Dự thảo quy chế tuyển sinh 2018 đã được công bố để lấy ý kiến góp ý. Điểm thay đổi quan trọng trong quy chế tuyển sinh năm nay là giảm điểm ưu tiên khu vực xuống một nửa.
Cụ thể tại Khoản 5, điều 7 về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2018 quy định, mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm (thay vì chênh lệch như hiện nay là 0,5 điểm), tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học kiến nghị, muốn có chính sách công bằng giữa các thí sinh thì nên ưu tiên theo chỉ tiêu (quota). (Ảnh: Xuân Trung) |
Theo quy định mới, điểm ưu tiên khu vực cao nhất sẽ là 0,75 điểm dành cho thí sinh khu vực 1. Điểm ưu tiên cho thí sinh khu vực 2 nông thôn, khu vực 2 lần lượt là 0,5 và 0,25 điểm; tức giảm một nửa so với quy định hiện hành.
Như vậy, sau gần 15 năm duy trì ổn định, mức điểm chênh lệch giữa 2 khu vực ưu tiên đã hạ xuống chỉ còn một nửa. Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận chính sách ưu tiên thời gian gần đây đã bộc lộ những hạn chế.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy 82%-83% thí sinh đang hưởng chế độ ưu tiên khu vực. Vì vậy, việc giảm điểm ưu tiên giữa các khu vực xuống chỉ còn một nửa sẽ tác động mạnh đến các thí sinh này.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, nếu sử dụng điểm ưu tiên để đảm bảo công bằng về cơ hội học tập thì chính sách này phải áp dụng chung cho một loại đối tượng.
Được cộng 6 điểm ưu tiên thì còn gì là công bằng trong thi cử nữa! |
Nhưng hiện nay trong xã hội có nhiều loại đối tượng thiệt thòi cần ưu tiên khác nhau thì việc giảm điểm ưu tiên khu vực xuống không làm tăng tính công bằng trong thi cử như mong muốn của ngành giáo dục.
Bởi lẽ theo ông Khuyến phân tích, ở thành phố, học sinh có điều kiện ăn, ở, học tập tốt, có thời gian luyện thi, ôn tập còn những học sinh vùng sâu, vùng xa làm sao có được những điều kiện này...
Do đó, cộng điểm ưu tiên đối với học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa là điều dễ hiểu.
Từ đó, ông Khuyến kiến nghị, muốn có chính sách công bằng giữa các thí sinh thì nên ưu tiên theo chỉ tiêu (quota).
Ví dụ, trong kỳ tuyển sinh 2018, tổng chỉ tiêu của Đại học A là 1000 thí sinh thì chỉ tiêu dành cho từng khu vực 1, khu vực 2, khu vực 2 nông thôn là 10% hoặc 20%.
Giả sử khu vực 1 tuyển không đủ tỷ lệ % đó (do nhiều nguyên nhân) thì chỉ tiêu còn lại có thể chuyển dịch sang khu vực 2, khu vực 2 nông thôn.
Đến đây, ông Khuyến cho rằng: “Ưu tiên theo chỉ tiêu sẽ tránh được tình trạng mất công bằng trong tuyển sinh”.