Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo về chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia về việc xác minh, xử lý nghiêm cán bộ Hải quan Hải Phòng có hành vi tiêu cực, được báo chí phản ánh.
Trước đó, báo Lao Động phản ánh tình trạng người dân, doanh nghiệp phải chi tiền "bôi trơn" cho cán bộ Hải quan Hải Phòng khi đến làm thủ tục thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Ông Lê Văn Cuông. (Ảnh: Quốc Toản) |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc nhận hối lộ, tiêu cực trong ngành Hải quan đã có dư luận nhiều năm nay.
Thực tế, không chỉ là dư luận, nhiều vụ việc đã bị phát hiện xử lý.
Điển hình là phiên tòa xét xử nguyên cán bộ hải quan TP.HCM Nguyễn Trường Duy về hành vi nhận hối lộ gần 542 triệu đồng cũng đang diễn ra.
Theo ông Cuông, vấn đề là tại sao các vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực hải quan không chỉ dừng lại ở một cá nhân mà lại có chiều hướng tiêu cực theo số đông.
Đó là thực tiễn nhức nhối đặt ra với cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng.
“Không thể chỉ một vài nhân viên bị đình chỉ, xử lý theo kiểu “thí tốt” là xong được”, ông Cuông nói.
Doanh nghiệp đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan |
Ông Cuông phân tích, chúng ta đã có quy định, các đơn vị để xảy ra tiêu cực người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Người đứng đầu, lãnh đạo đơn vị không thể “vô can”.
Vị nguyên Đại biểu Quốc hội phân tích, thông thường, ở đơn vị lãnh đạo gương mẫu, tiêu cực khó có thể sảy ra.
Ngược lại, nếu người đứng đầu “chống lưng”, có nhóm lợi ích, có “chung chi” thì lãnh đạo dễ “lơ” đi để các nhân viên công khai vi phạm.
“Nguy hiểm nhất là các tiêu cực, vi phạm pháp luật xảy ra thường xuyên và doanh nghiệp, cán bộ hải quan xem là “chuyện thường ngày”, ông Cuông trăn trở.
Họ biến các hoạt động vi phạm pháp luật thành chuyện bình thường trong các cơ quan công quyền khi thực thi nhiệm vụ.
“Vụ “bôi trơn” ở Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đình Vũ, theo tôi chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong ngành hải quan”, ông Cuông nêu quan điểm.
Các vụ việc tiêu cực bị phát hiện trong ngành này rất ít so với dư luận xã hội bấy lâu nay. Trong khi đó, vị trí làm việc trong ngành hải quan luôn được xem là “hấp dẫn” với thu nhập tốt và quyền lực, dễ nảy sinh tiêu cực.
Theo ông Cuông, đã đến lúc chúng ta không thể cứ ngồi chờ các cơ quan báo chí, người dân tố giác tiêu cực trong ngành này nữa.
Những tiêu cực trong ngành hải quan đã đến lúc không thể không ngăn chặn.
Chúng ta cần có thiết chế, chế tài xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để sảy ra sai phạm.
Kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong phòng, chống buôn lậu |
“Người đứng đầu phải bị cách chức, đình chỉ công tác, phải làm rõ vai trò trong quản lý cán bộ, nhân viên”, ông Cuông nói.
Ông phân tích cụ thể, để sảy ra sai phạm, thứ nhất là người đứng đầu năng lực kém không quản lý được nhân viên? Nếu vậy rõ ràng là nên cho nghỉ.
Thứ hai tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu không được đề cao nên để sảy ra sai phạm? Nếu không có trách nhiệm, vị trí đứng đầu đó nên giao cho người khác.
Thứ ba, người đứng đầu có thể nằm trong nhóm lợi ích, thậm chí nhận “chung chi” hay có “giao chỉ tiêu” cho nhân viên phải nộp về?
Người dân rất băn khoăn về vai trò của người lãnh đạo.
“Nếu lãnh đạo nghiêm, tôi tin nhân viên không thể dám nhận “bôi trơn” trắng trợn như thế”, ông Cuông nhận định.
Rõ ràng, chúng ta cần có thiết chế giám sát những vị trí có quyền lực lớn, có điều kiện tham nhũng dễ dàng như ngành hải quan.
“Không xử nghiêm người đứng đầu sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn trong ngành hải quan phát triển”, ông Cuông nhấn mạnh.