Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng 2/4/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo Chính phủ kết quả rà soát 94 hồ sơ của các ứng viên giáo sư và phó giáo sư đề nghị công nhận năm 2017 bị để lại vì nhiều lý do.
Theo đó, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, kiểm tra từng trường hợp một cách độc lập.
Kết quả, có 53 ứng viên đủ điều kiện, 41 ứng viên không đủ điều kiện, trong đó một số ứng viên tự xin rút hồ sơ.
Việc rà soát này do Tổ công tác của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Một thành viên Tổ công tác của Thủ tướng - ông Trần Đình Thiên - cho rằng:
“Phải thành lập một nhóm chuyên gia thực sự độc lập để rà soát lại tất cả. Nếu không làm như vậy, dư luận có thể vẫn hoài nghi, bức xúc". [1]
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, kiểm tra 94 hồ sơ của các ứng viên giáo sư và phó giáo sư đề nghị công nhận năm 2017. (Ảnh minh họa: Vietnamnet) |
Người viết đồng tình với quan điểm của ông Trần Đình Thiên, nhưng sau đó được biết việc rà soát vẫn được tiến hành bởi một cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Có một vấn đề cần được trao đổi trên tinh thần khách quan, thượng tôn pháp luật.
Việc rà soát hồ sơ 94 ứng viên giáo sư, phó giáo sư còn lại liệu có tuân thủ nghiêm chỉnh định hướng xây dựng một Chính phủ kiến tạo, công khai, minh bạch; hay cân nhắc kỹ các yếu tố trong đó có việc ứng xử với giới tri thức sao cho tôn trọng và phù hợp?
Như phản ảnh cúa báo chí, phần lớn những hồ sơ phải rà soát chưa có minh chứng về giờ giảng (hợp đồng giảng dạy, bản thanh lý hợp đồng, thanh toán tiền công…).
Ngoài ra, có người, môn giảng dạy ghi trong hợp đồng không giống môn ghi trong thanh lý hợp đồng. Phần lớn trường hợp phải rà soát là giảng viên thỉnh giảng.
Báo Laodong.vn đưa tin: “Theo nguồn tin riêng của Lao Động, trong những hồ sơ bị để lại này có 10 hồ sơ của ngành y tế, gồm hồ sơ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và nhiều quan chức ngành Y khác”. [2]
Báo Thanhnien.vn trích dẫn ý kiến của Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước:
“Tổ công tác của Thanh tra Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ làm việc trên hồ sơ xem có đủ các tiêu chuẩn không chứ không đánh giá về chất lượng khoa học của hồ sơ”. [3]
Về tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg (Quyết định 174) và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg (Quyết định 20) “Sửa đổi, bổ sung một số điều của "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư" ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ”.
Hợp nhất các Quyết định 174 và Quyết định 20 chính là cơ sở pháp lý cho việc công nhận đạt hoặc không đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Xin không bàn về các tiêu chuẩn giờ giảng, công trình khoa học hay bài báo quốc tế bởi đây là những quy định cứng, được định lượng và quy đổi thành các con số cụ thể.
Người viết không nghĩ áp lực dư luận sẽ có ý nghĩa nào đó trong quyết định rà soát lần 2 này, song đó chỉ là ý kiến chủ quan, có thể có người không nghĩ như vậy?
Dẫu sao thì việc quá tả hay quá hữu trong việc xem xét các trường hợp đạt hoặc không đạt chuẩn (trong đó có bà Nguyễn Thị Kim Tiến) đều là không nên.
Đây không phải là chuyện quan phải xử nặng hơn dân mà là phải thượng tôn pháp luật.
Tường thuật các ý kiến khiếu nại ứng viên Nguyễn Thị Kim Tiến, báo điện tử Vov.vn viết:
“Đơn khiếu nại đề cập một số việc liên quan quản lý của bà Tiến như cho cán bộ nghỉ hưu, thuốc có vấn đề và các vấn đề chung trong ngành…”. [4]
Có hai điều nên làm rõ qua ý kiến khiếu nại:
Thứ nhất: Khiếu nại liên quan đến cấp Bộ trưởng thì trách nhiệm xem xét phải là Thanh tra Chính phủ chứ không phải Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu Thanh tra Chính phủ khẳng định bà Tiến có sai phạm thì cần công bố kết quả thanh tra, nếu chưa (hoặc không) có kết luận của Thanh tra Chính phủ thì Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có đủ thẩm quyền xem xét trường hợp bà Tiến?
Thứ hai: Như tường thuật của Vov.vn: “Trong việc phong giáo sư, đây là những vấn đề “mềm” khi thuộc về đạo đức, quản lý.
Còn lại, các vấn đề thuộc phần “cứng” như giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Kim Tiến đều thừa tiêu chuẩn”. [4]
Chi tiết danh sách 95 ứng viên phải rà soát lần 2 chuẩn giáo sư, phó giáo sư |
Vấn đề mà người viết muốn đề cập ở đây là các “tiêu chuẩn mềm” được vận dụng xem xét như thế nào?.
Cần nhấn mạnh các “tiêu chuẩn” ở đây phải tuân thủ pháp luật tức là Quyết định 174 và Quyết định 20.
Nếu ý kiến của “tổ công tác” của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có gì đó chưa phù hợp với hai Nghị quyết nêu trên thì Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước có cần xem xét lại?
Tìm hiểu 7 tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư liệt kê tại điều 8 Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg (trong Quyết định 20 điều này giữ nguyên) thấy chỉ có khoản 2 là không liên quan đến học thuật:
“Trung thực, khách quan và hợp tác với đồng nghiệp trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ”.
Các thành viên Hội đồng ngành Y đã chứng minh bà Tiến đạt 6 trên 7 tiêu chuẩn chức danh giáo sư, riêng tiêu chuẩn thứ 2 còn chưa được làm sáng tỏ và phải chăng đó chính là nút thắt “mềm” được vận dụng?
Ngoài điều gọi là “mềm” nêu trên, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước và Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo còn dựa vào những tiêu chuẩn nào trong 7 tiêu chuẩn (ghi trong Quyết định 174) để khẳng định hồ sơ của bà Tiến còn phải xem xét tiếp?
Nhiều ý kiến cho rằng những người làm công tác quản lý cần tập trung năng lực hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên yêu cầu một nhà khoa học, một nhà giáo khi chuyển sang làm quản lý bỏ nghiên cứu, bỏ giảng dạy cũng là một đòi hỏi không thỏa đáng bởi sau khi kết thúc nhiệm kỳ, nếu vẫn còn trong độ tuổi lao động người ta lại trở về với chuyên môn của mình.
Có thể có những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật đã không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung, chẳng hạn Quyết định 174 và Quyết định 20 đang được xem xét sửa đổi.
Tuy nhiên một khi quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và vẫn còn hiệu lực thì trong mọi trường hợp công dân và cơ quan thực thi pháp luật buộc phải tuân thủ mặc dù có thể xảy ra trường hợp lợi cho người này, thiệt cho người khác.
Điều quan trọng nhất là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự phân biệt người đó là bộ trưởng hay dân thường.
Tâm lý không hài lòng với quan chức trong dân chúng là một thực tế nhưng không thể vì sợ dư luận mà đánh mất sự trung thực.
Nhận xét về các giáo sư, phó giáo sư được phong, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói:
“Bạn bè ta, anh em ta nhiều người là giáo sư, phó giáo sư, nhưng có nhiều người thực sự ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời”. [5]
Người viết muốn phân tích một chút về quy định trong Nghị quyết 20 với mục đích giúp bạn đọc (và có thể là một vài vị lãnh đạo) có cái nhìn toàn diện hơn, công bằng hơn trước một số ý kiến về trường hợp Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Xin trích dẫn toàn bộ điều 16, Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg:
“Điều 16. Đối tượng được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư
1. Đối tượng được bổ nhiệm chức danh giáo sư:
a) Những người đã được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư;
b) Nhà giáo đã được bổ nhiệm làm giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài đang tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
2. Đối tượng được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư:
a) Những người đã được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư:
b) Nhà giáo đã được bổ nhiệm làm giáo sư hoặc phó giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài đang tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Mục b, khoản 1 điều 16 nêu trên cho thấy “nhà giáo đã được bổ nhiệm làm giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài đang tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam” đương nhiên được bổ nhiệm chức danh giáo sư mà không cần xét thêm các tiêu chuẩn khác về công trình hay bài báo quốc tế miễn là người đó có “tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam”.
Liên quan đến quy định này, Báo Laodong.vn viết: “Tháng 10/2013, bà Tiến lần đầu được Đại học Oxford trao chức danh Giáo sư thỉnh giảng nhiệm kỳ 3 năm.
Khi đó, bà là người Việt Nam đầu tiên được nhận chức danh này từ ngôi trường nổi tiếng thế giới.
Lần thứ hai, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến được Đại sứ quán Vương quốc Anh trao chức danh Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Oxford là ngày 10/3/2017, trong giai đoạn từ 2016-2021”.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến còn được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh của Cộng hòa Pháp.
Người có trách nhiệm trong vụ việc, Giáo sư Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y tế, nguyên Giám đốc Học viện Quân y cho rằng:
“Hai yếu tố quốc tế này không được xét điểm trực tiếp cộng vào hồ sơ của bà Tiến”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa tiêu chuẩn giáo sư |
Giáo sư Phạm Gia Khánh không sai khi cho rằng người được bổ nhiệm làm giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài không được cộng điểm trong hồ sơ song ông đã nhầm lẫn khi cho rằng việc đó “chỉ làm tăng uy tín cho Bộ trưởng”.
Theo những gì được ghi trong Quyết định 20, đó thực sự là một tiêu chuẩn để được bổ nhiệm chức danh giáo sư.
Vấn đề là ở chỗ Tổ công tác của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có quan tâm đến chi tiết này khi rà soát hồ sơ của bà Tiến? Có xem quy định tại Quyết định 20 là bắt buộc phải thực hiện?
Liệu có tồn tại một quy định nào đó, rằng chức danh “Giáo sư thỉnh giảng” của đại học Oxford Anh quốc không phải là “Giáo sư” theo quy định tại mục b khoản 1 điều 16 Quyết định 20?
Người viết không biết chính xác những tiêu chuẩn còn bị thiếu của bà Tiến, nếu không phải vì các yếu tố học thuật mà là các “yếu tố mềm” thì cơ quan có trách nhiệm có nên công khai giải thích cho đương sự và cũng là để dư luận đồng cảm?
Hy vọng rằng những phân tích trên đây được cơ quan có trách nhiệm đón nhận với tinh thần thượng tôn pháp luật.
Nói ra điều này, người viết không hề sợ sẽ có người cho rằng “người ta ủng hộ quan chứ mấy ai ủng hộ dân”!
Còn một điều người dân cũng mong mỏi là cơ quan chức năng sẽ công bố công khai 41 người sau rà soát vẫn không đủ chuẩn là vì lý do gì?
Có phải đó chỉ là những nhầm lẫn mang tính kỹ thuật hay còn có sự không trung thực trong kê khai hồ sơ?
Mặt khác tất cả thành viên ba hội đồng chức danh (cơ sở, liên ngành và nhà nước) để lọt 41 ứng viên này phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật và công luận?
Và bao giờ thì chức danh giáo sư, phó giáo sư không còn là vầng hào quang che lấp những khiếm khuyết trí tuệ của không ít người nấp sau nó?
Tài liệu tham khảo:
[5] http://thanhtravietnam.vn/thoi-su/ra-soat-giao-su-can-co-thanh-tra-doc-lap-179588