Một chữ ký của lãnh đạo, hơn 500 giáo viên nguy cơ ra đường, vì sao lại như thế?

11/03/2018 06:10
Hưng Long
(GDVN) - Hàng trăm giáo viên trên địa bàn huyện Krông Pắk có nguy cơ thất nghiệp do số học sinh giảm và không còn vị trí để tham gia dự tuyển.

Ngày 09/03, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức buổi họp với hàng trăm giáo viên tuyển dụng dư thừa trên địa bàn.

Buổi họp được tổ chức tại nhà văn hóa huyện dưới sự chủ trì của bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk.

Tại buổi họp, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện thông báo các giáo viên dạy hợp đồng, không đủ điều kiện thi tuyển sẽ bị mất việc.

Hàng trăm giáo viên tập trung tại nhà văn hóa huyện Krông Pắk để phản ứng việc bị sa thải. (Ảnh: Facebook Hiền Lê)
Hàng trăm giáo viên tập trung tại nhà văn hóa huyện Krông Pắk để phản ứng việc bị sa thải. (Ảnh: Facebook Hiền Lê)

Hàng trăm giáo viên hoang mang trước nguy cơ trở thành gánh nặng cho gia đình.

Ngày 10/03, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc với bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) để tìm hiểu sự việc hàng trăm giáo viên mất việc làm.

Bà Trinh khẳng định, thông tin hơn 500 giáo viên mất việc trên địa bàn huyện Krông Pắk là chưa chính xác. Có 2 đối tượng bị thanh lý hợp đồng, gồm: Đối tượng không có vị trí thẩm định xét tuyển sắp tới của các sở ban ngành và đối tượng có vị trí để xét tuyển.

Ủy ban nhân dân huyện thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, kết luận chỉ đạo của tỉnh và cơ quan các cấp nên đã mời Hiệu trưởng và khoảng gần 200 giáo viên hợp đồng đến làm việc.

Những giáo viên này đến thời điểm hiện tại do số học sinh đã giảm và không còn vị trí để tham gia dự tuyển nữa.

Bà Trinh nhấn mạnh, số lượng giáo viên dư thừa khoảng gần 200 người.

Lãnh đạo huyện Krông Pắk thông báo đến Hiệu trưởng, các giáo viên biết để thực hiện các bước theo đúng luật lao động.  

Trong số giáo viên này, có nhiều giáo viên ký hợp đồng theo kỳ, theo từng năm…

Bà Trinh cho rằng, sự việc này không thể kéo dài mãi do đã có những kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk tiến hành thực hiện xử lý theo các bước: Thông báo đến người lao dộng để biết, thỏa thuận với người lao động theo từng trường hợp.

Bước thứ hai, nhà trường sẽ tùy vào trường hợp hợp đồng lao động ngắn hạn, dài hạn, phụ nữ đang mang thai… để giải quyết. 

Một chữ ký của lãnh đạo, hơn 500 giáo viên nguy cơ ra đường, vì sao lại như thế? ảnh 2Lời thỉnh cầu đầu năm mới cho những giáo viên hợp đồng tại Hải Dương 

Bà Trinh chia sẻ, các giáo viên có ý kiến trái chiều mà thỏa mãn sẽ có những buổi đối thoại để các bộ phận chuyên môn liên quan tham gia.  

Trước mắt, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk vẫn thực hiện theo Luật Lao động, trong 45 ngày thỏa thuận với người lao động. Nếu đối thoại xong mà chưa thỏa đáng, các giáo viên có thể khởi kiện vụ việc ra tòa theo quy định của pháp luật.

Bà Trinh nói, hiện tại, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk đã lên các chương trình, liên kết với các công ty trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ, tạo điều kiện việc làm cho các giáo viên bị thất nghiệp.

Hưng Long