Người dân phải được sống an toàn, hạnh phúc, doanh nghiệp thành công

03/04/2018 07:14
Vũ Phương
(GDVN) - Chính phủ cố gắng duy trì tăng trưởng cao, nâng cao chất lượng để người dân sống an toàn, hạnh phúc hơn, doanh nghiệp kinh doanh ổn định, thành công hơn.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng nhắc lại tại buổi họp báo thường kỳ chiều 2/4.

Về kinh tế-xã hội, tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với 8 kết quả nổi bật. 

Thứ nhất, tăng trưởng GDP Quý I/2018 tăng 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 5,15% của cùng kỳ năm 2017 và mức tăng 5,48% của cùng kỳ năm 2016.

Bốn động lực chính của tăng trưởng là 1) ngành công nghiệp và xây dựng, tăng  9,70% (cùng kỳ năm 2017 tăng 4,48%, năm 2016 tăng 7,16%), 2) ngành ngành chế biến chế tạo, với  chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,9% (Quý I: năm 2015 tăng 9,5%; năm 2016 tăng 9,1% và năm 2017 tăng 7,8%); 3) ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,05% (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,08%, năm 2016 -1,31%); 4) ngành dịch vụ tăng 6,70% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,36%, năm 2016 tăng 5,98%).

Thứ hai, tăng trưởng đạt mức cao song lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 0,21%). CPI bình quân quý I năm 2018 chỉ tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; tăng 0,97% so với tháng 12/2017 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ ba, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% (cùng kỳ tăng 6,4%), cho thấy tổng cầu, sức mua của người dân tiếp tục được cải thiện đáng kể. Nikkei vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, mặc dù giảm so với tháng 2, nhưng là một trong 2 nước của Đông Nam Á (Myanmar đạt 53,7 điểm) có điểm số cao nhất, trên 50 điểm.

Thứ tư, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 12,8%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 12,1% cùng kỳ; tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Thứ năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,4% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư tư nhân chiếm tỷ trọng 41,9% và tăng tới 16,9%.

Thứ sáu, khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% (cùng kỳ đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 21,1%).

Thứ bảy, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 mà VCCI vừa công bố hôm 22/3, cho thấy những thông tin khởi sắc, điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ khi bắt đầu thực hiện đến nay, gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số, phản ánh rõ ràng môi trường kinh doanh cấp địa phương của Việt Nam đã có những cải thiện rất ấn tượng theo thời gian, đặc biệt là trong năm vừa qua.

Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thứ tám, thị trường chứng khoán phát triển mạnh, chỉ số VNIndex đã vượt đỉnh (1.170 điểm) 11 năm qua, cho thấy niềm tin thị trường rất tốt.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cung cấp một số thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cung cấp một số thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể là tuy số doanh nghiệp thành lập mới có tăng (có gần 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký), nhưng mức tăng thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ năm trước có gần 26.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước đó; số vốn đăng ký tăng 45,8%).

Có trên 12.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,9%, số doanh nghiệp giải thể trên 3.300 (trên 91% là doanh nghiệp nhỏ), tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước tăng thấp hơn cùng kỳ, chỉ tăng 4,4% (trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 5,3%, năm 2016 tăng 5,9%) và thấp hơn các khu vực khác (khu vực ngoài nhà nước tăng 16,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,1%).

Đáng lưu ý, giải ngân từ vốn ngân sách Trung ương quản lý vẫn tăng thấp (khoảng 4,2%), trong khi đó vốn ngân sách địa phương tăng 10,5%.

Mặc dù CPI tháng 3 giảm và quý I tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, không thể chủ quan về lạm phát.

Công nghiệp chế biến chế tạo trong thời gian tới khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ do trong năm 2017 và quý I vừa qua đã tăng rất cao.

Thương mại có thể gặp khó khăn do áp lực bảo hộ thương mại và các biện pháp phòng vệ từ các nước.

Sản xuất nông nghiệp đã dần ổn định và có bước tăng trưởng, nhưng biến đổi khí hậu, thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

Tình hình vi phạm môi trường, tai nạn giao thông, cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, đã xảy ra hơn 1.000 vụ cháy nổ, làm 33 người chết, 66 người bị thương, có những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy tại chung cư tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ 02 kịch bản:

Kịch bản 1: Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%. Đây là mục tiêu tương đối khả thi với điều kiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP và bối cảnh có nhiều thuận lợi, nền kinh tế không bị tác động lớn do những yếu tố bất lợi từ kinh tế thế giới.

Kịch bản 2: Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,8%. Đây là kịch bản phấn đấu để các ngành, các cấp nỗ lực, tận dụng mọi cơ hội trong điều kiện thuận lợi cả ở trong nước và quốc tế, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò động lực chính và đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Chính phủ thống nhất mục tiêu phấn đấu đạt tối thiểu là 6,7% và cố gắng đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo.

Do đó, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không hài lòng, tự mãn với những kết quả đã đạt được; cần phải kiên trì, khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, đề xuất giải pháp phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới...

Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, 19-2017/NQ-CP, 35/NQ-CP, Chị thị 240 của Thủ tướng và Chương trình hành động của Bộ ngành, địa phương. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Chính phủ sẽ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa ngay nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018. Ảnh: VGP

Chú trọng tăng trưởng cả lượng và chất

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ cố gắng duy trì tăng trưởng cao, đồng thời phấn đấu nâng cao chất lượng tăng trưởng để người dân sống an toàn, hạnh phúc hơn, doanh nghiệp kinh doanh ổn định và thành công hơn.

“Nếu tăng trưởng cao mà cháy nổ, môi trường sống người dân bị ảnh hưởng, an toàn xã hội không có thì chúng ta có hoàn thành tốt nhiệm vụ không?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Điểm lại tình hình kinh tế-xã hội 3 tháng đầu năm, Thủ tướng bày tỏ, quý I tăng trưởng 7,38% là điều đáng mừng, là mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 10 năm qua.

Điều này cho thấy hành động quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, không chỉ từ đầu năm 2018 mà thậm chí từ đầu năm 2017, nay bắt đầu phát huy tác dụng, trong đó có việc chống tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà bắt tay ngay vào việc…

Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng kinh tế là rất cần, rất cấp thiết. Chính phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao, ít nhất 6,7% trong năm 2018 song chất lượng tăng trưởng cũng là yêu cầu quan trọng đối với các bộ, ngành, địa phương.

Nếu như tăng trưởng cao mà cháy nổ, môi trường sống người dân bị ảnh hưởng, an toàn xã hội không có thì chúng ta có hoàn thành tốt nhiệm vụ không khi mà Chính phủ chỉ đạo toàn diện kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước chứ không chỉ mặt kinh tế, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ cố gắng duy trì tăng trưởng cao đồng thời phấn đấu nâng cao chất lượng tăng trưởng để người dân sống an toàn, hạnh phúc hơn, doanh nghiệp kinh doanh ổn định và thành công hơn”.

Bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng cũng lưu ý cần quan tâm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô khi tình hình giá dầu và giá các loại hàng hóa cơ bản của thế giới có xu hướng tăng, rồi trong nước thực hiện kế hoạch điều hành giá theo lộ trình năm 2018 đối với một số dịch vụ. Không thể chủ quan trong kiểm soát lạm phát.

Vũ Phương