Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên phủ nhận có gian lận xét Phó Giáo sư

01/03/2018 06:26
Phương Linh
(GDVN) - Tuy nhiên khi hỏi bằng chứng thuyết phục cho phủ nhận này thì trường không đưa ra được...

Ngày 27/2, đại diện cho lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên Thành phố Hồ Chí Minh là ông Châu Văn Tạo, ông Trần Lê Quan – Phó Hiệu trưởng đã có buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, liên quan đến việc xét công nhận Phó Giáo sư của ông Trần Thiện Thanh – giảng viên tại khoa Vật lý, Vật lý kỹ thuật.

Theo ông Châu Văn Tạo - Phó Hiệu trưởng cho biết, đối với trường hợp giữa ông Trần Thiện Thanh và ông Huỳnh Trúc Phương là hoàn toàn không có gì chung hết, nên ông Huỳnh Trúc Phương có thể ngồi ghế phản biện 3, hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp cơ sở của ông Thanh bình thường.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên khẳng định, xét Phó Giáo sư cho ông Thanh là đúng quy định (ảnh: P.L)
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên khẳng định, xét Phó Giáo sư cho ông Thanh là đúng quy định (ảnh: P.L)

Ông Châu Văn Tạo giải thích: giữa ông Trần Thiện Thanh và ông Huỳnh Trúc Phương không có gì chung, nếu xét về các bài báo, công trình nghiên cứu, hoạt động chuyên môn.

Dù chung một đơn vị chuyên môn là khoa Vật lý, Vật lý kỹ thuật, nhưng hướng nghiên cứu của 2 thầy hoàn toàn khác nhau. Thầy Thanh nghiên cứu về tia gama, thầy Phương nghiên cứu về tia neutron. 

Nghi vấn gian lận xét Giáo sư, Phó giáo sư: Bằng chứng đây

Đối với các kết luận về vụ việc này (kết luận 89 của Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên ký ngày 26/1/2018, kết luận 1875 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) vênh nhau, ông Trần Lê Quan – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên thành phố nói, nhà trường khi đó đã có văn bản khiếu nại, gửi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Và sau đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản trả lời, hoàn toàn đồng ý với cách giải thích của nhà trường, liên quan đến việc của ông Trần Thiện Thanh và Huỳnh Trúc Phương.

Đại diện cho lãnh đạo nhà trường, ông Trần Lê Quan giải thích tiếp: đúng là quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, người ngồi ghế phản biện là không được sinh hoạt cùng đơn vị chuyên môn với nghiên cứu sinh.

Thế nhưng, đơn vị chuyên môn được định nghĩa rất rộng, hướng nghiên cứu chuyên môn của các thầy khác nhau thì vẫn được.

Ngoài ra, theo ông Trần Lê Quan, cần xét đến tình huống, bối cảnh khi đó là việc tìm các chuyên gia giỏi, uy tín, ngồi ghế phản biện đề tài của nghiên cứu sinh trong trường hợp này là không có nhiều, nên phải mời người cùng bộ môn.

Dù rằng, xét theo đúng quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là chưa phù hợp lắm.

Nói đến đây, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đề nghị cả 2 thầy cung cấp văn bản của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý với khiếu nại của nhà trường.

Dù vậy, cả 2 thầy chưa cung cấp được ngay.

Phương Linh