3 sinh hoạt cùng đơn vị chuyên môn với nghiên cứu sinh là chưa phù hợp với quy định hiện hành.

Trách nhiệm thuộc về Phòng đào tạo sau đại học, Hiệu trưởng nhà trường (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố).

Đối với tố cáo có liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Lâm – Chủ tịch Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận, ông Lâm là Phó Giáo sư chuyên ngành điện tử, tự động, do thầy có nhiều công trình thuộc về thiết bị điều khiển (điều khiển các máy về hạt nhân).

Giải trình của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Lâm được đào tạo, nghiên cứu, công tác liên quan đến lĩnh vực Vật lý hạt nhân.

Từ năm 2006 đến nay, ông Nguyễn Ngọc Lâm có tham gia giảng dạy thuộc bộ môn Vật lý hạt nhân, tham gia, là thành viên Hội đồng nghiệm thu đề án “Phát triển ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ trong công nghiệp đến năm 2020.

Sau khi giải thích các mảng chính của lĩnh vực Vật lý và Kỹ thuật Hạt nhân, Đại học Quốc gia thành phố nói Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm thuộc về lĩnh vực Thiết bị hạt nhân.

Tổ xác minh Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, có ý kiến: Việc đánh giá về năng lực, uy tín chuyên môn chưa được quy định cụ thể, các ý kiến tư vấn chuyên môn đáng tin cậy, hợp lý. Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm làm Chủ tịch Hội đồng là không trái quy định hiện hành.

Văn bản giải trình 89 của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố (ảnh: P.L)
Văn bản giải trình 89 của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố (ảnh: P.L)

Trong khi đó, ngày 26/1/2018, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh – ông Trần Lê Quan đã ký văn bản giải trình số 89, gửi Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (được cơ quan này cung cấp cho Tiến sĩ Phạm Thế Dân)

Theo đó, nhà trường đã giải thích rằng, đề tài luận án tiến sĩ của ông Trần Thiện Thanh thuộc đơn vị chuyên môn nhóm nghiên cứu Vật lý hạt nhân lý thuyết, Vật lý hạt nhân công nghiệp, còn Tiến sĩ Huỳnh Trúc Phương lại thuộc đơn vị chuyên môn là Nhóm nghiên cứu Vật lý hạt nhân phân tích, nên cả 2 ông hoàn toàn không thuộc cùng đơn vị chuyên môn.

Nhà trường đe phóng viên

Ngày 21/2, với mong muốn được lắng nghe tiếng nói khách quan, đa chiều hơn về sự việc này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố để có được thông tin liên hệ với Tiến sĩ Trần Thiện Thanh.

Tuy nhiên, do sinh viên chưa đi học, lãnh đạo còn bận đi chúc tết, nên nhân viên trực Phòng tổ chức hành chính nói không có lãnh đạo ở trường, nên không dám cung cấp bất cứ thông tin gì cho phóng viên.

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ qua điện thoại với Giáo sư Trần Linh Thước – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, thì được chuyển máy cho nói chuyện với cô Huyền – Phòng Thanh tra, pháp chế va Sở hữu trí tuệ (theo lời Giáo sư Thước nói).

Đáng ngạc nhiên, trong khi chỉ muốn xin thông tin để liên hệ Tiến sĩ Trần Thiện Thanh, sau khi biết phóng viên đã có giải trình số 89 của nhà trường, cô Huyền đã dọa: Đây là văn bản riêng của trường, muốn đăng phải có sự cho phép của trường về những nội dung muốn trích đăng, chứ không phải muốn đăng là đăng, và cũng không phải là văn bản của thầy Dân.

Cô Huyền nói do không lưu thông tin số điện thoại ông Thanh, nên đề nghị phóng viên gửi lại câu hỏi, muốn hỏi trường hay muốn hỏi các thầy, và cần phải mang theo giấy giới thiệu, card visit, thẻ nhà báo và các giấy tờ có liên quan khi đến trường làm việc.

Trong khi đó, Giáo sư Trần Linh Thước hứa sẽ nói khoa Vật lý - lý – Vật lý kỹ thuật cung cấp số điện thoại liên hệ của Tiến sĩ Trần Thiện Thanh, nhưng đến nay vẫn chưa thấy, còn khi phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gọi lại cho giáo sư, thì máy đã liên tục ở chế độ bận.

Phương Linh