Tờ Asahi Shimbun ngày 29/3 dẫn một nguồn tin từ Bắc Triều Tiên cho biết, Bình Nhưỡng và Tokyo đã thảo luận về khả năng một hội nghị thượng đỉnh Nhật - Triều sẽ được tổ chức vào tháng Sáu tới.
Nguồn tin này nói, Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã thông báo cho các quan chức cấp cao rằng, hội nghị thượng đỉnh Nhật - Triều sẽ diễn ra đầu tháng Sáu 2018.
Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Kim Jong-un tỏ ra quan tâm về một hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Shinzo Abe.
Triều Tiên tạo cho Nhật Bản cảm giác "bị bỏ lại một mình"
Ông Kim Jong-un đã có chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh từ 25 đến 28/3. Hôm qua, hai miền bán đảo đã thống nhất ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều là 27/4.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh: KCNA / The New York Times. |
Cuộc gặp tiếp theo của nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang được lên kế hoạch vào cuối tháng Năm này. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chuẩn bị đi Mỹ để bàn về vấn đề Triều Tiên.
Nhật Bản cũng đã "bắn tin" qua Hiệp hội công dân Bắc Triều Tiên tại Nhật Bản (Chongryon) đến Bình Nhưỡng rằng, Tokyo mong muốn có một cuộc gặp.
Trong khi trước đó Thủ tướng Shinzo Abe, Ngoại trưởng Taro Kono và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera vẫn duy trì quan điểm gây áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng đến khi đạt kết quả phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo.
Ông Shinzo Abe đã hy vọng nhiều vào chủ nhân Tòa Bạch Ốc với lập trường và chiến dịch gây áp lực tối đa với Bình Nhưỡng. Nhưng giờ này, lập trường của Washington có thể thay đổi trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Thủ tướng Shinzo Abe đã lên kế hoạch sang Washington trong tháng Tư để gặp gỡ Tổng thống Donald Trump và thảo luận về cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. [1]
Hãng thông tấn DW của Đức ngày 29/3 nhận định, nhà lãnh đạo Nhật Bản có thể khuyến khích ông Donald Trump tiếp tục cứng rắn với Bình Nhưỡng, thúc giục ông đưa vấn đề Triều Tiên phải trao trả tất cả công dân Nhật Bản bị bắt cóc khi gặp ông Kim Jong-un.
Thủ tướng Shinzo Abe được giới phân tích cho là có cảm giác "bị bỏ rơi" trong những diễn biến chóng vánh trên bàn cờ địa chính trị Đông Bắc Á những tuần qua. Ảnh: SCMP. |
DW bình luận, Hàn Quốc dường như đã bị thuyết phục rằng Bình Nhưỡng thực sự có ý muốn xây dựng lại quan hệ hai miền;
Giờ đây Bắc Kinh đã chấp nhận cuộc tấn công quyến rũ của Bình Nhưỡng, Tokyo cảm thấy Washington cũng rất có thể sẵn sàng kết bạn với ông Kim Jong-un và khiến Nhật Bản bị bỏ lại trong cuộc chơi này. [2]
Mục tiêu "tấn công quyến rũ" tiếp theo của Bắc Triều Tiên
Theo Reuters ngày 30/3, năm 2002 Triều Tiên thừa nhận đã bắt cóc 20 công dân Nhật Bản trong 2 thập niên 1970, 1980 để huấn luyện gián điệp, 5 người sau đó được tung trở lại Nhật Bản.
Tokyo thì tin rằng có hàng trăm công dân Nhật Bản đã bị bắt.
Do đó Nhật Bản muốn đảm bảo ông Donald Trump không thỏa thuận với Bình Nhưỡng để bảo vệ lợi ích của riêng mình mà bỏ lại Tokyo.
Các quan chức hàng đầu Nhật Bản trong đó có Thủ tướng Shinzo Abe đã mở ra khả năng đàm phán trực tiếp với ông Kim Jong-un. [3]
Tuy nhiên bản tin của Asahi Shimbun từ Seoul trích dẫn thông báo nội bộ của Đảng Lao động Triều Tiên cho biết, Nhật Bản đã "đánh tiếng" mong muốn có một cuộc gặp thượng đỉnh với Bình Nhưỡng.
Tài liệu từ phía Bắc Triều Tiên không đề cập đến việc liệu họ có bước đi nào để giải quyết vấn đề gai góc nhất trong quan hệ song phương, là công dân Nhật Bản bị bắt cóc trong thập niên 1970, 1980 hay không.
Thay vào đó, Bình Nhưỡng hy vọng sẽ nhận được từ 20 đến 50 tỉ USD viện trợ từ Nhật Bản nếu hai nước bình thường hóa quan hệ.
Tài liệu tham khảo:
[2]http://www.dw.com/en/after-kim-xi-meeting-abe-eager-to-advance-japans-interests/a-43181708