Phải khởi tố, điều tra vụ hàng trăm thầy cô Krông Pắk suýt mất việc

22/03/2018 07:09
Phương Linh
(GDVN) - Theo luật sư Đức, nếu sau khi xem xét, thấy có yếu tố lợi ích vật chất liên quan đến việc tuyển dụng giáo viên, thì cần khởi tố, làm rõ việc nhận hối lộ.

Liên quan đến việc 2 đời Chủ tịch huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk là ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Y Suôn Byă đã “ký bừa” với hàng trăm giáo viên các cấp của huyện, khiến cho tình trạng giáo viên dư ngày càng nhiều, ngày 20/3, luật sư Nguyễn Văn Đức – Giám đốc Công ty luật một thành viên Kinh Luân cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu của huyện.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, nếu tất cả các hợp đồng lao động những giáo viên dư của huyện trong trường hợp này do Chủ tịch huyện ký, thì rõ ràng trách nhiệm là của Chủ tịch huyện.

Luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty luật Kinh Luân (ảnh: P.L)
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty luật Kinh Luân (ảnh: P.L)

Cùng lúc cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Nội vụ huyện trong việc tham mưu cho lãnh đạo để xảy ra tình trạng này.

Đặc biệt, cần phải xem xét, coi thử coi do năng lực lãnh đạo của 2 đời Chủ tịch huyện này yếu kém, mới để xảy ra tình trạng tuyển dụng như vậy, hay là vì lý do gì nữa? 

Phải khởi tố, điều tra vụ hàng trăm thầy cô Krông Pắk suýt mất việc ảnh 2Ông Nguyễn Sỹ Kỷ và Y Suôn Byă "ký bừa" hàng trăm hợp đồng thầy cô ở Krông Pắk

Các cơ quan chức năng của huyện và của tỉnh Đắk Lắk cần phải vào cuộc, điều tra, xác minh và làm rõ vấn đề này.

Nếu đúng như giáo viên tố có mất tiền để được tuyển dụng, ký hợp đồng, thì rõ ràng là có lợi ích về mặt vật chất, thì cần phải khởi tố vụ án, làm rõ về hành vi “Nhận hối lộ”. Tới lúc này không còn đơn thuần là một vụ việc hành chính nữa.

Trước đó, vụ việc hàng trăm giáo viên các cấp của huyện Krông Pắk được lãnh đạo huyện ký hợp đồng lao động ồ ạt, nhưng không có chỉ tiêu biên chế, đã làm cho các thầy cô trong huyện bức xúc trong nhiều ngày qua.

Sau nhiều năm chờ đợi, để được thi tuyển vào biên chế như lời hứa hẹn của lãnh đạo, thì nay, họ đang đứng trước nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng lao động, do được ký mà không có chỉ tiêu biên chế.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 10/2017 vừa qua, việc ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên như vậy đã vượt rất nhiều so với chỉ tiêu biên chế được giao.

Để xảy ra vụ việc này, trách nhiệm trước hết thuộc về 2 đời Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk, trong đó nhiệm kỳ 2011 – 2015 là ông Nguyễn Sỹ Kỷ và 2016 – 2020 là ông Y Suôn Byă.

Phương Linh