LTS: Ngành giáo dục đã có chỉ thị yêu cầu các cơ sở mầm non không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ.
Tuy nhiên, cũng vì vậy mà các bậc phụ huynh lại phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ cho con học thêm vì sợ con không theo kịp chương trình trên lớp.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của cô giáo Đỗ Quyên về vấn đề này.
Trước đây, học sinh lớp Lá ở trường Mầm non sẽ được học tập tô, tập viết chữ, học xong chương trình Mầm non trẻ đã biết 29 chữ cái, biết cầm bút viết được một số âm vần đơn giản.
Bởi thế, khá nhiều phụ huynh cũng chẳng cần cho con đi học trước lớp 1.
Thế nhưng theo một số chuyên gia giáo dục, đối với trẻ mẫu giáo, chủ yếu là hoạt động vui chơi, trẻ cần được dành thời gian khám phá thế giới xung quanh thay cho việc cứ phải ngồi một chỗ để tập viết chữ.
Việc dạy học trước chương trình lớp 1 như thế là phản khoa học.
Ngành giáo dục khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ học viết chữ trước khi vào lớp 1. (Ảnh: Sggp.org.vn) |
Nếu ép trẻ luyện tập quá sớm khi các bộ phận chức năng của cơ thể chưa hoàn thiện đặc biệt là cơ xương tay còn yếu, khả năng chịu đựng của thị giác khi phải tập trung nhìn không bền, thời gian tập trung vào thực hiện một nhiệm vụ cụ thể ngắn… sẽ làm trẻ căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý về sau của các em.
Thế là Chỉ thị 2325/CT-BGDĐT ra đời vì những lý do ấy.
Chỉ thị nêu rõ “Các cơ sở giáo dục mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ, không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ”.
Ngỡ sau Chỉ thị nghiêm cấm này thì những đứa trẻ 4, 5 tuổi này sẽ không phải học thay vào đó chỉ là hoạt động vui chơi.
Thế nhưng, khi ở lớp Lá giáo viên không dạy viết chữ thì chính phụ huynh lại đôn đáo trong việc tìm kiếm chỗ học cho con trước khi vào lớp 1.
Phụ huynh đôn đáo, tất tả kiếm chỗ học cho con
Con cháu tôi ơi sao khổ thế này, mới 4 tuổi đã phải vào lò học thêm |
Nhiều phụ huynh lo lắng con không học trước vào lớp 1 sẽ rất khó khăn.
Vì thế, ngay từ đầu năm bé vào lớp Lá đã có khá nhiều gia đình tìm cách gửi bằng được con đi học thêm vào các buổi tối.
Có phụ huynh không tìm được giáo viên nhận dạy, vốn không ít người có suy nghĩ “kiến thức lớp 1 đơn giản thế ai dạy mà chẳng được” nên các phụ huynh sẵn sàng gửi các bé cho bảo mẫu ở trường học, cho một số người không có chuyên môn hoặc do chính ba mẹ sẽ dạy cho con.
Các bé được học ngay những cuốn sách giáo khoa của lớp 1, học viết, học phát âm, học làm toán.
Phụ huynh nóng lòng muốn con mình biết chữ ngay mà chẳng cần để ý gì đến tác hại đằng sau của việc trẻ học quá sớm lại học với người thiếu chuyên môn nên kết quả đem lại thường không tốt.
Ví như việc dạy tập tô, tập viết chữ ở lứa tuổi mẫu giáo, nhất là khi người dạy không có kiến thức và phương pháp sư phạm, sẽ gây khó khăn cho giáo viên khi trẻ vào lớp 1 vì những ảnh hưởng do dạy không đúng sẽ khắc sâu đối với trẻ, rất khó sửa.
Ví như cách cầm bút sai, cách ngồi viết, điểm đặt bút, điểm dừng bút, cách phát âm…
Việc cấm dạy chữ ở trường mầm non đã làm tăng gánh nặng cho phụ huynh.
Khá nhiều người nói rằng “tôi buộc phải cho con đi học trước vì chương trình học lớp 1 của con khá nặng. Nếu không thế nó sẽ chẳng thể theo nổi”.
Và khi nhu cầu tăng cao các lớp học thêm đã mọc lên như nấm.
Thế là các bé mẫu giáo sau giờ tan trường buổi chiều, có em theo cô về nhà riêng để chuẩn bị cho xuất học ca ba.
Số khác, ba mẹ lật đật chở con đi ăn rồi vội vàng vào lớp. Có những trẻ cũng chẳng kịp ăn gì vì ba mẹ đi làm về trễ, chỉ uống hộp sữa cầm hơi đợi học thêm về mới ăn tiếp…
Có nên cấm bậc Mầm non dạy tập tô, viết chữ?
Mong chương trình, sách giáo khoa mới đừng đẩy học trò vào các lò học thêm |
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Giáo dục Mầm non đã từng phát biểu trên báo VnExpress:
“Tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp một cho trẻ, không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ" chứ không phải là cấm dạy chữ.
Trong chương trình giáo dục mầm non hiện nay có nội dung giúp trẻ hình thành những thành tố cơ sở cho viết chữ và đọc, đó là: nhận dạng chữ cái, làm quen với hướng đọc, hướng viết, các hoạt động để phát triển của các cơ tạo sự vận động khéo léo của bàn tay.
Vậy có điều gì mâu thuẫn giữa Chỉ thị 2325/CT-BGDĐT và nội dung chương trình của bậc Mầm non?
Chỉ thị nêu rõ không yêu cầu trẻ tập tô, viết chữ nhưng chương trình học lại làm quen với hướng đọc, hướng viết, các hoạt động để phát triển của các cơ tạo sự vận động khéo léo của bàn tay?
Học sinh vào lớp 1 để tránh bỡ ngỡ khi các em tiếp cận với một lượng kiến thức khổng lồ thì việc trước đó cho trẻ làm quen với việc nhận diện 29 chữ cái.
Biết cầm bút bằng tay phải để đồ, tô theo mẫu chữ in sẵn cũng là cách cho trẻ rèn luyện sự khéo léo của bàn tay.
Nếu trẻ được học ngay những tháng cuối cùng của lớp Lá sẽ có nhiều phụ huynh không phải đôn đáo, tất tả tìm chỗ học bên ngoài cho các em.
Và vì thế những lớp học thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1 mà người dạy đủ các thành phần (như đã nêu trên) sẽ không có cơ hội được mọc ra.
Đây cũng chính là giải pháp để hạn chế cảnh những đứa trẻ 4, 5 tuổi phải đi học ca ba sau mỗi ngày miệt mài ở trường.