Trùng tu hay đang hủy hoại di sản?

14/03/2018 06:09
Trần Phương
(GDVN) - Đã có rất nhiều di tích lịch sử đã và đang bị xâm hại, những công trình "nghìn tuổi" bị hủy hoại không thương hiệu bởi những công trình "một tuổi".

Những ngày đầu tháng 3/2018, việc chùa Bổ Đà (Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang) xây mới thêm cổng tam quan đang gây nhiều tranh cãi.

Chùa Bổ Đà là một trong những di tích quốc gia đặc biệt, mặc dù đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng ý thế nhưng việc xây mới cổng tam quan đang khiến dư luận, các nhà khoa học nghi ngại về cách ứng xử với các di sản văn hóa hiện nay.

Bổ Đà là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Không những vậy, Chùa Bổ Đà còn là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ.

Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là vườn Tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán - Nôm phong phú.

Chùa Bổ Đà có lối kiến trúc "nội thông ngoại bế" tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Đặc biệt, trước đây chùa không có cổng tam quan. (1)

Mặc dù, có ý kiến của trụ trì chùa Bổ Đà cho rằng chùa đã từng có cổng tam quan nhưng việc này chưa được các cấp các ngành có chuyên môn khoa học thẩm định.

Cổng tam quan mới ở Chùa Bổ Đà được hoàn thành tháng 3/2018 (Ảnh: Minh Anh/Danviet.vn)
Cổng tam quan mới ở Chùa Bổ Đà được hoàn thành tháng 3/2018 (Ảnh: Minh Anh/Danviet.vn)

Thế nên, việc các các cấp của ngành văn hóa đồng ý việc xây mới cổng tam quan tại ngôi chùa đã khiến nhiều người nghi ngại việc này không chỉ phá vỡ kiến trúc vốn có của ngồi chùa cổ mà còn đặt ra vấn đề về cách hành xử đối với di sản của tiền nhân để lại.

Trên báo Nông thôn ngày nay, Họa sĩ Đăng Kính, người đã có nhiều năm nghiên cứu về đình chùa và là một Phật tử thốt lên nuối tiếc về chùa Bổ Đà: “Thôi thế là lại mất một giá trị nghệ thuật chùa cổ độc nhất vô nhị ở Kinh Bắc rồi. Không có tam quan là điểm riêng đặc biệt của ngôi cổ tự Bổ Đà giờ đã bị cào bằng lẫn với các công trình khác, mà thêm tam quan rốt cuộc cũng đâu có đẹp hơn?!

Nền tảng kiến trúc cũ vốn cũng đã để lại dấu ấn quen thuộc và hài hòa với địa hình nguyên thủy của chùa. Đâu phải các cổ đức tiền bối bỏ tam quan một cách tùy tiện, phải chăng các ngài muốn nói rằng Phật giáo chính là đời thường, là những điều bình dị nhất ở ngay xung quanh chúng ta, ngay trong tâm mỗi chúng ta, là chính chúng ta... không thể có khoảng cách, ranh giới ngăn ngại nhưng vẫn rất thoát tục tôn nghiêm”. (2)

Trùng tu hay đang hủy hoại di sản? ảnh 2Quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ và quản lý Di sản thế giới

Cũng bày tỏ quan điểm trên báo Nông thôn ngày nay, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học cho rằng việc xây cổng tam quan mới, di tích quốc gia đặc biệt là chùa Bổ Đà đã bị xâm hại nghiêm trọng: “Trong lịch sử chùa Việt Nam, có những ngôi chùa không có tam quan, đó là đặc điểm riêng biệt và là nét độc đáo của chính ngôi chùa ấy. Bổ Đà là một di tích quốc gia đặc biệt, không thể tùy tiện xây mới, dựng thêm”. (3)

Cần phải nói thêm rằng, năm 2014, cũng tại di tích chùa Bổ Đà, việc xâm phạm di tích quốc gia đã từng xảy ra khi những người trong chùa cho phá vỡ bức tường quý để xây dựng hàng rào sắt đã gây xôn xao dư luận.

Cũng như việc xây mới cổng tam quan ở chùa Bổ Đà, thời gian gần đây, việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử tại các đền chùa, di tích lịch sử đang đặt ra thách thức lớn đối với ngành văn hóa.

Không chỉ chùa Bổ Đà, trước đây, việc trùng tu, tu bổ Chùa Trăm Gian (Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội) đã để lại nhiều bài học xót xa.

Trong đợt trùng tu hơn 100 ngày giữa năm 2012 khi nhà Tổ, gác khánh có tuổi đời nhiều trăm năm của chùa đã bị đập bỏ không thương tiếc để xây dựng thành di tích một ngày tuổi.

Việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, tâm linh đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý văn hóa (Ảnh minh họa: Lại Cường)
Việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, tâm linh đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý văn hóa (Ảnh minh họa: Lại Cường)

Năm 2017, Di tích lịch sử văn hóa quốc gia - Chùa Khúc Thủy (Thanh Oai, Hà Nội) khiến nhiều người ngỡ ngàng, choáng váng vì độ nguy nga hoành tráng sau khi được tu bổ, tôn tạo.

Ngôi chùa nghìn năm tuổi đã mất đi vẻ cổ kính khi có hàng loạt công trình xây mới. Đến nay việc khắc phục theo Luật Di sản vẫn chưa được hoàn thành.

Cũng trong những ngày đầu năm 2018, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An ngang nhiên xây dựng cây cầu dài cả nghìn mét đâm xuyên lõi di sản hỗn hợp Tràng An (Ninh Bình) đã làm "nóng" dư luận. Nguy cơ khu di sản hỗn hợp này bị UNESSCO cho vào danh sách cảnh báo là rất lớn.

Đây mới chỉ là một số thí dụ trong những di sản, báu vật quốc gia có kiến trúc độc đáo mang giá trị lịch sử và nghệ thuật đã bị trùng tu, chắp vá một cách sai nguyên tắc trong thời gian qua đang dẫn đến hậu quả không thể đo đếm hết.

Một trong những đặc điểm kiến trúc dễ nhận thấy ở những ngôi chùa cổ của người Việt chính là vẻ kiêm nhường nhưng vô cùng tinh tế, thế nhưng ngày nay việc trùng tu không chỉ là sửa chữa trả nguyên hiện trạng nữa mà là những đợt xây mới hoành tráng, bề thế hơn.

Những cuộc trùng tu kiểu “phá hoại” đã và đang làm mất đi vẻ khiêm nhường tinh tế, những nét cổ kính, rêu phong của thời gian không dễ gì có được đang bị công nhiên lấy đi một cách phũ phàng.

Những việc trùng tu, chắp vá sai nguyên tắc này đang làm những giá trị của lịch sử, quá khứ không thể nào lấy lại được. Sự mai một trong kiến trúc, kết cấu truyền thống của người Việt đang có nguy cơ bị mất đi bởi bàn tay của hậu thế.

Một ngôi chùa cổ kính hàng trăm năm tuổi bị tu sửa mà thiếu đi những dữ liệu khoa học, khảo cổ, ý kiến chuyên môn đồng nghĩa với sự phá hoại di sản. Sự phá hoại ấy đang làm mất đi rất nhiều cái độc nhất vô nhị như kiểu dáng, họa tiết hay sự bạc màu thời gian ở rất nhiều di sản của tiền nhân để lại.

Chính những yếu tố về giá trị lịch sử, giá trị về mỹ thuật, kiến trúc là những giá trị quý giá, giúp công trình được xếp vào danh mục di sản văn hóa lịch sử cần gìn giữ, bảo vệ. Đó chính là nơi lưu giữ tấm căn cước văn hóa cho đời sau. (4)

Ngày nay, chúng ta đang càng ngày càng đi sâu vào đời sống cộng đồng thế giới. Chúng ta không cho phép mình trở thành một “ốc đảo” và cũng không cưỡng nổi sự hòa đồng.

Nếu mất đi bản sắc mà chạy theo những thứ to, lớn, khủng... chẳng mấy chốc chúng ta sẽ mất đi tấm căn cước văn hóa ngay chính trên quê hương mình vì sự thiếu hiểu biết về lịch sử cha ông.

Dẫu biết, việc trùng tu tôn tạo là một việc cần làm để bảo vệ di sản trước sự tàn phá của thời gian.

Tuy nhiên, việc trùng tu tôn tạo cần phải hạn chế mức tối đa sự pha trộn và lai tạp bởi kiến trúc và cách thờ tự trong mỗi ngôi chùa. Những giá trị mà tiền nhân để lại ở những kiến trúc rêu phong cổ kính đó chính là căn cước văn hóa giúp hậu thế nhận diện ra bản sắc Việt Nam.

* Tài liệu tham khảo:

1. http://danviet.vn/van-hoa/hoi-dong-nao-quyet-dinh-trung-tu-va-xay-cong-tam-quan-chua-bo-da-855737.html

2. 3. http://danviet.vn/van-hoa/chua-bo-da-xay-cong-tam-quan-moi-cac-nha-khoa-hoc-len-tieng-855998.html

4. http://nhandan.com.vn/xuan2016/item/28684502-tpp-va-tam-can-cuoc-van-hoa-viet.html

Trần Phương