Vụ việc hàng trăm giáo viên (từ mầm non đến trung học cơ sở) ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk được lãnh đạo ký ồ ạt, nhưng không có chỉ tiêu biên chế đã khiến cho các thầy cô khóc ròng trong những ngày vừa qua.
Sau nhiều năm chờ đợi, để được thi tuyển vào biên chế như lời hứa hẹn của lãnh đạo, thì nay, họ đang đứng trước nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng lao động, do tuyển ồ ạt mà không có chỉ tiêu, khiến họ dường như bị “một gáo nước lạnh” dội thẳng vào người.
Giáo viên bị thiệt thòi thì đã rõ, nhưng cho đến nay, những người gây ra hậu quả của việc này vẫn chưa bị xử lý nghiêm khắc, khiến cho dư luận hoài nghi về cách xử lý của tỉnh Đắk Lắk trong vụ việc này.
Hai đời Chủ tịch, ký dư hàng trăm giáo viên
Theo kết luận 2580 của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 10/2017, huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với hơn 500 giáo viên, vượt rất nhiều so với chỉ tiêu mà biên chế giao.
Để xảy ra vụ việc này, người ký hợp đồng với các giáo viên chính là 2 đời Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.
Trong đó đáng lưu ý là ông Nguyễn Sỹ Kỷ, người giữ chức vụ Chủ tịch huyện trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015.
Cùng với việc đặt bút ký bừa với hơn 400 hợp đồng lao động, để xảy ra rất nhiều trong công tác quản lý, đã bị kỷ luật cảnh cáo, nhưng cho đến nay, ông Kỷ vẫn tiếp tục giữ chức vụ Phó Ban Nội chính tỉnh Đắk Lắk.
Hàng trăm giáo viên Krông Pắk bức xúc trước nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng lao động (ảnh: NTBình) |
Khi mà hậu quả của ông Kỷ để lại chưa giải quyết xong, thì tháng 8/2015, sau khi được lên giữ chức Chủ tịch huyện Krông Pắk, ông Y Suôn Byă lại tiếp tục đặt bút ký hợp đồng lao động với hơn 100 giáo viên nữa.
Cho dù rằng, năm 2013, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã từng có kiến nghị về việc xử lý dư thừa trên địa bàn Krông Pắk, nhưng 2 đời Chủ tịch của huyện vẫn tiếp tục “phóng bút”, ký thêm hợp đồng lao động với hàng trăm giáo viên khác, khiến tình trạng giáo viên dư thừa của huyện ngày càng thêm nhiều.
Công an huyện Krông Pắk có manh mối nghi án cắt xén lương giáo viên |
Gây ra hậu quả lớn lao đến như vậy, nhưng cho đến nay, ông Y Suôn Byă vẫn đang tiếp tục được giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk (nhiệm kỳ 2016 – 2020).
Tỉnh Đắk Lắk sẽ xử lý nghiêm khắc các sai phạm
Biết được các thông tin không tốt liên quan đến giáo viên như vậy, ông Êban Y Phu – Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk đã vừa có chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh chính thức vào cuộc, nhanh chóng làm rõ và sớm chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng giáo viên dư ở huyện Krông Pắk.
Ngoài ra, ông Êban Y Phu còn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cần sớm làm rõ thông tin, một số giáo viên ở huyện này phản ánh thông tin có tiêu cực liên quan đến quá trình ký hợp đồng làm việc.
Còn về phía Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk, ông Phan Xuân Lĩnh – Chủ nhiệm cho biết, hiện Đắk Lắk đang tiến hành các bước, xử lý về mặt Đảng đối với lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk, nhất là kiểm tra, làm rõ các sai phạm của ông Y Suôn Byă – Chủ tịch huyện về việc này.
Quan điểm của Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk trong vụ việc này, là sẽ xử lý nghiêm khắc các sai phạm nếu có.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi – Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận, hiện ông đã chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ vào cuộc, làm rõ các thông tin liên quan đến việc giáo viên nói phải “chạy” việc đến hàng trăm triệu đồng ở Krông Pắk
Trước mắt, từ đơn tố cáo của người dân, Công an huyện Krông Pắk đã triệu tập ông Huỳnh Bê – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Ngô Mây (xã Vụ Bổn) liên quan đến việc nhận 300 triệu đồng để “chạy” việc.
Song song đó, cũng từ hàng loạt đơn tố cáo của giáo viên, cơ quan Công an huyện cũng đã vào cuộc, xác minh rõ việc nghi án cắt xén tiền lương của 7 giáo viên thuộc ngôi trường do ông Huỳnh Bê làm Hiệu trưởng.