30 năm sau sự kiện Gạc Ma, quần đảo Trường Sa (14/3/1988 – 14/3/2018), sáng ngày 14/3, tại Nghĩa trang Liệt sỹ phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), trước phần mộ của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương đã diễn ra lễ tri ân tưởng nhớ 64 liệt sỹ đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma (Quần đảo Trường Sa) để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cứ đến tháng 3, cả nước Việt Nam lại hướng về 64 anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống máu nhuộm đỏ một vùng Biển Đông. |
Trong không khí thiêng liêng, xúc động, nhiều cựu binh Gạc Ma cùng thân nhân gia đình đã hội tụ về bên phần mộ Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương để thắp những ngọn nến, những nén hương tri ân đồng đội.
Phần mộ liệt sỹ Trần Văn Phương. |
Mẹ Hồ Thị Đức, (thân nhân liệt sỹ Trần Văn Phương) tại buổi lễ tri ân. |
Cách đây 30 năm trước, vào ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực để cưỡng chiếm đảo Gạc Ma.
Trong cuộc chiến không cân sức này, khi Trung Quốc bất ngờ tấn công, các chiến sỹ Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma đã nắm tay nhau tạo thành vòng tròn để giữ đảo (sau này trở thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử”).
Tài liệu đã ghi lại rằng: “...Sáng ngày 14/3/1988, ông Nguyễn Văn Lanh trong khi cùng đơn vị vận chuyển vật liệu từ tàu HQ 604 lên đảo thì tàu địch đến bao vây, uy hiếp. Tình thế rất căng thẳng.
Khi địch đổ quân xuống đảo, ép bộ đội, giật cờ của ta hòng chiếm đảo, theo lệnh của đồng chí Trần Đức Thông, chỉ huy cụm đảo: "Đồng chí nào biết bơi thì bơi ngay vào đảo hỗ trợ cho các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ".
Nguyễn Văn Lanh cùng 11 anh em khác nhảy ngay xuống biển bơi vào đảo. Khi đó trên đảo, địch đã nổ súng, đồng chí Trần Văn Phương, người giữ cờ hy sinh”...
Trước khi hy sinh, liệt sỹ Trần Văn Phương đã vang lên câu nói: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo”.
Và hôm nay, 64 ngọn nến được thắp lên sáng rực quanh phần mộ của liệt sỹ Trần Văn Phương. Mỗi ngọn nến ấy như một lời tri ân sâu sắc tới những anh hùng đã ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma.
Mỗi ngọn nến, mỗi nén hương là một lời tri ân sâu sắc gửi đến các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma. |
Giữa làn khói nghi ngút, các cựu chiến binh cùng người dân đã thành kính dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ sự hy sinh của các chiến sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma.
Thân nhân các liệt sỹ vẫn chưa bao giờ nguôi nỗi đau mất con. |
Tiếp đó, trong không khí trang trọng, tên tuổi, quê quán 64 anh hùng liệt sỹ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma đã được xướng lên.
Cũng tại buổi lễ tri ân, bài văn tế viết về những tấm gương anh dũng của các chiến sỹ chiến đấu để bảo vệ đảo, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cũng được ngân vang.
Sự kiện Gạc Ma năm 1988 là một phần của lịch sử mà mỗi người Việt Nam không được phép quên.
Sự kiện Gạc Ma năm 1988 nhắc nhở thế hệ trẻ không được quên sự kiện lịch sử này. |
“Bây giờ cho đến mãi về sau, chúng ta không được phép quên sự kiện lịch sử này. Dù 30 năm hay 300 năm sau nữa, cái chết của 64 anh hùng liệt sỹ Gạc Ma cũng sẽ không bao giờ được quên lãng”, cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo, (quê Hà Tĩnh) xúc động nói.