"Ấn Độ nên giải quyết mối quan ngại của Việt Nam trên Biển Đông"

02/03/2018 10:58
Hồng Thủy
(GDVN) - Giới hoạch định chiến lược tại New Delhi xem Việt Nam là một trong những đối tác thân thiết nhất của Ấn Độ ở Đông Nam Á về quốc phòng và an ninh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phái đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ 3 ngày, kể từ hôm nay 2/3.

Truyền thông và học giả quốc tế đã có một số đánh giá đáng chú ý, chúng tôi xin tổng hợp tại đây để hầu quý bạn đọc.

"Ấn Độ phải giải quyết mối quan ngại của Việt Nam trên Biển Đông"

Đây là nhận xét, bình luận của nhà nghiên cứu về chính sách hàng hải Abhijit Singh từ Quỹ Nghiên cứu - quan sát  trên tờ Hindustan Times ngày 2/3.

Tác giả cho biết, chỉ 1 tháng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ tại New Delhi, Ấn Độ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang thăm.

Chuyến thăm chính thức đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ảnh: Nikkei Asia Review / Reuters.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ảnh: Nikkei Asia Review / Reuters.

Mặc dù nhấn mạnh việc phát triển mối quan hệ chính trị gần gũi hơn giữa 2 nước, trọng tâm của chuyến thăm này sẽ là tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh song phương.

Giới hoạch định chiến lược tại New Delhi xem Việt Nam là một trong những đối tác thân thiết nhất của Ấn Độ ở Đông Nam Á về quốc phòng và an ninh.

Mặc dù Ấn Độ luôn khẳng định cam kết ủng hộ tự do hàng hải và tiếp cận thương mại, nhưng quốc gia này đã phải vật lộn tìm kiếm một vai trò có ý nghĩa hơn về an ninh ở Biển Đông.

New Delhi vẫn còn thiếu những nỗ lực để xua tan cảm giác Ấn Độ còn thờ ơ với vấn đề tự do hàng hải ở Đông Nam Á, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc chạy đua với thời gian đảo hóa, quân sự hóa các cấu trúc địa lý (chiếm đóng trái phép) ở Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Nhà nghiên cứu Abhijit Singh cho rằng, hiện tại Ấn Độ và Việt Nam dường như vẫn chưa đạt được những tiến bộ cần thiết trong việc chuyển giao công nghệ chiến lược.

Ông lấy ví dụ, các cuộc đàm phán về việc bán và vận chuyển tên lửa hành trình Brahmos cho Việt Nam vẫn bị đình trệ.

Nhà nghiên cứu Abhijit Singh, ảnh: Youtube.
Nhà nghiên cứu Abhijit Singh, ảnh: Youtube.

New Delhi sẽ cảm thấy lo ngại vì Việt Nam đang cân nhắc mua hàng trực tiếp từ Nga với chi phí rẻ hơn kèm cam kết chuyển giao công nghệ cao hơn.

Tác giả kết luận: Ấn Độ phải nhanh chóng đáp ứng mối quan tâm của Việt Nam về cuộc khủng hoảng an ninh trên Biển Đông, (nếu không) sẽ buộc Việt Nam phải tìm kiếm các đối tác mới.

Do đó theo ông, Ấn Độ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc củng cố mối quan hệ với đối tác chủ chốt ở Đông Nam Á này. [1]

Biển Đông trở thành mối quan tâm hàng đầu

Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc ngày 28/2 tổng hợp các thông tin từ truyền thông Việt Nam về chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phái đoàn cấp cao Việt Nam.

Tờ báo này đặt tiêu đề, "Sau 7 năm Chủ tịch nước Việt Nam thăm Ấn Độ, (hai bên) có thảo luận Biển Đông hay không?".  [2]

Ngày 2/3 Thời báo Hoàn Cầu có bài viết: "Chủ tịch nước Việt Nam sau 7 năm lại thăm Ấn Độ, hai nước sẽ thảo luận vấn đề Biển Đông".  [3]

Cách đặt vấn đề của Thời báo Hoàn Cầu cho thấy, dường như Biển Đông là mối quan tâm số 1 của tờ báo này về hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ, mặc dù chưa đưa ra bình luận nào.

Còn theo nhà báo Kiran Sharma của Nikkei Asia Review ngày 2/3, hợp tác an ninh quốc phòng được kỳ vọng sẽ trở thành chương trình nghị sự chính trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ 3 ngày của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Giáo sư Pankaj Jha, ảnh: O.P. Jindal Global University
Giáo sư Pankaj Jha, ảnh: O.P. Jindal Global University

Tác giả dẫn lời Giáo sư Pankaj Jha chuyên nghiên cứu các vấn đề chiến lược tại Đại học O.P. Jindal Global, Ấn Độ cho biết:

Việt Nam mong muốn Ấn Độ cởi mở hơn do những mối quan tâm về an ninh hàng hải, công nghiệp quốc phòng và tín dụng.

Giáo sư Pankaj Jha nhận định, trên Biển Đông, Việt Nam có cơ sở hạ tầng rất cơ bản và mong muốn nhận được các hỗ trợ về đào tạo và trang thiết bị từ Ấn Độ.

"Việt Nam mong muốn xây dựng năng lực giám sát điện tử ở những hòn đảo này, để họ có thể dự báo trước cho mình trong trường hợp xảy ra một cuộc phiêu lưu từ Trung Quốc", Giáo sư Pankaj Jha nói.

Theo ông, Việt Nam là đối tác có triển vọng đối với "tứ giác kim cương" Mỹ - Nhật - Ấn - Úc trong vấn đề an ninh. [4]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.hindustantimes.com/analysis/india-must-address-vietnam-s-concerns-in-south-china/story-KktT9xR9F9MHgbqNnfYRNO.html

[2]http://world.huanqiu.com/article/2018-02/11630034.html

[3]http://world.huanqiu.com/exclusive/2018-03/11634945.html

[4]https://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/India-and-Vietnam-to-strengthen-defense-ties-against-assertive-China

Hồng Thủy