Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin, quy chế tuyển sinh năm 2018 có một số điểm thay đổi so với 2017.
Trong đó có nội dung, Bộ sẽ không quy định “điểm sàn” hay ngưỡng đảm bảo chất lượng, trừ với ngành đào tạo giáo viên.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục “hiến kế” tăng tính hấp dẫn của nghề giáo |
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên dự thảo quy định như sau:
Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên.
Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.
Như vậy có nghĩa là, Bộ Giáo dục và Đào tạo siết chặt chất lượng đầu vào đối với ngành sư phạm.
Nhìn nhận từ thực tế, với vai trò là chủ nhiệm câu lạc bộ khối trường đại học địa phương thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Mạnh An – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng:
“Mấy năm gần đây tình hình tuyển sinh ngành sư phạm đặc biệt trong năm 2017 thì cực kỳ bi đát, học sinh vào ít, ngành lấy điểm xét tuyển cao là rất hạn chế.
Đứng trước tình hình đó, Bộ quyết liệt trong việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm và siết chặt đầu vào để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên”.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Mạnh An – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, mấy năm gần đây tình hình tuyển sinh ngành sư phạm đặc biệt trong năm 2017 thì cực kỳ bi đát, học sinh vào ít, ngành lấy điểm xét tuyển cao là rất hạn chế. (Ảnh: Thùy Linh) |
“Muốn thu hút người giỏi vào ngành sư phạm thì trước tiên phải đặt ra vấn đề giải quyết bài toán có việc làm của người học ngành này”, thầy An nhấn mạnh.
Bởi lẽ, theo thầy An nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân lớn nhất khiến học sinh không vào sư phạm đó là vì tốt nghiệp không có việc làm.
Thầy An chia sẻ, con cháu nông thôn ở mảnh đất Thanh Hóa nhiều em học sinh, bố mẹ muốn con thi vào sư phạm vì muốn ra trường có công việc ổn định nhưng 4-5 năm nay tỉnh không tuyển.
"Vậy các em học rồi sẽ đi về đâu?
Và các em có điểm cao liệu có còn muốn vào học sư phạm không?", thầy An đặt câu hỏi.
Hơn nữa, học sư phạm xong khả năng chuyển đổi nghề rất hạn chế. Thầy An nêu minh chứng, nhiều ngành khác tốt nghiệp không làm đúng nghề thì các em có thể chuyển sang làm ngành khác nhưng sư phạm không xin được việc thì biết làm gì hay là về quay máy photocopy để nhận 2 triệu đồng/ tháng.
Cuối cùng, theo thầy An, lý do mà học sinh không muốn vào ngành sư phạm là do các em thấy chính sách đãi ngộ đối với ngành này rất thấp.