Hãy noi gương Đồng Tháp

03/03/2018 08:17
Sông Mã
(GDVN) - Công tác phổ cập giáo dục vốn nhân văn đã bị khá nhiều trường lợi dụng làm méo mó. Họ chỉ vì thành tích đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của công tác này.

LTS: Chỉ ra những lãng phí của việc nhiều trường học, địa phương chạy theo thành tích mà làm méo mó công tác phổ cập giáo dục, nhà giáo Sông Mã kiến nghị các địa phương hãy mạnh dạn chấm dứt việc phân công giáo viên phụ trách phổ cập giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã chấm dứt việc phân công giáo viên làm nhiệm vụ chuyên trách phổ cập giáo dục. Việc làm này đã giảm được 30 tỉ đồng từ việc chi lương và các khoản phụ cấp cho tỉnh.

Thay vào đó, công tác phổ cập giáo dục sẽ do Hiệu trưởng nhà trường phân công cán bộ, quản lý thực hiện thường xuyên theo quy định của Điều lệ nhà trường để đảm bảo duy trì vững chắc kết quả.

Chỉ mỗi tỉnh Đồng Tháp chấm dứt việc phân công giáo viên làm nhiệm vụ chuyên trách phổ cập giáo dục đã giảm được 30 tỉ đồng mỗi năm.

Nếu làm phép tính bình quân 30 tỉ đồng x 63 (tỉnh thành cả nước) thì một năm cả nước sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không hề nhỏ.  

Công tác phổ cập vốn nhân văn đã bị khá nhiều trường lợi dụng làm méo mó. (Ảnh minh họa trên Báo Giáo dục và Thời đại)
Công tác phổ cập vốn nhân văn đã bị khá nhiều trường lợi dụng làm méo mó. (Ảnh minh họa trên Báo Giáo dục và Thời đại)

Lãng phí của việc duy trì phổ cập giáo dục

Ở cấp mầm non, tiểu học, mỗi trường có một giáo viên kiêm nhiệm làm phổ cập. Số tiết dạy được giảm từ 3-4 tiết dạy/tuần.

Giáo viên trung học cơ sở làm công tác chuyên trách phổ cập (miễn hoàn toàn 19 tiết dạy/tuần).

Không phủ nhận, nhờ công tác phổ cập giáo dục từ nhiều năm nay mà hàng ngàn người do điều kiện hoàn cảnh không được đến trường đã được đi học lại và nâng cao trình độ dưới nhiều hình thức.

Hàng ngàn trẻ em thất học trong cả nước đặc biệt là trẻ em vùng khó cũng tiếp tục được phụ đạo kiến thức.

Thế nhưng ở ngay thời điểm này, thời điểm mà cả xã hội quan tâm đến giáo dục, điều kiện học tập dễ dàng, trẻ thất học cũng được sự giúp đỡ của cộng đồng thì vai trò của công tác phổ cập giáo dục đã không còn tác dụng nữa.

Công tác phổ cập vốn nhân văn đã bị khá nhiều trường lợi dụng làm méo mó. Nhiều trường học, nhiều địa phương vì thành tích đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của công tác phổ cập này.

Giáo dục đầy dối trá thì công tác phổ cập cũng đã góp một phần không nhỏ. Học sinh yếu không được ở lại, học sinh hư, vi phạm nội quy cũng được bao che bởi nhà trường sợ các em nghỉ học sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ duy trì sĩ số.

Hãy noi gương Đồng Tháp ảnh 2Giáo viên khổ sở với phổ cập giáo dục

Học sinh lớn tuổi không được nhận vào học vì sợ khống chế tỉ lệ phổ cập đúng độ tuổi…

Người ta sẵn sàng làm mọi cách để đạt chỉ tiêu phổ cập như trẻ bỏ học mạo hồ sơ thành chuyển trường.

Thành lập lớp phổ cập, lớp xóa mù danh sách học sinh là thật nhưng chỉ lèo tèo vài em.

Ngày khai giảng, ngày tổng kết khi có truyền hình đưa tin thì nhà trường dùng chiêu “mượn” học sinh đang học chính quy đóng thế.

Mỗi năm, khi đi điều tra phổ cập những người trong độ tuổi đi học nhưng thất học hoặc bị đưa ra ngoài danh sách theo dõi với lý do người đó đã chuyển vùng, người đưa vào danh sách đã chết mà dân phổ cập quen gọi là “dìm trong biển máu”.

Với những cách làm đối phó như thế nên trường nào, xã phường nào, huyện tỉnh nào cũng đạt chuẩn phổ cập 100% mà thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Thế nên, nói đến phổ cập thì bất cứ giáo viên nào cũng tỏ ra ngao ngán vì cách làm không thật, vì nó mà giáo dục sinh ra đủ thứ chuyện tiêu cực.

Bỏ công tác giáo viên làm phổ cập (thay vào đó giao hẳn về cho Ban giám hiệu như tỉnh Đồng Tháp đang làm) không chỉ giảm cho ngân sách nhà nước một khoản tiền không nhỏ mà còn góp phần rất lớn thanh lọc những tiêu cực từ phổ cập gây ra để trả cho môi trường giáo dục sự trong sáng vốn có.

Sông Mã