LTS: Thời điểm này đang là thời điểm thu hoạch mía, mì tại một số vùng ở Gia Lai, vì thế, nhiều học sinh buộc phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền.
Là một giáo viên tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, thầy Vũ Văn Tùng chia sẻ những nỗi niềm trong nỗ lực vận động học sinh đến lớp để các em học sinh nghèo cũng có cơ hội đến trường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Những ngày tháng Ba này khi hoa Pơ Lang đang nở đỏ rực trời Tây Nguyên, khi những tiếng chiêng tiếng cồng vang lên trong mùa lễ Pơ Thi, những giáo làng vùng sâu chúng tôi lại tất bật với hành trình lên nương tìm kiếm học trò.
"Tháng ba... mùa em đi phát rẫy làm nương", đang du dương với bài hát "Tháng ba Tây Nguyên" của nhạc sĩ Văn Thắng, chuông điện thoại reo lên, ở đầu dây bên kia, tiếng học trò gấp gáp:
"Thầy ơi! bạn Đinh Beng lên rẫy làm cho người Kinh rồi".
Khoác vội chiếc ba lô và cưỡi lên "con ngựa sắt" già, tôi lại bắt đầu một cuộc hành trình hơn 40km đi tìm kiếm học trò.
Sau gần 2 giờ đồng hồ rong ruổi đường rừng, tôi tìm thấy em trong một túp lều giữ rẫy của người dân vào đúng giờ nghỉ trưa.
Cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nghèo khó |
Vừa nhìn thấy tôi, em ngượng ngùng đứng nép vào vai bạn. Tôi tiến lại gần em và nói: về với thầy với lớp đi em.
Bỗng có tiếng lanh lảnh của một người phụ nữ trạc tuổi 40 "sao anh lại cướp công của tôi?" và kèm sau đó là những ngôn từ chua chát khác.
Loay hoay tìm hết lời lẽ vận động, giải thích, mãi đến xế chiều thầy trò tôi mới được người phụ nữ ấy tha cho về với 60.000 đồng là nửa ngày công của em.
Vì cuộc sống khó khăn, nhiều học trò phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền |
Đưa em về nhưng trong lòng tôi vẫn canh cánh một nỗi lo vì không biết sẽ giữ được em bao lâu khi mà gánh nặng mưu sinh đang đè nặng trên đôi vai cô học trò bé nhỏ.
Gia đình em thuộc diện khó khăn nhất làng, do điều kiện gia đình, em thường xuyên nghỉ học, để vận động em đến lớp, tôi phải thường xuyên đến nhà trò chuyện với em, mua cho em ít gạo, mắm muối, mì tôm để đỡ đần em bớt phần nào.
Em không phải là trường hợp duy nhất. Trường chúng tôi đóng chân trên địa bàn của 2 làng Bi-Giông và Bi-gia, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, được mệnh danh là "làng nghèo nhất của một trong những huyện nghèo nhất cả nước".
Khi cái ăn, cái mặc còn thiếu thì việc cho con cái đến lớp cũng chẳng mấy ai mặn mà. |
Ở buôn làng Ba Na này hầu hết bà con còn nghèo lắm. Khi cái ăn, cái mặc còn thiếu thì việc cho con cái đến lớp cũng chẳng mấy ai mặn mà.
Tháng Ba này, đang là tâm điểm của vụ thu hoạch mía, mì thì cánh giáo làng chúng tôi lại càng thấy lo hơn, khi chứng kiến học sinh của mình hàng ngày được cánh thầu công lao động săn đón ngay tại nhà.
Cứ mỗi lần các em đi làm là nghỉ một mạch gần như cả tuần vì "chủ không cho về" .
Thời gian này, chúng tôi phải ngủ qua đêm tại làng để "giành" học trò vì sợ người ta lại đưa em lên nương, lên rẫy.
Giải pháp mang tính "tạm thời" ấy cũng là cách hữu hiệu nhất mà cánh giáo viên chủ nhiệm chúng tôi giữ được học trò tại thời điểm hiện nay.
Tiếp sau đó là thực hiện hàng loạt các hoạt động tiếp bước đến trường, vận động giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em tiếp tục hành trình đi tìm con chữ.
Niềm vui của học sinh khi được nhận những chiếc áo mới từ các mạnh thường quân |
Những nỗ lực của chúng tôi đã dần dần thay đổi được cách nghĩ của người dân và của cả học trò nơi đây, các em đã đến trường đều đặn hơn.
Đêm nay, lại một đêm "cắm bản", một đêm không trăng nhưng trong lòng tôi như được thắp lên bao ánh sáng của niềm tin và hy vọng trong ánh mắt học trò.
Hạnh phúc biết bao khi mỗi sáng mai thức dậy được nghe tiếng các em í ới gọi nhau đi học, được nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ đầy tự hào của học sinh khi đọc được, viết được cái chữ.
Và các em lại hát tiếp cho tôi nghe bài "Tháng Ba Tây Nguyên".