Thời báo Hoàn Cầu nói gì về vụ xâm lược, thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988?

15/03/2018 10:53
Hồng Thủy
(GDVN) - 30 năm sau ngày diễn ra vụ thảm sát Gạc Ma, một số học giả Trung Quốc đã lên tiếng thông qua Thời báo Hoàn Cầu. Chúng tôi xin dẫn lại và có đôi lời phản biện.

Ngày 14/3 là vừa tròn 30 năm ngày diễn ra sự kiện lính Trung Quốc thảm sát 64 chiến sĩ Công binh Hải quân Nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng tại bãi đá Gạc Ma, Trường Sa, Khánh Hòa.

Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc đã lên tiếng về sự kiện này.

Mục Tin tức quốc tế, Thời báo Hoàn Cầu phiên bản tiếng Trung Quốc ngày 14/3 đăng bài: "Trận chiến cuối cùng Trung Quốc đánh, người Việt Nam miêu tả khiến tôi kinh ngạc" của tác giả Bổ Nhất Đao, do Lý Lâm Chi biên tập.

Bổ Nhất Đao là bút danh / nick name của một cây viết thường xuyên tham gia bình luận các vấn đề quốc tế và quân sự trên các diễn đàn trực tuyến Trung Quốc. 

Bài viết này có tham khảo ý kiến một số học giả Trung Quốc: Tư Trấn Đào - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; Tôn Tiểu Nghênh - Viện Khoa học xã hội Quảng Tây; Lưu Phong - chuyên gia Trung Quốc về biển.

Lính Trung Quốc cắm cờ bất hợp pháp lên một bãi đá ở Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam năm 1988, ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.
Lính Trung Quốc cắm cờ bất hợp pháp lên một bãi đá ở Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam năm 1988, ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.

Những thông tin, ý kiến này ở mức độ nào đó phản ánh nhận thức của giới nghiên cứu và cách thức tuyên truyền của Trung Quốc về Biển Đông có thể gây hiểu lầm và ngộ nhận cho những người Trung Quốc thiếu thông tin;

Chúng tôi xin dẫn lại nguyên văn bài viết này, đồng thời sẽ có phần bình luận sau mỗi vấn đề tác giả Bổ Nhất Đao và Thời báo Hoàn Cầu nêu ra.

Do bài viết khá dài, đề cập nhiều vấn đề về nhận thức, đánh giá của một bộ phận học giả Trung Quốc về quan hệ Việt - Trung cũng như Biển Đông, chúng tôi xin chia thành các bài nhỏ.

Bài viết sẽ theo từng vấn đề các tác giả Trung Quốc đặt ra, với kết cấu 2 phần: dẫn lại nguyên văn và bình luận, ngõ hầu làm rõ các vấn đề và lập luận phía Trung Quốc đặt ra.

Mô tả của học giả Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu về cuộc thảm sát Gạc Ma

"Ngày này 30 năm về trước, 14/3/1988 đã xảy ra xung đột vũ trang giữa Hải quân Trung Quốc với Hải quân Việt Nam để tranh đoạt quyền kiểm soát bãi đá Gạc Ma (Trung Quốc gọi là đá / mỏm Xích Qua).

Quy mô xung đột không lớn và chỉ diễn ra trong 28 phút rồi kết thúc, Hải quân Trung Quốc đã giành thắng lợi tuyệt đối.

Đây là trận chiến cuối cùng mà Trung Quốc đánh.

Tuy nhiên sự kiện diễn ra cụ thể như thế nào không phải người Trung Quốc nào cũng nắm rõ, trong đó có một phần nguyên nhân chúng ta có chủ ý giảm nhẹ sự kiện này.

Thời báo Hoàn Cầu nói gì về vụ xâm lược, thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988? ảnh 2

Thời báo Hoàn Cầu nói Trung Quốc "cảnh giác, không vui" khi tàu Mỹ đến Việt Nam

Hôm nay, chị Đao (tác giả tự xưng) dẫn mọi người cùng xem lại một chút (sự kiện này).

Thực tế, trận chiến này có liên quan mật thiết và ý nghĩa vô cùng quan trọng với cục diện Biển Đông ngày nay.

1. Hãy bắt đầu từ năm 1987, lúc đó Trung Quốc được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ủy thác xây dựng 5 trạm quan trắc hải dương, trong đó trạm quan trắc ở Trường Sa đặt tại Chữ Thập.

Vì vậy, chúng ta bắt đầu lục tục triển khai hoạt động khảo sát ở khu vực quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa).

Phía Việt Nam lập tức tỏ ra không vui, không ngừng phái hàng loạt tàu thuyền đến quấy rối, thậm chí chớp thời cơ chiếm các đảo, đá.

Hơn 1 giờ sáng ngày 14/3/1988, 7 chiến sĩ của chúng ta vượt sóng đổ bộ lên bãi Gạc Ma và cắm cờ Trung Quốc.

Hơn 6 giờ sáng khi thủy triều rút, phía Việt Nam bắt đầu đổ bộ, cũng cắm cờ Việt Nam lên bãi Gạc Ma.

Hai bên vừa tìm cách đoạt cờ đối phương và giữ cờ của mình, binh sĩ hai phía liên tục đối đầu nhau.

Trong quá trình tìm cách đoạt cờ của nhau, quân Việt Nam cướp cò nổ súng bị quân ta tự vệ đánh trả (theo hồi ức của cựu binh Tôn Minh Viễn trực tiếp tham gia trận Gạc Ma).

Toàn bộ cuộc chiến diễn ra vỏn vẹn 28 phút, 3 tàu hộ vệ và 1 binh lính quân ta bị thương là cái giá phải trả để bắn chìm 1 tàu Việt Nam, 1 tàu trọng thương, bắn chết hơn 60 binh lính Việt Nam để giành thắng lợi tuyệt đối.

Nay quay đầu nhìn lại mới thấy trận Gạc Ma có ý nghĩa chiến lược.

Sau trận này, Trung Quốc đã có 6 điểm đứng chân ở Trường Sa, có nghĩa là chúng ta đã tiến thêm được 500 - 600 km xuống phía Nam.

Đá Gạc Ma đã bị Trung Quốc quân sự hóa ngay sau khi chiếm đóng bất hợp pháp kể từ trận thảm sát năm 1988, ngày nay đã bị biến thành một pháp đài quân sự kiên cố. Ảnh: News.com.au.
Đá Gạc Ma đã bị Trung Quốc quân sự hóa ngay sau khi chiếm đóng bất hợp pháp kể từ trận thảm sát năm 1988, ngày nay đã bị biến thành một pháp đài quân sự kiên cố. Ảnh: News.com.au.

Tuy nhiên, để nổ ra xung đột thực chất hoàn toàn không phải mong muốn của ta.

Chỉ huy trận Gạc Ma lúc đó là tham mưu trưởng căn cứ Du Lâm, Trần Vĩ Văn, trong hồi ký của mình cho biết:

Lúc đó cấp trên truyền đạt nguyên tắc chiến đấu được tổng kết thành "5 không 1 đuổi".

5 không là: không chủ động gây sự, không nổ súng trước tiên, không tỏ ra yếu đuối, không chấp nhận thua thiệt, không để mất thể diện;

1 đuổi là, nếu quân địch chiếm các đảo đá của ta, phải lập tức đuổi địch.

Sau khi xảy ra sự kiện này, chúng ta cũng có chủ ý tránh đề cập, tuyên truyền trong nước không nhiều.

Nhưng trận chiến này lại trở thành nỗi đau khó có thể hóa giải trong lòng người Việt Nam về quan hệ với Trung Quốc.

2. Chị Đao rất kinh ngạc trước mô tả của Báo VietNamNet Bridge bản tiếng Anh về trận chiến này. 

Thời báo Hoàn Cầu nói gì về vụ xâm lược, thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988? ảnh 4

“Lời hứa dù hay ơi là hay, một con vẹt cũng nói được ngay!”

Phía Việt Nam cho biết, lực lượng tham gia hải chiến năm xưa toàn là những công binh tay không tấc sắt;

Họ vì bảo vệ (chủ quyền) các đảo, đá của Việt nam mà buộc phải phải đương đầu với đội quân (xâm lược) mạnh hơn nhiều, với chiến hạm và vũ khí hiện đại, cuối cùng đã anh dũng hy sinh.

Tất nhiền điều này không đúng với tình hình thực tế.

Các tư liệu công khai cho thấy, trong trận hải chiến Gạc Ma phía Việt Nam có 2 tàu tham gia đều là tàu vận tải có vũ trang mà Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam trong chiến tranh, có trang bị súng máy.

Tàu 505 còn lại là tàu đổ bộ, có 8 khẩu cối 40 ly, như vậy có thể nói là vũ trang đầy đủ, chứ không thể bảo tay không tấc sắt.

Trong lúc chị Đao viết bài này thì có học giả chuyển đến tư liệu mới nhất từ phía Việt Nam tiết lộ, Báo Vietnamnet ngày 13/3 đăng bài: "Gạc Ma 1988: Công bằng là để cùng tiến bộ". [2]

Bài báo này viết rằng những người "tay không tấc sắt bị buộc phải tự vệ" là bịa đặt. Những luận điệu như vậy năm nào đến ngày này cũng đều xuất hiện." [1]

Những lập luận ngụy biện, sai sự thật của truyền thông và học giả Trung Quốc

Chúng tôi xin tạm không bàn đến những từ ngữ mang màu sắc lập trường chính trị (cực đoan) của các tác giả Trung Quốc trong phần đầu tiên của bài viết này.

Ở đây, chúng tôi chỉ xin trao đổi và làm rõ những lập luận chủ yếu mà truyền thông và học giả Trung Quốc nêu ra về vụ thảm sát Gạc Ma.

Thứ nhất, "cái bẫy núp danh UNESCO"

Việc Trung Quốc thiết lập 5 trạm quan trắc hải dương, trong đó có trạm quan trắc ở Trường Sa đặt tại đá Chữ Thập theo một thỏa thuận của UNESCO năm 1987, thỏa thuận này không có nghĩa là UNESCO công nhận yêu sách "chủ quyền" mà Trung Quốc tuyên bố ở Trường Sa.

Tiến sĩ Trần Công Trục sẽ có bài phân tích sâu hơn về thủ đoạn Trung Quốc sử dụng các tổ chức quốc tế để nhằm giành sự công nhận trên thực tế các yêu sách phi lý họ tuyên bố trên Biển Đông, mời quý bạn đọc quan tâm theo dõi vào ngày mai.

Thứ hai, về vấn đề bên nào nổ súng trước trên bãi Gạc Ma sáng 14/3/1988

Thời báo Hoàn Cầu nói gì về vụ xâm lược, thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988? ảnh 5

Bối cảnh Trung Quốc tính toán và dàn dựng để chiếm Gạc Ma

Cho đến nay, hai bên có quan điểm khác nhau.

Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, dù bên nào nổ súng trước cũng không làm thay đổi bản chất sự kiện là một cuộc thảm sát lính Trung Quốc nhằm vào 64 chiến sĩ công binh Hải quân Nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tác giả Bổ Nhất Đao và các học giả Trung Quốc được tham vấn, dựa vào hồi ký của một cựu binh Trung Quốc tham gia sự kiện này để dẫn tới kết luận ai nổ sung trước, e rằng thiếu khách quan.

Chúng tôi xin trích dẫn ra đây một đoạn bình luận của nhà báo Bill Hayton trong sách "Biển Đông - Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á" do nhà nghiên cứu Phan Văn Song dịch để các nhà nghiên cứu Trung Quốc tự rút ra kết luận:

"Tối 13 tháng 3, Hải quân Việt Nam phái 3 tàu chia nhau đi tới đá Gạc Ma, đá Cô Lin (Collins) và đá Len Đao (Lansdowne). 

Thật không may cho những người trên tàu, các con tàu cũ rỉ sét này [37] đã bị phía Trung Quốc phát hiện, họ đã chạy tới ngăn chặn với một lực lượng lớn hơn và trang bị vũ khí nhiều hơn. 

Rạng sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, Việt Nam chiếm được đá Cô Lin và Len Đao (và vẫn duy trì sự kiểm soát ở đó cho đến ngày nay). 

Chiến dịch đá Gạc Ma biến thành thảm họa. 

Đích xác chuỗi sự kiện là gì vẫn còn tranh cãi, nhưng có vẻ như Việt Nam đổ bộ trước trên một chiếc thuyền nhỏ chở đầy các dụng cụ xây dựng, và cắm cờ trên san hô. 

Sau đó quân Trung Quốc đến và đã cố nhổ bỏ các lá cờ. Hai bên to tiếng với nhau và sau đó xô xát. 

Một bài viết tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma năm 1988 mà tác giả Bổ Nhất Đao cảm thấy "kinh ngạc" rồi đưa ra những lập luận suy diễn. Ảnh chụp màn hình.
Một bài viết tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma năm 1988 mà tác giả Bổ Nhất Đao cảm thấy "kinh ngạc" rồi đưa ra những lập luận suy diễn. Ảnh chụp màn hình.

Các tường trình phía Trung Quốc nói rằng một lính Việt Nam nổ súng và làm bị thương một lính Trung Quốc sau đó họ rút lui khi các tàu Việt khai hỏa bằng súng máy. 

Phía Việt Nam nói điều ngược lại: Trung Quốc bắn chết phó chỉ huy của lực lượng đổ bộ Việt Nam và rút lui trước khi tàu của họ nổ súng. 

Điều lạ là một bộ phim tuyên truyền do Hải quân Trung Quốc đưa ra năm 2009 để chào mừng kỉ niệm lần thứ 60 của hải quân cho thấy phiên bản của Việt Nam đáng tin hơn.

Video này, bây giờ đã có trên YouTube, được quay từ một trong các tàu Trung Quốc và cho thấy lính Việt Nam đứng trong nước sâu tới gối khi thủy triều dâng lên các rạn san hô. 

Sau đó nhiều cột nước lớn tung toé xung quanh các binh sĩ Việt Nam khi tàu Trung Quốc nổ súng. 

Trong vài giây hàng người mong manh đã hoàn toàn biến mất và 64 chết trong sóng nước: các khẩu súng máy là của Trung Quốc và các nạn nhân là Việt Nam."

Thứ ba, xâm lược Gạc Ma là hành động phi pháp có âm mưu lâu dài, tính toán kĩ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ và tiến hành một cách sắt máu

Cuộc xâm lược và thảm sát Gạc Ma là hành động có kế hoạch, tính toán kỹ lưỡng chứ không phải “để nổ ra xung đột thực chất hoàn toàn không phải mong muốn của Trung Quốc” như các tác giả lập luận.

Ngày 17/8/2012 website Tin tức Đảng Cộng sản Trung Quốc (cpc.people.com.cn), mục Lịch sử Đảng đăng bài viết:

"Lưu Hoa Thanh và việc bố phòng ở Hoàng Sa, cướp đoạt các bãi đá Trường Sa" (Lưu Hoa Thanh dữ Tây Sa thiết phòng, Nam Sa đoạt tiêu). Bài viết này cho hay:

Ảnh chụp màn hình bài viết "Lưu Hoa Thanh và việc bố phòng ở Hoàng Sa, cướp đoạt các bãi đá Trường Sa". Lưu Hoa Thanh mặc áo đen.
Ảnh chụp màn hình bài viết "Lưu Hoa Thanh và việc bố phòng ở Hoàng Sa, cướp đoạt các bãi đá Trường Sa". Lưu Hoa Thanh mặc áo đen.

"Thực ra ngay từ năm 1974, Đặng Tiểu Bình đã nói, sân bay ở Hoàng Sa nhất định phải làm, vị trí đó trọng yếu, có thể tiến ra Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa), vươn ra Trường Sa và có thể khống chế Trường Sa.

Lưu Hoa Thanh đã nói với lãnh đạo Quân ủy (Đặng Tiểu Bình) rằng: "Hiện tại cơ hội của chúng ta đến rồi, quan trọng là quyết định và tiến hành thôi."

Về việc này, người phụ trách chủ yếu của Quân ủy trung ương (chỉ Đặng Tiểu Bình) có thái độ rất kiên quyết:

"Chúng ta phải thể hiện rõ lập trường nghiêm túc, chủ quyền lãnh hải ở Trường Sa thuộc về chúng ta, và phải tăng cường khả năng kiểm soát quân sự của chúng ta ở Trường Sa.

Không chỉ có vậy, còn phải tăng cường tuần tra để thể hiện quốc uy, quân uy của chúng ta. 

Về hoạt động đấu tranh trên hướng này, cần phải tăng cường lực lượng nào, xây dựng gì, anh nhanh chóng nghiên cứu và viết báo cáo cho tôi."

Sau cuộc trao đổi này, Lưu Hoa Thanh cùng với các quan chức quân sự hàng đầu Trung Quốc bắt tay vào viết kế hoạch thôn tính Trường Sa. Những thành viên tham gia cùng Lưu Hoa Thanh gồm có:

Hồng Học Trí (Phó chánh văn phòng Quân ủy trung ương), Trì Hạo Điền (Tổng tham mưu trưởng), Trương Bân (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), Trương Liên Trung (Tư lệnh Hải quân), Lý Diệu Văn (Chính ủy Hải quân) bắt tay vào việc nghiên cứu, lập kế hoạch thôn tính Trường Sa.

Thời báo Hoàn Cầu nói gì về vụ xâm lược, thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988? ảnh 8

Về thông tin CIA giải mật tài liệu sự kiện Gạc Ma

Qua nhiều lần nghiên cứu và chuẩn bị, kế hoạch thôn tính Trường Sa hoàn tất, ngày 29/2/1988 Đặng Tiểu Bình đã phê chuẩn kế hoạch này trong vai trò Chủ tịch Quân ủy trung ương. [2]

Điều này hoàn toàn phù hợp với diễn biến thực tế theo nghiên cứu của Bill Hayton về sự chuẩn bị kĩ lưỡng của Trung Quốc trong kế hoạch thôn tính Gạc Ma:

“Dù đối mặt với kháng cự vũ trang và thời tiết xấu họ đã chiếm 6 rạn san hô chủ yếu nằm dưới mặt biển và chỉ trong vòng hai tháng đã xây dựng xong các nhà giàn sinh sống, các cơ sở tiếp tế và các ụ phòng thủ. 

Hơn nữa, mỗi một trong 6 rạn san hô này là vị trí chiến lược nằm trong vòng một vài km của các đảo chính do các đối thủ Trung Quốc nắm giữ và từng rạn chưa từng bị chiếm đóng trước năm 1988. 

Các đoàn điều tra đã thực hiện công việc của mình một cách xuất sắc. Trung Quốc hiện nay đã có nhiều hơn một chỗ đứng trong Quần đảo Trường Sa.”

Thiết nghĩ, chỉ 2 nội dung này cũng đủ cho thấy 3 lập luận nói trên của các nhà nghiên cứu Trung Quốc là ngụy biện. Nó cũng đủ chứng minh trận Gạc Ma là một cuộc thảm sát có chủ ý.

Còn sự “kinh ngạc” của tác giả Bổ Nhất Đao về việc mô tả 64 chiến sĩ công binh Hải quân Nhân dân Việt Nam “tay không tấc sắt”, xin hãy xem lại video về cuộc thảm sát dã man mà Hải quân Trung Quốc gây ra ngày 14/3/1988 sẽ thấy tất cả.

Còn về thông tin các học giả Trung Quốc nêu ra xung quanh vũ khí trang bị của Việt Nam chiến đấu bảo vệ Gạc Ma để họ bác bỏ cụm từ "tay không tấc sắt", chúng tôi cũng xin được cung cấp thông tin về các tàu Việt Nam ở Gạc Ma sáng 14/3/1988 mà tác giả Bill Hayton gọi là "các con tàu cũ rỉ sét này":

[37] Hai trong số những chiếc tàu này là tàu đổ bộ được Mỹ chế tạo trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và để lại sau Chiến tranh Việt Nam. Tàu HQ-505 chính là tàu USS Bulloch County trước đây, được đóng năm 1943. Chiếc thứ 3 là tàu chở hàng.

Trong những bài viết tới, chúng tôi xin dẫn lại và phản biện các lập luận tiếp theo của tác giả Bổ Nhất Đao và một số học giả Trung Quốc liên quan đến các nội dung về "chủ quyền" và "lịch sử", quan hệ Việt - Trung họ đề cập trong bài viết.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://world.huanqiu.com/article/2018-03/11663194.html

[2]http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/30-nam-tran-chien-tai-dao-gac-ma-cong-bang-la-de-cung-tien-bo-434788.html

[3]http://dangshi.people.com.cn/n/2012/0817/c85037-18765636-2.html

Hồng Thủy