Ninh Bình phạt Viettel "kinh doanh hàng nhập lậu" đúng luật hay “xuê xoa”?

12/03/2018 06:09
Trần Phương
(GDVN) - Lô hàng của Viettel bị bắt giữ có số lượng rất lớn nhưng cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình lại chỉ định giá dưới 200 triệu đồng để xử phạt liệu có thỏa đáng?

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, tháng 8/2017, Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel telecom) bị Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ra công văn số 415/QĐ-UBND phạt vì hành vi "Kinh doanh hàng hóa nhập lậu".

Sự việc đã gây chú ý đặc biệt với dư luận bởi Viettel là một trong những thương hiệu lớn và có uy tín đối với người Việt, việc thương hiệu này lại “dính” phốt “kinh doanh hàng hóa nhập lậu” là việc khó chấp nhận.

Qua trao đổi, đại diện của Viettel đã khẳng định với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: "Viettel không nhập lậu".

Cụ thể, Liên quan đến Quyết định số 415/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc xử phạt vi phạm hành chính với lô hàng gồm:

83.000 chiếc đầu nối Fast Connector, 200 điện thoại di động V6216, 120 USB Wifi 4G – D6606 và 10 thiết bị phát wifi TP Link – W8151N, Tổng Công ty Viễn thông Viettel khẳng định không nhập lậu và đã cung cấp đầy đủ giấy tờ của lô hàng cho cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình.

Ảnh chụp màn hình một số sản phẩm của Viettel ngày 11/3 (Ảnh: LC)
Ảnh chụp màn hình một số sản phẩm của Viettel ngày 11/3 (Ảnh: LC)

Tuy nhiên, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình vẫn quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì tại thời điểm kiểm tra, đơn vị vận chuyển đã chưa cung cấp Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 8/5/2015. 

Không chỉ thu hút dư luận vì việc bị Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phạt, vụ việc còn tạo ra nhiều nghi ngại về tính minh bạch và công khai trong quá trình xử lý.

Trong công văn xử phạt số 415/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ghi “Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Ninh Bình phạt Viettel "kinh doanh hàng nhập lậu" đúng luật hay “xuê xoa”? ảnh 2Ông lớn như Viettel sẽ ra sao khi bị phạt “kinh doanh hàng hóa nhập lậu”?

Việc này đã tạo ra nhiều nghi vấn đối với dư luận, con số 100.000.000 đồng trở lên mà Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã áp dụng để phạt Viettel telecom được định giá như thế nào?

Khảo sát giá những mặt hàng cùng loại, những sản phẩm mà Viettel bị Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tịch thu mà cho thấy con số trên 100.000.000 đồng là quá chung chung.

Cụ thể, theo giá trị được khảo sát ngày 11/3/2018 trên trang https://shop.viettel.vn cho thấy, một chiếc điện thoại cho người già V6216 được bán với giá 470.000 đồng; một chiếc USB Wifi 4G-D6606 có giá hơn 1 triệu đồng.

Tại trang shopee.vn một hộp 10 bộ đầu kết nối quang nhanh SC/UPC Fast Connector có giá hơn 125.000 đồng

Còn tại Meadia mart chiếc Wifi TP Link- W8151N có giá từ trên 400.000 đồng.

Như vậy, tổng số hàng bị thu giữ gồm: 83.000 chiếc đầu nối Fast Connecter + 200 điện thoại di động V6216 + 120 USB Wifi 4G – D6606 + 10 thiết bị phát wifi TP Link – W8151N lại chỉ được định giá trên 100 triệu đồng, nhưng không cụ thể con số là bao nhiêu thì liệu có thỏa đáng?

Nếu hành vi “kinh doanh hàng hóa nhập lập” mà Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình áp dụng cho lô hàng Viettel bị thu giữ là đúng thì liệu rằng vụ việc chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính đã thật sự chính xác?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc công ty luật Dragon, đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng: “Doanh nghiệp nếu bị phát hiện kinh doanh hàng hóa nhập lậu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 hay không còn phụ thuộc vào giá trị hàng hóa nhập vào phải từ 200.000.000 đồng trở lên.

Trong trường hợp giá trị hàng hóa từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì doanh nghiệp chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 hoặc tại một trong các Điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Không rõ Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình dựa vào đâu để định giá trị giá lô hàng rồi đưa ra mức phạt?.

Giá trị thật sự của lô hàng này là bao nhiêu, việc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình áp dụng xử phạt hành vi “Kinh doanh hàng hóa nhập lập” có đúng luật hay không là điều mà dư luận cần được biết.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình định giá lô hàng có giá trị trên 100 triệu đồng, nhưng giá trị chính xác của lô hàng này là boa nhiêu? (Ảnh: LC)
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình định giá lô hàng có giá trị trên 100 triệu đồng, nhưng giá trị chính xác của lô hàng này là boa nhiêu? (Ảnh: LC)

Thời gian vừa qua, Chính phủ rất nỗ lực trong công tác điều hành với định hướng kiến tạo, liêm chính và hành động, trong đó công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương; kiên quyết không cho phép có “vùng cấm”.

Việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình ra quyết định xử phạt một doanh nghiệp lớn như Viettel telecom đã minh chứng cho điều đó, nhưng bên cạnh đó dư luận cũng chờ đợi cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình minh bạch quá trình xử lý vi phạm của Viettel.

Việc xử lý "đúng người, đúng tội" sẽ góp phần thắng lợi cho chông tác phòng chống buôn lậu, gian thương của Chính phủ.

Nộp phạt có nghĩa là Viettel thừa nhận quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đúng?

Theo luật sư Nguyễn Minh Long: “Việc Viettel Telecom chấp nhận nộp phạt không đồng nghĩa với việc Viettel thừa nhận nhập lậu hàng hóa bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

“Điều 73. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, Viettel Telecom về nguyên tắc vẫn sẽ phải thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Trong trường hợp Viettel Telecom không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Viettel Telecom có quyền khiếu nại, khởi kiện hành chính đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình lên các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trần Phương