Phố “tối thui” giữa thủ đô
Trời nhá nhem tối, đường Bạch Đằng (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đoạn chạy qua tổ dân phố 12A, 12B, 12C, 12D, 12E trở nên nhộn nhịp hơn.
Những chiếc xe tải cỡ lớn chạy ầm ầm trên đường kéo theo bụi bẩn, hướng vào Cảng Hà Nội, khiến cuộc sống của người dân ít nhiều gặp xáo trộn.
Nhưng vất vả nhất có lẽ là việc hàng nghìn người dân tại tổ dân phố 12A, 12B, 12C, 12D... thường xuyên phải đối mặt với cảnh cả con phố dài khoảng 1 km không đèn điện chiếu sáng nhiều năm nay.
Theo quan sát của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngay trong các ngày trước trong và sau tết nguyên đán 2018, mặc dù đoạn đường Bạch Đằng (đoạn từ ngã ba Lãng Yên đến Cảng Hà Nội) được trang bị hệ thống cột, đèn chiếu sáng, nhưng điện thì... không được thắp sáng.
Chính vì vậy, cứ vào ban đêm, đoạn đường này luôn chìm nghỉm trong bóng tối mù mịt.
Đặc biệt, vào giờ tan tầm số lượng người và phương tiện đi lại đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Vì không có điện đường, cả người và phương tiện lưu thông chỉ trông chờ vào ánh đèn của những chiếc xe đi ngược chiều, xuôi chiều để dò đường.
Vì không có điện đường, cả người và phương tiện chỉ trông chờ vào ánh đèn của những chiếc xe đi ngược chiều, xuôi chiều để dò đường. Ảnh: Phương Anh. |
Bà N.T. H., một hộ dân sống ven đường Bạch Đằng chỉ tay về hướng cột điện phía đối diện căn nhà than thở:
“Chúng tôi đã sống ở đây nhiều năm, nhưng chưa bao giờ thấy đèn đường được chiếu sáng. Cột đèn dựng lên đó cho đẹp thôi, chứ họ có thắp sáng đâu.
Người dân ở đây đã quá quen với cảnh “phố không điện đường” từ nhiều năm nay rồi.
Điện đường không có, mật độ xe cộ lưu thông lớn, nên hầu hết mọi sinh hoạt về đêm của cư dân nơi đây hầu như bị khép kín trong 4 bức tường.
Dân có muốn đi tập thể dục trên tuyến đường này cũng không dám vì sợ gặp tai nạn.
Cũng vì không có điện đường nên thi thoảng lại xảy ra các vụ va quệt, tai nạn giao thông trên đoạn đường này”, bà H. nói.
Chính vì thiếu ánh sáng điện đường, nhiều người dân khu phố đã tự thiết kế hệ thống chiếu sáng để cải thiện tầm nhìn cho đoạn đường này:
“Cũng may con tôi học ngành kiến trúc, nên nó nghĩ ra cách treo các bóng đèn công suất nhỏ trước hiên nhà, vừa nhằm mục đích trang trí, vừa để chiếu sáng cho con đường", bà H. nói.
Trái ngược với cảnh “phố không điện”, tại khu vực sản xuất, tập kết hàng hóa thuộc quản lý của Cảng Hà Nội, hệ thống chiếu sáng vẫn hoạt động bình thường.
Ông N.V.P., một cán bộ hưu trí sống tại phường Thanh Lương cho biết, mặc dù cử tri đã nhiều lần gửi kiến nghị, phản ánh, tình trạng không điện đường tới cấp có thẩm quyền, nhưng đến nay dân phố vẫn chịu cảnh không đèn.
“Doanh nghiệp nói, hệ thống chiếu sáng là do họ làm, cho nên dân muốn có điện chiếu sáng thì nhà nước phải hoàn trả lại vốn cho doanh nghiệp đã đầu tư trước đó.
Vì vậy, nhiều năm nay, tình trạng phố không đèn vẫn chưa được giải quyết”, ông P. nói.
Một cán bộ quản lý đô thị phường Thanh Lương (không tiện nêu tên) tiết lộ cho chúng tôi biết, hệ thống chiếu sáng (cột, đèn đường) trên đường Bạch Đằng (tính từ đoạn ngã 3 Lãng Yên đến cầu Vĩnh Tuy do Cảng Hà Nội đầu tư, xây dựng.
Tuy nhiên, vị cán bộ này không nắm được thông tin dọc tuyến phố khoảng 1 km không có điện thắp sáng nhiều năm nay.
Cán bộ này nói thêm: “Nhiều lần phường đã đề nghị bàn giao hệ thống chiếu sáng cho công ty chiếu sáng, nhưng hiện tại Cảng Hà Nội vẫn chưa bàn giao.
Chúng tôi sẽ báo cáo sự việc tới lãnh đạo để có hướng xử lý thông tin phản ánh”, cán bộ này phản ánh.
Cảng Hà Nội "ngăn sông cấm chợ"
Cũng theo quan sát của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trên đường Bạch Đằng - khu vực tiếp giáp với bãi tập kết hàng hóa, nguyên vật liệu thuộc Cảng Hà Nội, xuất hiện một barie nằm chắn ngay giữa đường.
Chướng ngại vật này làm bằng tôn, được chèn chặt bởi những khối bê tông lớn, có chiều dài khoảng 5m, chiều cao hơn 1m, nằm chắn ngang lòng đường khiến các phương tiện tham gia giao thông gặp khá nhiều khó khăn.
Trên đường Bạch Đằng xuất hiện Barie nắm chắn ngay giữa lòng đường gây ách tắc cho các phương tiện khi lưu thông. Ảnh: Phương Anh. |
Theo phản ánh của người dân, tình trạng trên diễn ra nhiều năm nay nhưng không có cấp chính quyền nào đứng ra xử lý.
"Trường hợp người người đi đường gặp tai nạn vì doanh nghiệp "ngăn sông cấm chợ" bằng chướng ngại vật giữa đường thì ai sẽ đền bù thiệt hại?.
Không hiểu sao dân bức xúc vì doanh nghiệp ứng xử thiếu văn minh như vậy mà không có cấp chính quyền nào vào cuộc xử lý", chị N.A một người dân thường xuyên lưu thông qua tuyến đường này phản ánh.
Theo vị cán bộ quản lý đô thị phường Thanh Lương, chướng ngại vật đặt trên đường Bạch Đằng, khu vực đi vào Cảng Hà Nội đã tồn tại nhiều năm nay.
Cứ khoảng 22 giờ, barie này lại được đóng lại để hạn chế phương tiện của người dân qua lại tại khu vực này.
"Khu vực này nhà nước giao cho Cảng Hà Nội sử dụng từ trước tới nay. Họ bảo đất và đường của họ nên họ có quyền làm. Hôm trước họ định rào hết (đường) nhưng dân phản ứng mạnh quá nên họ lại thôi.
Chúng tôi sẽ đề nghị lãnh đạo phường có văn bản sang bên Cảng Hà Nội để xử lý tình trạng trên", cán bộ này nói.