LTS: Đến hẹn lại lên, mỗi đợt sát nút kỳ thi đại học, các lò luyện thi lại đông đúc đột biến.
Nhằm chia sẻ việc các em học sinh vất vả học tập tại các lò luyện thi, tác giả Sông Mã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Sau đợt kiểm tra thử đề thi minh họa của Bộ Giáo dục vừa qua, học sinh khối 12 ở nhiều trường trung học phổ thông đã tất tả tìm kiếm nơi đăng kí ôn tập ở một số trung tâm luyện thi.
Nhiều em cho biết đề thi năm nay sẽ có từ 20-30% kiến thức lớp 11 nên không có sự ôn tập kĩ càng sẽ rất khó có kết quả như mong muốn.
Số khác nói rằng, ở trường học hiện nay giáo viên đang vận dụng kiểu dạy học theo phương pháp tích cực (học sinh tự học, tự nghiên cứu là chính), vì thế, các em khó có đủ kiến thức chuyên sâu để bước vào kì thi quan trọng bậc nhất của đời học sinh.
Học sinh lớp 12 vật vã ôn thi (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Bùng phát các trung tâm ôn thi
Nắm được nhu cầu cao của người học, nhiều hình thức ôn luyện được mở ra đón học sinh. Khá nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông đã liên kết với một số trung tâm bồi dưỡng kiến thức trong địa bàn.
Số giáo viên có điều kiện hơn tự mở trung tâm tại gia và liên kết thêm với một số giáo viên trong vùng dạy theo kiểu “cùng ăn chia”.
Số thầy cô khác nữa lại dạy ngay tại nhà mình theo kiểu kèm cặp theo nhóm.
Có giáo viên lại “bao xô” luôn tất cả các môn học với lời cam kết “đậu mới nhận tiền, không đậu thì thôi” kiểu cam kết này giáo viên trực tiếp tuyển đầu vào.
Do học sinh bậc trung học phổ thông hiện vẫn đang học cả ngày. Buổi sáng học chính khóa, buổi chiều nhà trường tổ chức ôn tập nên các em chỉ còn rảnh vào các buổi tối và ngày chủ nhật trong tuần.
Do lượng kiến thức ôn tập quá nhiều. Học sinh cho biết ở trường vừa học, vừa ôn kiến thức lớp 12 chưa xong thì lấy thời gian đâu để ôn thêm kiến thức lớp 11?
Em Ngọc Huyền học sinh lớp 12C2 Trường trung học phổ thông Tân Phú cho biết: “đề thi minh họa ở phần kiến thức cơ bản thì vừa sức nhưng phần kiến thức nâng cao lại quá khó.
Trong lớp khoảng 80% học sinh chỉ đạt khoảng 5-6 điểm. Học sinh phần lớn gặp khó khăn ở những kiến thức lớp 11. Thế nên, không ôn thêm bên ngoài, chắc chắn thi kết quả sẽ không cao.
Học sinh tối mặt tăng tốc ôn luyện
Thế là cứ sau giờ tan trường, các em lại tất tả kiếm cái gì đấy lót dạ và chạy tới ngay lò luyện để kịp vào học.
Có em muốn tranh thủ thời gian nên đăng kí học 2 ca buổi tối luôn một lúc.
Do học nhiều nên đêm nào về đến nhà cũng 10 giờ đêm. Dù mệt mỏi, học sinh vẫn phải gồng mình xem bài cho buổi học ngày mai.
Khi được hỏi “sao phải học nhiều đến thế? Học cả ngày trên trường tối về tự học sẽ tốt hơn”. Em Thùy Linh lớp 12H Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt nói rằng: “ở trường chủ yếu học lý thuyết chứ làm gì có thời gian để luyện đề?
Hơn nữa, một lớp học ở trường gần 50 học sinh có tổ chức ôn tập cũng không có chất lượng.
Lớp đông, thời gian bó hẹp nên học sinh không được ôn cách giải đề. Đi vào các lò luyện lớp đông nhất cũng chỉ 20 em, lớp ít chưa tới 10 em.
Ôn tập bên ngoài, giáo viên luôn tăng cường hướng dẫn học sinh giải những bộ đề cơ bản của các năm để khắc sâu kiến thức, kĩ năng làm bài. Có lẽ vì thế mà lực học của các em ngày càng được củng cố và nâng cao.
Một số học sinh lại cho rằng “giá chúng con chỉ phải học trên trường một buổi như trước đây, buổi còn lại tự mình kiếm nơi ôn tập sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Tăng tốc học thi, học trò cuối cấp vật vờ đói ngủ, thầy cô ngao ngán, tức giận |
Đằng này, suốt cả ngày phải học trên trường, tối lại đi học thêm nên khá căng thẳng và áp lực.
Học ba ca đang trở nên phổ biến cho học sinh bậc trung học phổ thông hiện nay ở nhiều địa phương.
Việc tổ chức dạy thêm buổi 2 cho các em ở trường, chỉ đem lại điều lợi là tăng thu nhập cho một số giáo viên.
Riêng với học sinh, học buổi hai đã trở thành nỗi ám ảnh vì kiến thức thu vào không nhiều lại lấy đi khá nhiều thời gian của các em.
Tiếc rằng các cấp quản lý ở nhà trường chỉ nhìn thấy điều lợi cho chính mình mà cố tình làm ngơ với nỗi thống khổ của các em. Vì điều này, học sinh đã trở thành nạn nhân của việc học nhồi nhét.