Tạp chí danh tiếng Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2018, cũng thật trùng hợp vào dịp kỷ niệm ngày phụ nữ quốc tế 8/3.
Ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Vietjet Air là nữ tỷ phú đô la duy nhất (xếp hạng 766 thế giới với tài sản sở hữu 3,1 tỷ USD). Như vậy, so với lần công bố trước đó của Forbes thì lần này tổng tài sản của bà Thảo đã tăng thêm 2,2 tỷ USD và có những thời điểm đã vượt qua con số này.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu trực tiếp 28,2 triệu cổ phiếu VJC của Vietjet Aire và gián tiếp sở hữu 92,1 triệu cổ phiếu VJC thông qua Công ty Hướng Dương Sunny - đơn vị mà bà Thảo sở hữu 100% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, bà Thảo còn sở hữu gần 40 triệu cổ phiếu HDB của HDBank và là Chủ tịch của Sovico Holdings.
Đây là lần thứ hai CEO của Vietjet Air có tên trong danh sách bình chọn của Forbes và nằm trong top 100 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới. Danh sách này được đưa ra dựa trên 7 tiêu chí cơ sở: Tỷ phú, doanh nghiệp, tài chính, truyền thông, chính trị, các nhà hảo tâm/tổ chức phi chính phủ và công nghệ. Và theo chia sẻ từ một lãnh đạo của Forbes thì những người phụ nữ này có ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đại diện cho Vietjet ký hợp đồng đặt mua 100 tàu bay của Boeing nhân dịp Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam. ảnh: vietjet. |
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, nổi tiếng là một học sinh rất giỏi. Cho tới khi ra nước ngoài du học, bà Thảo đã từng bước phát huy được tài năng kinh doanh của mình để có được số vốn đầu tiên lập nghiệp rồi đầu tư kinh doanh trở lại Việt Nam những năm sau này.
Trên thương trường, nhiều người biết đến nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo là “người đàn bà thép”, giữ ghế nóng ở nhiều doanh nghiệp đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng.
Bà Thảo từng là thành viên Ban giám đốc của một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam trước khi gia nhập Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) trong vai trò Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Kinh doanh đa ngành, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm 1,9 tỷ USD |
Có lẽ trong số nhiều lĩnh vực ấy, đáng chú ý hơn cả là vai trò nổi bật của bà Thảo tại VietJet Air, cùng với các cộng sự đang viết lên câu chuyện “cổ tích” khó tin trong ngành hàng không.
Thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2011, VietJet Air chỉ mất 6 năm để trở thành hãng hàng không đứng đầu thị trường với mức độ nhận diện thương hiệu hơn 90%.
Trả lời các hãng thông tấn quốc tế, bà Nguyễn Thị Phương Thảo không giấu tham vọng VietJet Air đang vươn mình trở thành “một Emirates của châu Á".
Với triết lý kinh doanh nhân văn, hướng tới cộng đồng, khát vọng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người trên các chuyến bay, mang lại cơ hội bay bình đẳng cho tất cả mọi người, VietJet Air góp phần đưa việc di chuyển bằng đường hàng không trở nên phổ biến, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cũng đã được đi lại bằng máy bay Vietjet.
Năm 2017, Vietjet vận chuyển hơn 17,11 triệu hành khách. Doanh thu vận chuyển hàng không đạt 22.577 tỷ đồng (tăng 41,8% so với năm 2016), vượt 4,6% kế hoạch năm.
Vietjet cũng đã nỗ lực mở thêm 22 đường bay mới (có 21 đường bay quốc tế), nâng tổng số đường bay khai thác lên 82 đường (gồm 38 đường bay quốc nội và 44 đường bay quốc tế); đồng thời đầu tư cho hệ thống tàu bay mới hiện đại hơn - minh chứng rõ nhất là Vietjet đã nhận chiếc Airbus A321 NEO đầu tiên trong lô hàng 42 chiếc, dòng máy bay thế hệ mới tiết kiệm 15% nhiên liệu.
Theo báo cáo tài chính năm 2017 mới được công bố, doanh thu thuần của Vietjet Air đạt gần 42.258 tỷ đồng (tăng 53,7% so với năm 2016) và vượt 0,6% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.755 tỷ đồng (tăng 75,9% so với năm 2016), vượt 26% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 4.527 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 10.065 đồng.
Nhìn vào tốc độ tăng trưởng của Vietjet Air trong mấy năm qua, người ta vẫn nói vui rằng nó giống như một câu chuyện "cổ tích", nhưng nếu ai đã từng gặp gỡ, tiếp xúc với CEO Nguyễn Thị Phương Thảo hẳn sẽ nhận ra đó là một câu chuyện hoàn toàn đời thực.
CEO của Vietjet Air dành hầu hết thời gian công việc, thường xuyên làm việc tới đêm khuya và thức dậy rất sớm, nhiều ngày chỉ nghỉ ngơi 3-4 giờ đồng hồ.
Trong sự kiện Women's Summit 2017, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã có chia sẻ vô cùng thú vị: "30 năm làm doanh nhân, tôi chưa bao giờ nghĩ mục tiêu chính mình có bao nhiêu tiền vì cuộc sống không thiếu thốn. Thế nhưng, khi làm doanh nhân, tôi luôn nghĩ làm sao cho doanh nghiệp, nhân viên mình phát triển tốt nhất".
Đội bay của Vietjet Air ngày càng hiện đại. ảnh: vietjet. |
Không chỉ thành công trong lĩnh vực hàng không, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo còn thành công với vai trò Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank.
Sự phát triển vượt bậc, hướng đi đột phá đã đưa HDBank từ ngân hàng tầm trung lên ngân hàng top mạnh khu vực, ngoài chiến lược sắc bén, thực tế, hiệu quả, yếu tố niềm tin quản trị và thương hiệu, trong đó không thể không nhắc tới những đóng góp quan trọng của nữ doanh nhân tỷ phú đô la Nguyễn Thị Phương Thảo.
Kết quả kinh doanh năm 2017 của HDBank rất ấn tượng với lợi nhuận trước thuế đạt 2.420 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ là 1,1% và ngân hàng hợp nhất (bao gồm cả HDSaison) là 1,5%.
Trong 10 năm qua, tổng tài sản của HDBank tăng 18 lần và dự đoán sẽ nâng lên hơn 2,5 lần vào năm 2021, bên cạnh đó là duy trì tỉ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất toàn ngành.
Nhờ những kết quả ấy, HDBank vinh dự được vinh danh ở hai mảng: Ngân hàng phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và Ngân hàng bán lẻ và tài chính tiêu dùng tốt nhất.