Sao lại ép dân mua vé vào cửa Phật?

06/03/2018 06:22
ĐỖ HOÀNG
(GDVN) - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói thu phí tại Yên Tử là đúng luật, nhưng nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thì nói sai luật.

Thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 1/1/2018, Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử (trực thuộc Uỷ ban nhân dân Thành phố Uông Bí) đã tổ chức thu phí tham quan Yên Tử khiến không ít du khách hành hương về "đất Phật" phản ứng.

Lễ phật mất tiền

Sáng 25/2 (mùng 10 tháng giêng), khai hội xuân Yên Tử (Thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), nhiều du khách từ các nơi về trung tâm phật giáo thiền tông thuần Việt này để hành lễ đã vô cùng bất ngờ khi bị thu phí.

Theo đó, mức thu phí người lớn là 40 nghìn đồng, trẻ em (từ 7-16 tuổi) trên 1,2m mức 20 nghìn đồng. Đối tượng chính sách, người cao tuổi được giảm 50% mức phí. Trẻ em dưới 1,2m (dưới 7 tuổi), người khuyết tật nặng và tăng ni được miễn phí.

Người dân, phật tử về hành lễ ở Yên Tử phải mua vé tham quan.
Người dân, phật tử về hành lễ ở Yên Tử phải mua vé tham quan.

Vé tham quan đối với khách đi cáp treo được tích hợp với vé cáp treo, khách đi bộ trực tiếp do Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử bán vé.

Việc triển khai thu phí tham quan Yên Tử đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ 1/1/2018. Từ sau ngày khai hội đến nay, lượng du khách đổ về Yên Tử rất đông, nhân viên vừa bán vé vừa phải giải thích, dẫn đến khu vực bán vé ùn ứ kéo dài, nhiều đoạn đường dẫn lên Yên Tử bị ùn tắc.

Đa số du khách bày tỏ băn khoăn khi hành hương đến Yên Tử đã phải trả nhiều loại phí như xe điện, vé gửi xe, vé cáp treo… giờ lại thêm vé tham quan khiến họ rơi vào tình trạng “phí chồng phí”. Du khách cho rằng vé tham quan được tỉnh Quảng Ninh định ra quá cao.

Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ ý kiến việc thu phí của tỉnh Quảng Ninh khiến cho phật tử rơi vào tình trạng “lễ phật mất tiền”. Có người ví von việc thu phí này chính là “BOT Yên Tử”. Người dân hành hương về đây hầu hết là để lễ Phật chứ không phải để tham quan, cho nên việc thu phí tham quan là rất phản cảm.

Thu phí có đúng luật không?

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Uông Bí, việc thu phí này được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh ngày 13/12/2017, quy định thu phí đối với khách tham quan danh lam thắng cảnh Khu Di tích Yên Tử.

Tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc thu phí tham quan Yên Tử căn cứ theo Luật phí và lệ phí. Tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng trên cả nước có nhiều di tích, đền, chùa đã thực hiện thu phí, thậm chí ngay cả nhiều nước cũng tổ chức thu phí tham quan danh thắng.

Sao lại ép dân mua vé vào cửa Phật? ảnh 2

Muốn vào cửa Phật phải có hai chữ T?

Theo tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, do nhiều công trình trong quần thể di tích đã xuống cấp hoặc đã là phế tích, cần được duy tôn tạo.

Tuy nhiên, do nguồn ngân sách nhà nước có hạn, trong khi nguồn thu từ tiền công đức, tiền giọt dầu của du khách đến với Yên Tử đều do Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh trực tiếp quản lý và sử dụng.

Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1974, đến năm 2012 lại được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Nguồn thu này chưa được sử dụng vào việc đầu tư tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh Yên Tử (trừ việc tôn tạo chùa Đồng, Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông).

Do đó, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra việc thu phí tham quan này nhằm tăng nguồn thu để đầu tư cải tạo cho di tích Yên Tử.

Theo tính toán, với lượng khách tham quan danh lam thắng cảnh Khu Di tích Yên Tử trung bình đạt 1,5 triệu lượt người/năm, dự kiến số phí thu được khoảng 50 tỷ đồng/năm.

Trong đó, 20% số tiền thu được sẽ chi cho hoạt động của tổ chức bộ máy Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử và các khoản khác. 80% còn lại được nộp ngân sách để bổ sung nguồn lực cho Uông Bí thực hiện đầu tư và quản lý danh thắng này.

Ngoài mất phí đi xe điện, cáp treo còn phải mua vé tham quan tạo tình trạng "phí chồng phí". Tổng số tiền cho một chuyến đi là 360 nghìn/1 người. ảnh: Đỗ Hoàng.
Ngoài mất phí đi xe điện, cáp treo còn phải mua vé tham quan tạo tình trạng "phí chồng phí". Tổng số tiền cho một chuyến đi là 360 nghìn/1 người. ảnh: Đỗ Hoàng.

Trả lời báo chí về vấn đề thu phí tham quan Yên Tử, bà Trịnh Thị Thuỷ, - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng việc này được triển khai theo đúng quy định của pháp luật, được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh thông qua. 

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Hồng Sơn - Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), Yên Tử là nơi kết hợp nhiều yếu tố danh thắng và tâm linh. Người dân, phật tử về Yên Tử hành lễ, thăm viếng không phải trả phí. Việc bán vé cho phật tử, người dân đến hành lễ ở chùa là trái pháp luật.

Tiến sĩ Sơn cho rằng quần thể danh thắng Yên Tử còn có các điểm thờ tự tín ngưỡng phật giáo, việc “khoanh tròn” địa bàn đó vào để thu tiền là không được phép.

Theo ông Sơn, việc thu phí chỉ có thể áp dụng đối với các dịch vụ như cáp treo, trông giữ xe, xe điện, trò chơi. Những cái đó được phép làm và nên làm vì các dịch vụ này đáp ứng nhu cầu của người dân, còn việc thực hiện thu phí người dân về hành lễ là không đúng pháp luật.

ĐỖ HOÀNG