Triều Tiên nhượng bộ Trung Quốc, truyền thống hữu nghị làm bình phong lợi ích

06/04/2018 10:47
Hồng Thủy
(GDVN) - Đàm phán 6 bên mang ý nghĩa tượng trưng và lấy lại thể diện cho Bắc Kinh nhiều hơn là hiện thực. Ông Kim Jong-un rất khôn khéo dùng đòn bẩy Trung Quốc.

Nikkei Asian Review ngày 5/4 đưa tin, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, nước ông sẵn sàng tham gia đàm phán 6 bên để thảo luận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nước cờ chủ động và sự nhượng bộ của ông Kim Jong-un với yêu cầu của ông Tập Cận Bình

Các nguồn tin nói với Nikkei Asia Review rằng, hội nghị thượng đỉnh Trung - Triều do phía Triều Tiên đề xuất.

Bắc Kinh đồng ý với điều kiện Bình Nhưỡng phải trở lại bàn đàm phán 6 bên (Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản).

Ông Kim Jong-un đã chấp nhận điều kiện này như một sự nhượng bộ để được chào đón tới Bắc Kinh và mở đường cho cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: KCNA / Reuters / Nikkei Asia Review.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: KCNA / Reuters / Nikkei Asia Review.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể bày tỏ ý định này tại hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo tài liệu từ phía Trung Quốc về cuộc họp Trung - Triều.

Tuy nhiên, tuyên bố chính thức sau hội nghị thượng đỉnh Trung - Triều không nhắc đến đàm phán 6 bên, có vẻ như để tránh sự hoài nghi của Mỹ với khuôn khổ này.

Các nỗ lực khôi phục đàm phán 6 bên sẽ chỉ bắt đầu sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng tới.

Nhưng ông Donald Trump hiện vẫn duy trì quan điểm không khoan nhượng với Triều Tiên, cho dù đã đồng ý gặp ông Kim Jong-un.

Nếu hội nghị không đạt kết quả, chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể lựa chọn các giải pháp cứng rắn hơn nữa;

Ông chủ Nhà Trắng vừa bổ nhiệm cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo làm Ngoại trưởng, cựu Đại sứ John Bolton làm Cố vấn An ninh quốc gia. Cả hai đều có quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng.

Cơ chế 6 bên là "sáng kiến" của Bắc Kinh, cho phép Trung Quốc chủ trì các cuộc đàm phán.

Một số nguồn tin ngoại giao phỏng đoán rằng, Trung Quốc có thể đề xuất với Mỹ, thay cơ chế đàm phán 6 bên bằng 4 bên, gạt Nga và Nhật Bản ra.

Washington cũng đã từng cân nhắc ý tưởng này dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Hiện tại Nhật Bản không muốn vội quay lại đàm phán 6 bên, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ công du Washington từ 17/4 để thúc đẩy ông Donald Trump tiếp tục duy trì áp lực với Bình Nhưỡng. [1]

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh hôm 3/4. Ảnh: SCMP.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh hôm 3/4. Ảnh: SCMP.

Người viết nhận thấy, thông tin của Asia Nikkei Review dường như mâu thuẫn với tuyên bố chính thức của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi nói với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho hôm 3/4 tại Bắc Kinh:

Bắc Kinh hoàn toàn ủng hộ các hội nghị thượng đỉnh mà Bình Nhưỡng lên kế hoạch với Hàn Quốc, Hoa Kỳ. [2]

Để tạo được chuyến thăm bước ngoặt tới Bắc Kinh, ông Kim Jong-un có phải nhượng bộ yêu sách nào đó từ Trung Nam Hải, theo chúng tôi cũng là điều dễ hiểu và cần thiết.

Ý nghĩa của yêu cầu Bình Nhưỡng trở lại đàm phán 6 bên, nếu có, có thể bao hàm 2 tầng nấc.

Thứ nhất, thỏa mãn nhu cầu thể hiện vai trò, cái tôi của Bắc Kinh trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, xóa tan dư luận Trung Quốc bị gạt ra ngoài lề vấn đề bán đảo.

Thứ hai, cung cấp cho ông Kim Jong-un một khoảng lùi cần thiết trong trường hợp hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt được các bước đột phá đáng kể.

Tuy nhiên, với cá tính và tuyên bố rõ ràng của ông Donald Trump, rằng nếu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều không thấy tiến triển ông sẽ lập tức bỏ về, việc chính thức đưa đàm phán 6 bên vào tuyên bố chung Kim - Tập có thể phản tác dụng.

Quan hệ hữu nghị truyền thống chỉ là bình phong mới của lợi ích quốc gia?

Nhật báo Chosun Ilbo ngày 6/4 có bài nhận định, quan hệ Trung - Triều đang được cải thiện nhanh chóng kể từ khi ông Kim Jong-un bất ngờ thăm Bắc Kinh vào cuối tháng Ba.

Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên đã liên tục đưa tin về các hoạt động của ông Tập Cận Bình, đưa tin các phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc về lời chúc của Kim Jong-un nhân dịp ông Tập Cận Bình được bầu lại làm Chủ tịch nước.

Truyền thông Triều Tiên phát sóng các phim tài liệu về quan hệ hai nước Trung - Triều, ảnh chụp cuộc gặp giữa ông Kim Nhật Thành với ông Chu Ân Lai năm 1975, nguồn: Yonhap News.
Truyền thông Triều Tiên phát sóng các phim tài liệu về quan hệ hai nước Trung - Triều, ảnh chụp cuộc gặp giữa ông Kim Nhật Thành với ông Chu Ân Lai năm 1975, nguồn: Yonhap News.

Ngày 5/4 thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA vừa có bài xã luận: "Quan hệ hữu nghị truyền thống Trung - Triều là tài sản chung của hai nước".

Truyền hình nhà nước Triều Tiên phát sóng các bộ phim ca ngợi tình hữu nghị Trung - Triều cũng như các cuộc gặp giữa ông Kim Nhật Thành với Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình. [3]

Chúng tôi cho rằng, những động thái mới tại Triều Tiên nhằm "khôi phục quan hệ hữu nghị truyền thống Trung - Triều" chỉ thể hiện tính toán của ông Kim Jong-un nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung Quốc.

Nói cách khác, "quan hệ hữu nghị truyền thống Trung - Triều" đang trở thành bình phong bảo vệ các lợi ích quốc gia của Bình Nhưỡng, nhưng đồng thời cũng giúp thỏa mãn nhu cầu của Bắc Kinh trong giai đoạn hiện tại.

Nó cho thấy nhu cầu của Kim Jong-un lẫn Tập Cận Bình cũng như tính linh hoạt, sẵn sàng thỏa hiệp giữa 2 nhà lãnh đạo này.

Còn việc đàm phán với Mỹ đã được ông Kim Jong-un chuẩn bị kỹ lưỡng hàng năm trời, gom được đủ đòn bẩy đàm phán (kiểm soát nội bộ, công nghệ tên lửa) và giờ đã đến lúc triển khai các nước cờ đối ngoại. 

Cho dù thành bại của đàm phán Mỹ - Triều vẫn còn phải chờ đến khi hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim Jong-un với ông Donald Trump kết thúc mới biết, nhưng thiện chí đối thoại từ Bình Nhưỡng là rất rõ ràng;

Mong muốn lẫn áp lực giải quyết dứt điểm việc phi hạt nhân hóa bán đảo từ phía ông Donald Trump cũng rất lớn, việc chấp nhận đề nghị gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thể hiện điều đó.

Giai đoạn này, ngoài việc chuẩn bị các đòn bẩy đàm phán, các con bài để thương lượng và mặc cả, thì việc kiên trì thể hiện thiện chí có vai trò rất quan trọng với hòa bình, hòa hợp, hòa giải trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://asia.nikkei.com/Politics/International-Relations/Kim-Jong-Un-offers-to-return-to-six-party-talks

[2]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2140203/china-tells-north-korea-it-fully-backs-summits-seoul-us

[3]http://english.chosun.com/site/data/html_dir/2018/04/06/2018040600723.html

Hồng Thủy