Nhà máy luyện thép của Công ty cổ phần thép Hoà Phát (xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, Hải Dương) đi vào hoạt động từ gần 10 năm nay khiến cho người dân xã Hiệp Sơn và khu vực lân cận thường xuyên sống chung với khói bụi, tiếng ồn.
Bụi đen nhuộm khắp xóm làng
Chỉ tay vào cây hồng xiêm trong vườn nhà, nơi những đọt lá cây nhuốm một lớp bụi đen kịt trên mặt bề mặt, ông Nguyễn Thắng Thú (58 tuổi, trú xóm 4 thôn An Cường, xã Hiệp Sơn) thở dài thườn thượt.
“Những lá cây trong vườn này quanh năm bị phủ bụi đen xì thế này, chỉ hôm nào mưa nó mới đỡ tí chút” – ông Thú nói.
Nhà ông Thú nằm giữa xóm 4, cách nhà máy luyện gang thép Hoà Phát chừng hơn 200m qua một cánh đồng. Hầu như cả căn nhà phủ trong màu xám, mái tôn bụi đọng thành lớp giờ đã đổi thành màu xám đen, tường nhà màu xám loang lổ.
Nhà máy thép Hoà Phát nằm kề bên cánh đồng, cách khu dân cư một quãng ngắn, ảnh hưởng cuộc sống người dân |
Ông Thú cho hay kể từ khi nhà máy thép Hoà Phát đi vào hoạt động từ những năm 2010, môi trường khu xóm 4 thôn An Cường vốn đã ô nhiễm càng thêm ô nhiễm bởi tiếng ồn, khói bụi.
Nhất là mùa đông gió bắc quẩn mang theo bụi vào xóm, cây cối, mái nhà, sân, vườn của hầu hết các hộ dân đâu đâu cũng loang lổ bụi. Bầu không khí khu vực lúc nào cũng đặc quánh bởi lớp bụi lơ lửng mờ mờ.
“Họ xả bụi vào ban đêm, để chậu nước sáng ra bụi đen phủ thành váng. Những bụi này giống như mạt sắt nhỏ li ti” – ông Thú cho hay.
Người dân đã nhiều lần phát hiện nhà máy xả khói vào ban đêm, từng đụn khói đen toả ra bầu trời.
Mới đây nhất là rạng sáng sáng 20/3, khói bụi từ nhà máy xả ra thành cột đen kịt đặc quánh.
Nhiều người dân trong thôn đã dùng điện thoại ghi lại hình ảnh cột khói đen xì này.
Chị Vũ Thị Thoan (44 tuổi) cho hay khu đồng Đống Húc của người dân hai thôn An Cường và Hiệp Thượng (xã Hiệp Sơn) rộng cả chục hec-ta nằm kề nhà máy thép đã không ít lần bị ảnh hưởng.
Mới đây, cuối năm 2017, hơn 2 sào hành của nhà bà Thoan tự dưng bị táp lá, ngọn hành héo rũ ra như bị trần qua nước sôi. Hàng loạt hộ dân trong thôn mỗi nhà vài sào hành đều chung tình trạng như vậy.
Lá cây, mái nhà khắp làng đều bị phủ một lớp bụi đen |
Cũng như xóm 4 thôn An Cường, xóm 1 thôn Hiệp Thượng chỉ cách nhà máy thép Hoà Phát vài chục bước chân, bầu không khí u ám mờ đục.
Căn nhà cấp 4 của gia đình bà Tạ Thị Hữu (69 tuổi) nằm gần nhà máy thép nhất, bụi phủ mờ mái nhà, tán cây trong sân phủ một màu xám.
Những hộ dân trong thôn cũng rơi vào tình trạng tương tự, mái nhà nào cũng phủ một màu xám.
Nhiều nhà cửa đóng im ỉm vẫn không thoát được khói bụi. Một gia đình bên cạnh nhà bà Hữu đã phải bỏ đi nơi khác sinh sống, căn nhà đóng cửa im ỉm bỏ hoang đã lâu.
Kêu mãi ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm
Bà Hữu cho hay khói bụi bao phủ nên từ nhiều năm nay người dân hai thông An Cường và Hiệp Thượng đã không còn dám dùng nước mưa.
Một số hộ thì khoan giếng khoan để lấy nước sinh hoạt. Gia đình bà Hữu cùng nhiều hộ trong thôn phải mua nước sạch người ta chở đến với giá hơn 100 nghìn đồng/ xe chừng 3m3.
Ông Tô Văn Khoản (59 tuổi, trú xóm 1 thôn Hiệp Thượng) cho hay khói bụi bao phủ nên từ lâu nhiều người dân của hai thôn An Cường và Hiệp Thượng thường bị tức ngực, khó thở.
Theo ông Khoản, những năm gần đây, chỉ riêng xóm 1 của ông đã có tới hơn chục người chết vì ung thư.
Từ nhiều năm nay, người dân cả hai thông An Cường và Hiệp Thượng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cấp chính quyền những chưa có cơ quan nào giải quyết.
Theo người dân, cứ mỗi lần cơ quan chức năng về kiểm tra thì hoạt động sản xuất của nhà máy giảm đi, mức độ ô nhiễm giảm. Nhưng cơ quan chức năng đi thì đâu lại hoàn đó.
Cột khói nhà máy thép xả ra trong đêm được người dân ghi lại (ảnh cắt từ clip) |
Ngày 20/3 vừa qua, sau khi khói bụi nhà máy toả ra đen đặc, người dân hai thôn lại có đơn đề nghị cơ quan chức năng giải quyết vấn nạn ô nhiễm.
Trong đơn người dân phản ánh nhà máy thép Hoà Phát đã xả khói bụi, gây tiếng ồn ảnh hưởng đời sống và sức người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ thường xuyên bị ho. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy cơ quan nào vào cuộc.
Trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Kinh Môn, cho biết người dân đã kêu rất nhiều về tình trạng ô nhiễm của nhà máy thép Hoà Phát.
Huyện không đủ thẩm quyền giải quyết nên đã nhiều lần báo cáo lên tỉnh, việc xác định ô nhiễm, xử lý thế nào do cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương.
Uy hiếp nhà báo
Trưa 25/3, khi phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam cùng đồng nghiệp về xã Hiệp Sơn ghi nhận phản ánh của người dân đã bị một số người được cho là bảo vệ nhà máy bám theo uy hiếp.
Cụ thể, khi phóng viên vào nhà người dân ở xóm 1 thôn Hiệp Thượng, các đối tượng này đã xông vào cổng nhà dân đòi “nói chuyện” với phóng viên.
Bị người dân chốt cổng không cho vào, những đối tượng này vẫn lảng vảng ngoài đầu ngõ với ý định chặn đường ra.
Để tránh rắc rối nhóm phóng viên chúng tôi đã phải cầu cứu Công an huyện Kinh Môn đảm bảo an toàn.
Sau khi lực lượng công an đến, những đối tượng này mới chịu rời đi.