Nhà nghiên cứu Douglas H. Paal, Phó chủ tịch phụ trách các nghiên cứu kiêm Giám đốc Chương trình Châu Á của Tổ chức Hòa bình quốc tế Carnegie, ngày 28/2 có bài phân tích chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội 19 trên South China Morning Post.
Ông cảnh báo, đằng sau chính sách "ngoại giao mỉm cười" của Trung Quốc là một sức mạnh quân sự đang phát triển.
Các nước láng giềng của Trung Quốc nên cảnh giác với thực tế này, chấm dứt xem xét mối quan hệ của họ với Trung Quốc một cách riêng rẽ, bắt đầu tập trung vào các động lực địa chính trị mới trong khu vực.
Nhà nghiên cứu Douglas H. Paal, ảnh: CNBC. |
Tuần trước truyền thông Ấn Độ đã có một "cơn bão nhỏ" khi một đơn vị hải quân Trung Quốc định tiến đến Maldives để phá vỡ sự can thiệp vào cuộc đấu tranh quyền lực giữa Tổng thống đương nhiệm thân Bắc Kinh với một cựu Tổng thống đang hướng về Ấn Độ.
Bầu không khí ngột ngạt đã gia tăng sau khi Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo Ấn Độ rằng, Bắc Kinh sẽ không khoanh tay ngồi nhìn nếu New Delhi can thiệp vào Maldives.
Tuy nhiên "cơn bão" này đã nhanh chóng suy yếu sau khi hải đội Trung Quốc quay trở về cảng chính, trong khi cuộc khủng hoảng tại Maldives vẫn đang tiếp tục.
Những tiến bộ trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Ấn Độ đã được truyền thông ghi nhận ngay sau Đại hội 19.
Tuy nhiên theo quan điểm của Douglas H. Paal, chưa có gì thực sự thay đổi.
Trung Quốc đã lên kế hoạch cho một hội nghị thượng đỉnh với Nhật Bản, hoan nghênh Tổng thống Hàn Quốc đến Bắc Kinh trong khi vẫn không có động thái nào mới với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Tuy nhiên trong tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải sửa thói quan liêu, tăng quyền cho các đại sứ;
Nhưng khu vực cần nhớ rằng chính sách ngoại giao mới của Bắc Kinh được xây dựng trên một nền tảng sức mạnh quân sự đang gia tăng và Tập Cận Bình cũng rất thoải mái trong việc triển khai nó.
Ông Tập Cận Bình trong lễ duyệt binh tại Nội Mông, ảnh: SCMP. |
Nói cách khác, các nước láng giềng của Trung Quốc vẫn có thể hoan nghênh mối quan hệ có tính xây dựng với Bắc Kinh, nhưng họ cần nhớ rằng, Trung Quốc không còn yếu như trong quá khứ.
Đằng sau chiếc găng tay nhung Trung Quốc đang chìa ra là một bàn tay sắt.
Kể từ sau Đại hội 19, Trung Quốc đã điều tàu chiến và máy bay quân sự đến các khu vực tranh chấp dọc biên giới trên bộ cũng như yêu sách hàng hải của họ, từ Hàn Quốc cho đến Nhật Bản, Đài Loan, Biển Đông và Ấn Độ.
Cuối mùa hè năm ngoái, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã cùng rút lui khỏi điểm nóng tranh chấp bùng phát do Trung Quốc xây dựng một tuyến đường bộ gần đó, để tạo bầu không khí thuận lợi cho Thủ tướng Narendra Modi đến Trung Quốc dự hội nghị BRICS.
Nhưng kể từ đó, Trung Quốc đã hoàn thành các sân đỗ trực thăng mới, các cơ sở đồn trú và tiếp tục xây dựng đường bộ, triển khai binh hỏa lực đến sát biên giới với Ấn Độ.
Nhà nghiên cứu Douglas H. Paal cho rằng, các nước láng giềng của Trung Quốc nên bắt đầu suy nghĩ về những cuộc chạm trán mới với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Cách đây hơn 2 năm ông Tập Cận Bình đã ra lệnh tái cơ cấu các lực lượng vũ trang và thay thế phần lớn lãnh đạo quân sự vì các lý do khác nhau.
Trong quá trình này, ông đã trực tiếp can thiệp để thúc đẩy một đội ngũ sĩ quan trẻ và ít kinh nghiệm vào vị trí chỉ huy, trao quyền cho họ với các nguồn lực và vũ khí trang bị mới.
Các chỉ huy quân sự Trung Quốc sẽ khó tránh khỏi áp lực để thể hiện khả năng của họ.
Nguồn: