Các ý kiến tại hội nghị cho rằng trong thời gian qua, dù đặt ra mục tiêu cao, nhưng các chỉ số, nhiệm vụ đặt ra đối với cải thiện môi trường kinh doanh là khả thi, rõ ràng, cụ thể, đo lường được, quy trách nhiệm rõ ràng.
Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cụ thể, nhất quán, quyết liệt, thường xuyên và liên tục.
Qua đó tạo ra sự khác biệt, tác động tích cực thực sự đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết 19 giai đoạn 2014-2017 cho thấy, kết quả đạt được không đồng đều, có sự chênh lệch lớn giữa các chỉ số, các bộ, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (ảnh nguồn vtv.vn). |
Các chỉ số có sự cải thiện lớn đa phần tập trung ở các ngành, lĩnh vực có vấn đề nóng, được dư luận đặc biệt quan tâm, có phản biện, góp ý và yêu cầu mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp.
Những chỉ số, lĩnh vực, địa phương mà người đứng đầu thực sự vào cuộc, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao, bám sát nghị quyết của Chính phủ thì đạt được kết quả và có cải thiện rõ rệt.
Vì vậy, Nghị quyết 19 năm 2018 tiếp tục đặt mục tiêu phải hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành;
Tỷ lệ hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành còn tối đa 10%; giảm 1/2 danh mục hàng hoá thuộc diện kiểm tra chuyên ngành…
Lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, hơn 20 năm qua, mặc dù Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh thứ hai thế giới, nhiều mục tiêu thiên niên kỷ đã được hoàn thành, nhưng thu nhập đầu người của Việt Nam vẫn đứng ở vị trí khoảng 125 trên thế giới, chỉ số phát triển nguồn nhân lực vẫn đứng ở khoảng 115-120, năng suất lao động Việt Nam rất thấp.
Muốn kinh tế phát triển bền vững, năng suất lao động cao hơn, thu nhập tính trên đầu người cao hơn, bên cạnh việc đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, các yếu tố nâng cao năng suất tổng hợp… thì quan trọng nhất là phải cơ cấu lại lao động.
Hiện Việt Nam còn khoảng 40% lao động làm việc ở khu vực nông nghiệp, trong khi các nước phát triển chỉ là 5-10%.
Để đạt được tỉ lệ này ở Việt Nam thì cần có thêm nhiều nhà máy, nhiều doanh nghiệp hơn nữa.
Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 phải có 1 triệu doanh nghiệp, tương đương với mức trung bình của ASEAN là 100 người dân có 1 doanh nghiệp. Vì vậy, nhất thiết phải cải thiện môi trường kinh doanh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, qua kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 19 giai đoạn 2014-2017, năm nay việc thực hiện sẽ phải khắc phục tình trạng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương và “trên nóng, dưới lạnh” ở ngay trong một bộ, ngành.
“Trước đây chúng ta chỉ tập trung cải thiện những chỉ số chính, nên những bộ, ngành nào liên quan thì có sức ép, động lực để thực hiện như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính được nhắc đến rất nhiều, rất nóng.
Năm nay những bộ chưa được chú ý lắm, dù chỉ 1-2 quy định, cũng phải chuyển động mạnh hơn, nóng hơn”.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý thực hiện nghị quyết 19 cần phối hợp chặt chẽ với việc kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho các bộ, ngành.
Kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành không phải là ra văn bản đúng thời gian, đúng hạn, mà nội dung văn bản đó giải quyết được vướng mắc của doanh nghiệp, người dân.
Kinh nghiệm để có nội dung văn bản tốt là phải tăng cường đối thoại giữa các bộ, ngành, địa phương với doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn các tổ chức quốc tế cùng với các bộ, ngành của Việt Nam xây dựng cơ chế cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ để có các báo cáo đánh giá khách quan, khoa học;
Tăng cường kết nối các diễn đàn, hội nghị có cùng chủ đề cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm vào một số công việc cụ thể, tạo chuyển biến mang tính đột phá, lan toả.
“Qua Nghị quyết 19 rất cần thúc đẩy việc so sánh, đánh giá các chỉ số liên quan đến những lĩnh vực khác của các bộ, ngành, địa phương như cải cách hành chính, khoa học công nghệ… theo đúng thông lệ quốc tế.
Tinh thần đổi mới phải từ trên gương mẫu xuống. Các bộ, ngành cần sát vào thực tế các địa phương, lựa chọn một số việc giải quyết đến cùng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả.
Từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người dân đóng góp, sáng tạo, phát huy giá trị của mình; khi khởi sự kinh doanh thì được hỗ trợ thông tin đầy đủ, theo pháp luật, phù hợp thông lệ thế giới”, Phó Thủ tướng bày tỏ.