“Cuộc đời kể cũng kỳ lạ, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình lại có ngày hôm nay”, ông nói trong tiết trời se lạnh của cao nguyên.
Nông dân Nguyễn Thanh Nhàn trên trang trại rau của gia đình ông tại Đạ Ròn, Đơn Dương, Lâm Đồng. (Ảnh: P.V) |
Gọi là nông dân chứ thực chất ông Nhàn là chủ của một trang trại rau rộng tới 7ha và thuê tới 30 người.
Mỗi tháng, riêng tiền công ông chi trả cho họ lên tới 200 triệu đồng, một con số đáng kể ở huyện nông nghiệp xa xôi của tỉnh Lâm Đồng này.
Đứng dậy từ chính nơi đã tháo chạy
Bên cánh đồng rau, câu chuyện của ông Nhàn như một cuốn phim quay về thời quá khứ xa xôi với những lần gánh phân, gánh nước, trồng sau phụ giúp cha mẹ.
Cho đến khi trưởng thành, ông được giao lại đất đai của gia đình và hăm hở đầu tư trồng rau. Tuy nhiên, cách sản xuất manh mún, biến động thị trường… khiến ông bị đổ nợ.
“Tiền vay ngân hàng, vay bà con không có cách gì trả nợ được nên tôi quyết định bỏ trồng rau”, ông nói giọng chua chát.
Đứng ở một góc ruộng rau xanh mướt khác ở Đà Lạt, Giám đốc Hợp tác xã Thiện Thanh, tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Thiện Thanh, nhớ lại:
“Vài năm trước, nhiều nông dân đã tháo chạy khỏi các vườn rau vì làm ăn thua lỗ triền miên. Rau làm ra phải bán đổ bán tháo, chúng tôi nản và không còn ai muốn gắn bó với nghề”.
Cuối năm 2016, có một nhóm người đến gặp Chủ nhiệm Hợp tác xã Trần Thiện Thanh.
Sau cuộc gặp, ông Thanh nhận định: “Đây là một cơ hội rất tốt cho nông dân”. Vậy là ông xắn tay áo, đi đến nhiều hộ gia đình địa phương thuyết phục họ giam gia.
Ông Nhàn, người lúc đó đã để ruộng hoang để đi buôn bán vặt vài năm và cũng không thành công, là một trong những người đầu tiên được ông Thanh tiếp cận, thuyết phục.
Rau sạch ở Hợp tác xã Thiện Thanh, Lâm Đồng. (Ảnh: P.V) |
Nghe ông Thanh kể những thuận lợi mà nông dân khi tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống; hỗ trợ phát triển thương hiệu... ông Nhàn không tin.
Ông kể: “Nghe anh Thanh thuyết phục, cứ về làm đi, họ giúp đỡ toàn diện, chỉ cần lo sao trồng rau cho sạch là được, bán đã có người lo hết, tôi cũng vẫn không tin”.
Nhưng, suy đi tính lại, trở về với đồng ruộng vẫn là căn cơ nhất và “còn gì đâu mà mất?” nên ông Nhàn quay lại trồng rau.
“Đang có thêm rất nhiều hộ nông dân đăng ký hợp tác với chúng tôi”, ông Nguyễn Việt Duy Khôi, trưởng nhóm thu mua của Công ty VinEco cho biết. |
Với hai bàn tay trắng, ông tham gia vào Hợp tác xã Thiện Thanh cùng 52 nông hộ trong xã.
Ngoài chuyện hỗ trợ vốn, kỹ thuật, quy trình kiểm soát, VinEco (đơn vị đã đến gặp ông Thanh) còn cam kết bao tiêu sản phẩm cho các xã viên của Hợp tác xã, điều mà trước đây họ không tưởng tượng được.
Ông Nhàn đã đầu tư 1ha nhà lưới, 1ha nhà kính trên mảnh ruộng 7 ha của mình.
“Chúng tôi không phải lo lắng đầu ra cho rau của mình nữa. Cuộc sống gia đình thay đổi rõ rệt”, ông nói, miệng nở một nụ cười.
Hàng xóm của ông Nhàn là Trần Quốc Thịnh cũng rất phấn khởi khi chuyển sang xây nhà lưới và áp dụng công nghệ mới để trồng rau, hiệu quả hơn nhiều so với trước đây.
“Khi rau đạt chất lượng cao, công ty còn thưởng thêm 20% doanh thu cả vườn, dại gì mình không làm cho tốt”, ông Thịnh khoe và cho biết thêm:
“Hợp đồng ký với VinEco cho phép điều chỉnh giá hàng tuần trên nguyên tắc cao hơn giá thị trường. Thu nhập từ vườn rau đạt khoảng 500 – 600 triệu đồng mỗi năm, hơn hẳn trước đây”.
Theo ông Nguyễn Việt Duy Khôi, Trưởng nhóm thu mua của công ty VinEco tại Lâm Đồng, đến nay công ty đã ký hợp đồng với hơn 120 hộ dân và Hợp tác xã Thiện Thanh.
Mỗi ngày họ cung cấp khoảng 25 tấn rau an toàn, rau VietGAP để bán trong hệ thống siêu thị khắp cả nước.
Hiệu ứng lan tỏa từ chữ "tâm"
Những cuộc đời được thay đổi của các nông dân như trên là kết quả của mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm sạch, an toàn và chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” do Tập đoàn Vingroup công bố từ tháng 9/2016.
Hiệu quả của chương trình nhanh chóng tạo hiệu ứng, thu hút hàng vạn doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ nông dân làm theo.
Trồng rau sạch theo công nghệ cao của VinEco. (Ảnh: P.V) |
Nhưng ít ai biết được, VinEco được khởi sự từ nỗi tâm tư rất đời thường của người sáng lập Tập đoàn - tỷ phủ Phạm Nhật Vượng.
Từng chứng kiến nhiều người thân quen mắc ung thư, ông Vượng quyết tâm tham gia cung cấp nguồn thực phẩm sạch và an toàn cho xã hội.
Và trong lĩnh vực này, tỷ phú Vượng đã xác quyết không đặt mục tiêu lợi nhuận, sẵn sàng chia sẻ cùng xã hội để lan tỏa thói quen sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.
Đó là lý do VinEco ra đời với sứ mệnh rõ ràng “Trước mắt phải cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe cộng đồng, tiến tới đưa một số nông sản thế mạnh của Việt Nam ra thế giới.
Tiếp đó, lớn hơn là phải tạo nên hiệu ứng lan tỏa, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy người nông dân, các doanh nghiệp và toàn xã hội hướng tới một nền nông nghiệp sạch, hiệu quả, vì sức khỏe cộng đồng và tương lai lâu dài cho các thế hệ mai sau”.
“Quan trọng nhất là VinEco thu mua theo sản lượng đã cam kết và bán đến tận tay người tiêu dùng tại hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam hiện nay: VinMart và VinMart+. Vì thế, nông dân yên tâm trồng rau, củ, quả sạch”, bà Thảo nói. |
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, bên cạnh 14 “cánh đồng công nghệ” chuyên nghiệp và bài bản với hệ thống máy móc, hạ tầng và kỹ thuật nhập khẩu từ Israel và Nhật Bản, VinEco luôn chú trọng hợp tác và “kéo” nông dân vào cùng làm nông nghiệp sạch với cam kết bao tiêu đầu ra cho họ.
Đánh giá cao cái tâm vì nông nghiệp của tỷ phú Vượng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ:
“Xưa nay có quan niệm không quốc gia nào làm giàu được từ nông nghiệp, nhưng với công nghệ, phương thức sản xuất và kinh doanh nông nghiệp tiên tiến thì chúng ta vẫn có thể giàu, mạnh từ nông nghiệp.
Cuộc sống của nông dân và những người lao động gắn với nông nghiệp sẽ tốt đẹp hơn”.
Thực tế, ngay sau khi ra mắt không lâu VinEco đã tạo nên một làn sóng ủng hộ nông nghiệp sạch, thúc đẩy các nhà sản xuất và các thương hiệu nông nghiệp sạch khác cùng tham gia mạnh mẽ hơn, bước đầu tạo nên hiệu ứng lan tỏa rất tích cực.
Và đó là lý do bà Lan và nhiều chuyên gia khác mong mỏi xã hội sẽ có thêm nhiều tỷ phú hành động thiết thực vì cộng đồng như tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Với nguồn lực mạnh, năng lực tổ chức sản xuất, bao tiêu chuyên nghiệp, tư duy kinh doanh bài bản và tầm nhìn xa - sự tham gia của các doanh nhân chắc chắn sẽ mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp Việt Nam.
Đầu năm 2015, khi Vingroup quyết định chọn nông nghiệp là lĩnh vực hoạt động chính thứ sáu của Tập đoàn, VinEco đã chính thức ra mắt với sứ mệnh: "Trước mắt phải cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe cộng đồng, tiến tới đưa một số nông sản thế mạnh của Việt Nam ra thế giới. Tiếp đó, phải tạo nên hiệu ứng lan tỏa, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy người nông dân, các doanh nghiệp và toàn xã hội hướng tới một nền nông nghiệp sạch, hiệu quả, vì sức khỏe cộng đồng và tương lai lâu dài cho các thế hệ mai sau". |