Tại sao ông Kim Jong-un vui vẻ chấp nhận để Tập Cận Bình đóng vai "anh cả"?

02/04/2018 08:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Ở Bắc Kinh, Kim Jong-un vui vẻ để ông Tập Cận Bình diễn vai "anh cả". Về Bình Nhưỡng, ông tiếp tục đạo diễn để các lãnh đạo siêu cường phải "xếp hàng" chờ gặp.

Tập Cận Bình trở thành con bài đàm phán mạnh nhất của Kim Jong-un với Donald Trump

Đó là bình luận của nhà báo Katsuji Nakazawa trên tờ Nikkei Asia Review ngày 2/3, vào phút chót Bắc Triều Tiên đã sử dụng Trung Quốc như một tấm lá chắn chống lại hành động quân sự tiềm tàng của Hoa Kỳ.

Tập Cận Bình hiện là "con bài thương lượng" mạnh nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng Năm này.

Sau nhiều tháng tỏ rõ "thái độ thù địch" với nhà lãnh đạo Trung Quốc bằng các cuộc thử tên lửa đạn đạo lặp đi lặp lại trùng với các sự kiện quan trọng của Trung Quốc, ông Kim Jong-un đã bất ngờ tới thăm Bắc Kinh từ 25 đến 28/3.

Ông đang nghĩ đến cuộc gặp sắp tới với chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump. Đây sẽ là lần đầu tiên lãnh đạo 2 nước mặt đối mặt.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới tận nhà khách Điếu Ngư Đài để mời cơm vợ chồng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Reuters / KCNA / Nikkei Asia Review.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới tận nhà khách Điếu Ngư Đài để mời cơm vợ chồng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Reuters / KCNA / Nikkei Asia Review.

Trong khi đồng ý gặp ông Kim Jong-un, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã bổ nhiệm những nhân vật cứng rắn vào đội ngũ hàng đầu của mình về an ninh quốc gia: Mike Pompeo làm Ngoại trưởng; John Bolton làm Cố vấn An ninh quốc gia.

Nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thất bại vì bất đồng về phi hạt nhân hóa bán đảo, nhóm của ông Donald Trump có thể ngay lập tức quay trở lại phương án tấn công quân sự Triều Tiên.

Khi đưa tin chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã không đả động gì đến cam kết sẵn sàng phi hạt nhân hóa bán đảo của nhà lãnh đạo này để người dân trong nước biết.

Sự "lấp lửng" này của ông Kim Jong-un nhằm tìm kiếm một sự nhượng bộ từ phía Donald Trump có thể gây ra lộn xộn, nếu ông chủ Nhà Trắng xem đây là một kiểu "câu giờ".

Đó chính là lý do tại sao ông Kim Jong-un đã quay sang Trung Quốc vào thời điểm bước ngoặt này.

Tại sao ông Kim Jong-un vui vẻ chấp nhận để Tập Cận Bình đóng vai "anh cả"? ảnh 2

Ông Kim Jong-un "tấn công quyến rũ" Nhật Bản, tìm kiếm 50 tỉ USD viện trợ?

Bắc Kinh cũng giống như Bình Nhưỡng, muốn ngăn chặn một cuộc chiến ở Đông Bắc Á, bởi nó có thể gây ra một cú sốc lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc vốn đã vươn lên vị trí số 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.

Sau khi gạt Tập Cận Bình ra bên lề các trò chơi ngoại giao với Hoa Kỳ, giờ đây ông Kim Jong-un đã quyết định đưa Chủ tịch Trung Quốc quay trở lại bàn ngoại giao. 

Có ông Tập Cận Bình ở đó sẽ khiến Tổng thống Donald Trump phải cân nhắc cẩn thận khi quyết định sử dụng vũ lực với Triều Tiên.

Còn với Chủ tịch Trung Quốc, ông cần lấy lại vị thế của mình như một nhà trung gian quan trọng về bán đảo Triều Tiên, một vị trí đã bỏ rơi ông khi hai miền bán đảo bắt đầu trò chuyện với nhau trước Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang, Hàn Quốc.

Mặc dù nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây đã được bãi bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ để có thể tại vị suốt đời, nhưng ông Kim Jong-un biết Tập Cận Bình có một điểm yếu: ngoại giao.

Nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc có một mối quan tâm về chính sách của ông Tập Cận Bình với bán đảo Triều Tiên gần như không đạt được kết quả gì. 

Bắc Kinh không những không còn nằm trong các thành phần quyết định (cục diện bán đảo), thay vào đó họ đã bỏ khỏi bàn đàm phán.

Cục diện bán đảo Triều Tiên càng rời xa Tập Cận Bình khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều được thiết lập qua Hàn Quốc, chứ không phải Trung Quốc.

Nhà báo Katsuji Nakazawa cho rằng:

Ông Tập Cận Bình đã thực sự lo lắng. Còn ông Kim Jong-un biết rằng, nếu ông ta quăng ra một "miếng mồi", nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ chộp lấy.

Và khi Kim Jong-un đưa ra lời đề nghị, Tập Cận Bình nhanh chóng đồng ý.

Ở Bắc Kinh, ông Kim Jong-un rất vui để ông Tập Cận Bình đóng vai "anh cả"

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã phát sóng đoạn phim thời sự quay cảnh ông Tập Cận Bình đang "thuyết giáo" cho nhà lãnh đạo trẻ đến từ Bình Nhưỡng, còn ông Kim Jong-un chăm chú lắng nghe và ghi chép cẩn thận.

Cảnh quay của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc khiến người xem có cảm giác ông Kim Jong-un giống như một "học trò" trước Tập Cận Bình, ảnh: Nikkei Asia Review.
Cảnh quay của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc khiến người xem có cảm giác ông Kim Jong-un giống như một "học trò" trước Tập Cận Bình, ảnh: Nikkei Asia Review.

Một chi tiết đặc biệt nữa cho thấy ông Kim Jong-un đã để ông Tập Cận Bình diễn tròn vai như thế nào:

Trung Quốc đã thông báo với chính quyền Donald Trump về chuyến thăm của Kim Jong-un trước khi công bố cho truyền thông vào sáng sớm 28/3. Ông Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ rằng, Kim Jong-un rất mong được gặp ông Donald Trump.

Động thái này làm cho Chủ tịch Trung Quốc giống như một nhà trung gian hòa giải giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, giống như vai trò của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Trung Quốc đã thông báo cho Nhà Xanh biết trước khi công bố chính thức về chuyến thăm.

Việc này đã khiến Seoul ngạc nhiên và tạo ra ấn tượng rằng, người em gái của ông Kim Jong-un, Kim Yo-jong, chứ không phải nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đến thăm Trung Quốc.

Nhưng rõ ràng trong chuyện này, ông Kim Jong-un đã nắm quyền đạo diễn.

Truyền thông Triều Tiên đã cắt tất cả các cảnh ghi lại hình ảnh nhà lãnh đạo của họ ghi chép lời ông Tập Cận Bình, thay vào đó là hình ảnh ông Tập Cận Bình mời ông Kim Jong-un món bánh mỳ nướng.

Tại sao ông Kim Jong-un vui vẻ chấp nhận để Tập Cận Bình đóng vai "anh cả"? ảnh 4

Liệu ông Kim Jong-un có trở thành một "Đặng Tiểu Bình" phiên bản Triều Tiên?

Truyền thông Triều Tiên cũng mô tả một sự chào đón "kỳ diệu bất thường" mà vợ chồng ông Tập Cận Bình đã dành cho lãnh đạo Triều Tiên và vợ, mặc dù đây là chuyến thăm không chính thức.

Trong đoạn phim thời sự 40 phút chiếu trên đài truyền hình trung ương Triều Tiên về chuyến thăm này, góc quay cho thấy các quan chức Trung Quốc háo hức bắt tay ông Kim Jong-un.

Một cảnh quay khác cho thấy số lượng xe máy cảnh sát dẫn đường khá lớn để bảo vệ nhà lãnh đạo Bắc Hàn khi ông tới thủ đô Trung Quốc bằng tàu hỏa. [1]

Sau Trung - Hàn - Mỹ, Nhật Bản và Nga cũng đang "xếp hàng" chờ gặp ông Kim Jong-un?

Financial Times ngày 1/4 có bài xã luận nhận định, có lẽ ông Kim Jong-un, nhà lãnh đạo 34 tuổi của Triều Tiên rất hài lòng về mình sau chiến dịch "tống tiền bằng vũ khí hạt nhân" kết hợp "ngoại giao Olympic" đã khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới phải xếp hàng để gặp ông.

Ngoài cuộc hẹn với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về một hội nghị thượng đỉnh vào tháng Năm này, chiến thắng lớn nhất của ông Kim Jong-un là chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Bắc Kinh kể từ năm 2011.

Trong những năm đầu tiên khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Kinh ưa thích giao thiệp với người chú rể của ông, Phó Chủ tịch quân ủy trung ương Jang Song-thaek.

Kể từ khi ông chú rể này bị hành quyết năm 2013, quan hệ Trung - Triều đã sụt giảm nhanh chóng. Tuần trước, sau hơn 6 năm chờ đợi lời mời chính thức, cuối cùng ông Kim Jong-un cũng được Bắc Kinh chào đón với màn nghi lễ xa hoa.

Rõ ràng Trung Quốc đang lo lắng về việc bị gạt khỏi quá trình sắp xếp lại (bàn cờ Đông Bắc Á) giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Bắc Kinh đợi cho đến khi chiếc tàu hỏa bọc thép chở ông Kim Jong-un về nước an toàn mới công bố với dư luận một "bản tường trình" được cắt tỉa cẩn thận về chuyến thăm này.

Mô tả của truyền thông Triều Tiên KCNA cho thấy ông Kim Jong-un đặt mình ngang hàng với ông Tập Cận Bình. Ảnh: KCNA / Nikkei Asia Review.
Mô tả của truyền thông Triều Tiên KCNA cho thấy ông Kim Jong-un đặt mình ngang hàng với ông Tập Cận Bình. Ảnh: KCNA / Nikkei Asia Review.

Đây rõ ràng là nhằm mục đích miêu tả ông Kim Jong-un như một "cậu học sinh nhút nhát mong muốn sự tha thứ từ một ông thầy nghiêm khắc nhưng nhân từ", là Tập Cận Bình.

Nỗ lực tuyên truyền này chính là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh lo ngại về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, và làm sao để kiếm được 1 ghế tại bàn đàm phán mà không để mất quá nhiều.

Nhật Bản và Nga cũng đang kêu gọi một lịch làm việc với ông Kim Jong-un.

Bây giờ nhìn lại mới thấy rõ, loạt phóng tên lửa và thử hạt nhân mà Bắc Triều Tiên tiến hành năm ngoái trông rất giống kinh nghiệm cổ điển về việc chuẩn bị cho đàm phán. 

Chiến thuật này đã không thành công vì nó quá lộ liễu. Nhưng thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ không ảo tưởng về sự sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân của ông Kim Jong-un;

Bởi ví dụ của Đại tá Muammer Gaddafi của Libya hay Saddam Hussein của Iraq đã thuyết phục Kim Jong-un cần phải có vũ khí hạt nhân để bảo vệ sự sống còn của chính mình. [2]

Triều Tiên có thể "lột xác" dưới thời ông Kim Jong-un

Cá nhân người viết hoàn toàn đồng ý rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang hoàn toàn ở thế chủ động trên bàn cờ Đông Bắc Á hiện nay.

Ông chủ động với Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và cả Nga.

Nhà báo Katsuji Nakazawa đã rất tinh tế khi ví von, ông Kim Jong-un đã cam tâm tình nguyện, vui vẻ để Chủ tịch Tập Cận Bình diễn vai "anh cả", còn mình là đạo diễn thực tế sau bức rèm.

Tại sao ông Kim Jong-un vui vẻ chấp nhận để Tập Cận Bình đóng vai "anh cả"? ảnh 6

Ông Kim Jong-un có phong cách chuyên nghiệp, hoạch định chính sách hiệu quả

Có điều, sở dĩ truyền thông nhà nước Triều Tiên không đả động gì đến cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo của ông Kim Jong-un, theo thiển ý người viết, chính là để đảm bảo sự ổn định trong nước;

Lâu nay, Bình Nhưỡng luôn xây dựng cho dân chúng hình ảnh kẻ thù truyền kiếp của họ là Hoa Kỳ tìm mọi cách "xâm lược", chỉ có vũ khí hạt nhân mới bảo vệ được "sự tôn nghiêm và phẩm giá" của Triều Tiên.

Nếu vì lý do nào đó ngoài kiểm soát khiến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều bất thành, thì về mặt đối nội, điều này không dẫn đến những xáo trộn trong xã hội, bởi Triều Tiên kiểm soát gần như tuyệt đối các thông tin đối ngoại.

Lo ngại của nhiều nhà quan sát Hoa Kỳ hay Financial Times trong bài xã luận ngày 1/4 không phải không có lý do, nếu chỉ nhìn lại những cơ hội bị bỏ lỡ trước đây.

Nhưng chúng tôi cho rằng, bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay đã khác.

Hơn nữa, ông Kim Jong-un được đào tạo từ Thụy Sỹ trở về nên có lẽ có thể đặt nhiều hy vọng vào nhà lãnh đạo này, mang lại hòa bình cho khu vực và cải cách, phát triển cho Triều Tiên.

Để tạo ra được một bước ngoặt về đối ngoại, mở ra cơ hội cải cách và hội nhập quốc tế cho Triều Tiên từ một xuất phát điểm "rất thấp" trong con mắt của phần lớn dư luận quốc tế mà không gây xáo trộn, không phải việc dễ dàng.

Những diễn biến thời gian qua cho thấy ông Kim Jong-un thực sự đang nắm rất chắc "thế cờ" đối ngoại cũng như cục diện đối nội.

Đó là điều kiện cần thiết để ông có thể thực hiện một sự thay đổi lớn lao trên bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình.

Triều Tiên hoàn toàn có thể lột xác một cách nhanh chóng.

Cách ứng xử của nhà lãnh đạo Triều Tiên với lãnh đạo các siêu cường quốc tế còn lại quả thực là một bài học giá trị, nhất là với các quốc gia đang bị kẹt giữa hai "làn đạn" của các ông lớn tranh giành ảnh hưởng địa chính trị khu vực, toàn cầu.

Có thể còn nhiều tranh cãi về chính sách đối nội của Triều Tiên, nhưng về đối ngoại, rõ ràng nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy ông không sợ Mỹ cũng chẳng sợ Trung Quốc và biết cách đặt mình ngang hàng, thậm chí xác lập thế thượng phong trong đàm phán với các cường quốc.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://asia.nikkei.com/Features/China-up-close/Kim-Jong-Un-brings-Xi-back-to-table-ahead-of-Trump-meeting?page=2

[2]https://www.ft.com/content/e645915e-333f-11e8-b5bf-23cb17fd1498

Hồng Thủy