LTS: Việc khám sức khoẻ định kì cho học sinh là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu khám sức khoẻ chỉ mang tính hình thức thì chúng ta liệu có nên duy trì?
Bài viết sau đây của nhà giáo Sông Mã phản ánh thực chất của công tác này tại các nhà trường hiện nay.
Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Theo Thông tư số: 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT về công tác y tế trường học và Kế hoạch số: 997/KH-BYT-BGDĐT về “bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục…” thì học sinh ở các bậc học một năm sẽ được khám sức khỏe định kì một lần.
Trong thực tế, việc khám sức khỏe cho học sinh phần nhiều chỉ mang tính hình thức và hầu như không có tác dụng gì với học sinh và gia đình của các em.
Ngược lại còn tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ của chính phụ huynh và của quỹ y tế trường học làm ảnh hưởng đến việc dạy và hoạt động y tế của nhà trường.
Khám sức khoẻ định kì cho học sinh cần đi vào thực chất. Ảnh mang tính chất minh hoạ: thpt-trannguyenhan-vungtau.edu.vn |
Ảnh hưởng thời gian của việc học
Thường các cơ sở y tế về khám bệnh trong những ngày học sinh đi học.
Lượng học sinh khám sức khỏe quá đông, y bác sĩ lại muốn làm nhanh nên cảnh chen lấn, đợi chờ không thể tránh khỏi.
Các lớp được thông báo chuẩn bị, giáo viên cũng không thể dạy được vì cảm giác thấp thỏm đến lượt.
Thế là cô vừa dạy, vừa ngóng. Trò vừa học vừa đợi. Ai cũng có tâm lý khám cho xong để còn học tiếp nên không muốn bị mất lượt.
Khám bệnh “hỏi”
Tiền triệu trích lại từ bảo hiểm y tế cũng chỉ để mua tí bông băng, thuốc thường |
Khá nhiều học sinh bậc trung học nói rằng bác sĩ khám bệnh chỉ hỏi “có bị bệnh tim không?”, “có bị cận thị không?”, “có bị sâu răng không?” “chiều cao bao nhiêu? Cân nặng bao nhiêu ki lô gam?”…
Phần lớn là hỏi, sau đó cũng khám một cách qua loa, chiếu lệ để ghi vào hồ sơ.
Hàng nghìn học sinh chỉ khám trong một buổi, nhiều lắm thì thêm vài tiếng buổi chiều là xong hết.
Vì thế có khá nhiều chuyện buồn cười xảy ra, cuối năm khi vào sổ điểm, một số giáo viên tiểu học mới tá hỏa vì nhìn vào phiếu khám bệnh học sinh của mình không chỉ bị sụt cân mà còn cả giảm chiều cao.
Ví như em Dũng học kì 1 ghi cân nặng 30 kg nhưng học kì 2 chỉ còn 25 kg. Chiều cao học kì 1 là 1m20 nhưng học kì 2 chỉ còn 1m.
Hồ sơ khám sức khỏe của các em cũng sẽ được xếp lại cho đợt khám kì sau.
Kiểu khám qua loa ở trường cho đủ thủ tục vì thế cũng chẳng thể phát hiện ra bệnh mới.
Còn bệnh thông thường các em mắc phải như cận thị, sâu răng…đến cả bệnh tim thì gia đình học sinh hầu như cũng đã biết trước.
Loạn giá khám bệnh
Các cơ sở y tế tới khám bệnh thì trường học phải trả tiền trên từng học sinh.
Tùy hợp đồng kí của hai bên mà mức phí có thể dao động từ 10 ngàn đồng/học sinh đến 105 ngàn đồng/học sinh.
Phần trăm bảo hiểm y tế trích lại cho nhà trường là 7% từ tổng số tiền bảo hiểm y tế nhà trường nộp. Thế nên mỗi học sinh cũng được khoảng 34 ngàn đồng.
Nơi lệ phí khám sức khỏe cho học sinh 10 ngàn đồng thì phụ huynh không phải đóng thêm.
Điển hình như một số trường học ở tỉnh Thanh Hóa tiền khám sức khỏe ít nhất là 75 ngàn đồng /em nên phụ huynh buộc phải nộp thêm 30 ngàn đồng/học sinh.
Mục tiêu khám sức khỏe ở trường học nhằm phát hiện, quản lý một số bệnh thường gặp ở lứa tuổi học đường; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học sinh, kiểm soát và hạn chế một số nguy cơ của các bệnh học đường, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh như: Cận thị, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng... và giảm tỷ lệ thương tích trong trường học.
Thông qua việc khám sức khỏe, tăng cường phối hợp giữa nhà trường và ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh ở nhà trường, để nâng cao tầm vóc, sức khỏe, thể chất, cho học sinh.
Thế nhưng thực tế hiện nay khám sức khỏe học sinh trong trường chỉ là hình thức.
Vì thế có cần duy trì kiểm khám bệnh như thế này không?