Cho con bú làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư

04/04/2018 08:38
KIM NHUNG (THEO HEALTH)
(GDVN) - Một số nghiên cứu còn cho thấy rằng cho con bú sữa mẹ có thể giúp chỉ số IQ của trẻ cao hơn khi chúng lớn lên.

Có rất nhiều nghiên cứu chứng minh được lợi ích của việc cho con bú bằng sữa mẹ đối với cả mẹ và em bé.

Sữa mẹ cung cấp cho trẻ sơ sinh quần thể tế bào chống vi khuẩn và virus từ mẹ.

Trẻ bú sữa mẹ có hệ thống miễn dịch mạnh hơn, ít bị các bệnh như hen suyễn, dị ứng, nhiễm trùng tai và các vấn đề hô hấp hơn trẻ không bú sữa mẹ.

Một số nghiên cứu còn cho thấy rằng cho con bú sữa mẹ có thể giúp chỉ số IQ của trẻ cao hơn khi chúng lớn lên.

Đối với bà mẹ, cho con bú có thể giúp họ giảm cân và giảm nguy cơ bị ung thư, bao gồm cả ung thư vú và ung thư buồng trứng.

Cho con bú giúp mẹ và bé đều khỏe mạnh hơn. (Ảnh: Michelsonmedical).
Cho con bú giúp mẹ và bé đều khỏe mạnh hơn. (Ảnh: Michelsonmedical).

Bên cạnh đó, một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng cho con bú sữa mẹ có thể giúp các bà mẹ giảm nguy cơ bị đau tim và đột quỵ.

Nghiên cứu dựa trên thông tin của gần 290.000 phụ nữ ở Trung Quốc bao gồm số lần sinh nở và thời gian cho trẻ bú sữa mẹ của họ.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi tình trạng sức khỏe tim mạch của những người phụ nữ này trong gần 10 năm và rút ra kết luận:

Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 9% so với những phụ nữ không cho con bú sữa mẹ.

Những phụ nữ có sinh nở từ hai lần trở lên và cho con bú bằng sữa mẹ giảm 18% nguy cơ bệnh tim và nguy cơ đột quỵ so với người mẹ không bao giờ cho con bú.

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã điều chỉnh các yếu tố có ảnh hưởng đến tim như huyết áp, lượng cholesterol và hoạt động thể chất để tối ưu hóa kết quả nghiên cứu.

Cho con bú làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư ảnh 2Phương pháp tự nhiên giảm nguy cơ bệnh ung thư vú tái phát

Phát hiện này chỉ ra mối liên hệ mạnh mẽ giữa nguy cơ mắc bệnh tim và việc cho con bú bằng sữa mẹ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những phụ nữ không cho con bú sữa mẹ nhất định sẽ mắc phải các bệnh về tim mạch.

Nhưng theo bà Sanne Peters, một nhà nghiên cứu về tim mạch tại Đại học Oxford ở Anh, việc cho con bú sữa mẹ có thể giảm những vấn đề về tim mạch bằng cách thay đổi sự chuyển hóa của phụ nữ sau khi sinh.

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể tích lũy và phân phối lại mỡ để đảm bảo trẻ đang phát triển có đủ chất dinh dưỡng và chuẩn bị cho em bé bú sữa mẹ.

Những chất béo tích tụ trong thời gian mang thai sẽ giảm dần theo thời gian cho con bú.

“Những phụ nữ không cho con bú sữa mẹ đều có lượng chất dinh dưỡng mà họ không cần”- Peter nói.

Điều này có thể góp phần làm tăng cân và tăng các yếu tố gây nguy cơ cho bệnh tim, như xơ vữa động mạch và cholesterol.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ cho đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi để cả mẹ và bé có sức khỏe tốt nhất.

Bên cạnh những lợi ích về sức khỏe, cho con bú sữa mẹ sẽ giúp tạo cầu nối cảm xúc giữa mẹ và con hơn so với trẻ bú bình, giúp tăng khả năng học tập của bé sau này.

KIM NHUNG (THEO HEALTH)