Ngày 23/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với 110 học sinh tiêu biểu các cấp, nhằm lắng nghe tiếng nói, những tâm tư, nguyện vọng của các em học sinh, những hiến kế, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục.
Cô giáo “không nói gì cả” ở trong lớp
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, bày tỏ ý kiến của mình trước mặt Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng có liên quan, em Phạm Song Toàn (học sinh Trường trung học phổ thông Long Thới, huyện Nhà Bè) chia sẻ: Với học sinh bình thường, giáo viên đến lớp chỉ giảng bài thôi đã là nhàm chán.
Tuy nhiên, đối với Toàn thì em chỉ mong được một lần như vậy. Bởi lẽ, theo Toàn, giáo viên dạy Toán của em ở trong lớp thì “không nói gì cả”.
“Con không hiểu vì sao, cô chỉ đến lớp viết bài, giao bài tập cho chúng con, mà không nói gì cả” – Toàn nêu tâm tư của mình.
Nữ sinh Phạm Song Toàn bật khóc khi đề cập đến giáo viên "không nói gì cả" trong lớp (ảnh: P.L) |
Toàn nói thêm, cô giáo Toán của em trong lớp không hề giảng bài, trò chuyện với học sinh, mà chỉ chép, giao bài tập. Trải qua hơn một học kỳ vừa qua, Toàn và các bạn trong lớp đều phải tự học, và không biết phải nêu thắc mắc việc này với ai.
“Giáo viên chủ nhiệm của con cũng có cố gắng, nhưng không thành công lắm. Cô rất quyền lực. Ở trường không ai dám nói gì. Mọi người đều sợ, và chúng con cũng rất sợ” – Song Toàn bỗng bật khóc.
Một mong muốn rất bình thường của mọi học sinh, nhưng lại là một sự khát khao của lớp mà Phạm Song Toàn đang theo học.
“Con chỉ mong cô giáo dạy Toán cũng bình thường như mọi người khác, được một lần nói chuyện với cô thôi. Đây là một điều rất bình thường với những người khác, những lại là mong muốn rất lớn với con” – nữ sinh Toàn kiến nghị.
Giáo viên chưa biết cách thể hiện yêu thương học sinh
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nói rằng, hầu hết các thầy cô đều có tình thương yêu đối với học sinh, nhưng nhiều người lại chưa biết cách thể hiện.
Ông Lê Duy Tân đề xuất, giữa nhà trường và học sinh nên có nhiều diễn đàn nói và nghe, là nơi mà thầy cô sẽ được lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng của học sinh nhiều hơn.
Theo ông Tân, cũng có khi thầy cô giáo vì áp lực của công việc, mải mê với bài vở, giáo án, mà quên đi việc thể hiện tình cảm với học sinh, chưa trò chuyện và lắng nghe được các em nhiều hơn.
Ông Lê Duy Tân hứa, sẽ là chiếc cầu nối, để chuyển tâm tư, nguyện vọng của em Song Toàn và các bạn cùng lớp đến với cô giáo dạy Toán, với nhà trường, để sớm thực hiện mong muốn chính đáng này.