Philippines trước lựa chọn "củ cà rốt" Trung Quốc và quyền chủ quyền ở Biển Đông

11/04/2018 07:48
Hồng Thủy
(GDVN) - Có thể những khoản cho vay và viện trợ từ Trung Quốc đang đóng vai trò "thế chấp" cho mục tiêu xa hơn, là tài nguyên dầu khí của Philippines trên Biển Đông.

Hãng thông tấn Mỹ AP ngày 10/4 đưa tin, cụm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã đi qua "vùng tranh chấp" trên Biển Đông ngày hôm qua với hoạt động phô diễn sức mạnh quân sự Hoa Kỳ sau khi Trung Quốc đảo hóa, quân sự hóa (bất hợp pháp) một số cấu trúc địa lý ở Biển Đông.

Hải quân Hoa Kỳ đã mời một nhóm nhỏ các tướng lĩnh, quan chức và nhà báo Philippines lên thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm quan các chiến đấu cơ F-18 cất hạ cánh.

USS Theodore Roosevelt chở theo 65 máy bay phản lực siêu âm F-18, máy bay trực thăng đang trên đường tới Manila sau khi rời Singapore, dưới sự hộ tống của các khu trục hạm, tuần dương hạm tiến qua vùng biển tranh chấp.

Đây là một hoạt động thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Tướng Rolando Joselito Bautista, Tổng tham mưu trưởng Philippines cho biết sau khi thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt:

"Những người bạn Mỹ của chúng ta bằng cách này hay cách khác, họ có thể giúp chúng ta ngăn chặn mọi mối đe dọa".

Tướng Rolando Joselito Bautista, Tổng tham mưu trưởng Philippines (ngoài cùng bên phải) nghe chỉ huy trưởng cụm tàu sân bay tấn công số 9 Hoa Kỳ (trái) giới thiệu về tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, ảnh: Military.com.
Tướng Rolando Joselito Bautista, Tổng tham mưu trưởng Philippines (ngoài cùng bên phải) nghe chỉ huy trưởng cụm tàu sân bay tấn công số 9 Hoa Kỳ (trái) giới thiệu về tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, ảnh: Military.com.

Ông nói thêm, sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ giúp bảo vệ các vùng biển Philippines (yêu sách) dễ bị tổn thương.

Trong năm nay đã có ít nhất 2 lần Hải quân Hoa Kỳ triển khai hoạt động tự do hàng hải gần bãi cạn Scarborough bị Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát năm 2012, và bãi Vành Khăn nơi Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ 1995.

Tháng trước, cụm tàu sân bay USS Carl Vinson cũng tuần tra "vùng biển tranh chấp", tham gia một cuộc tập trận chống tàu ngầm với Nhật Bản trên Biển Đông và thăm Việt Nam với một thủy thủ đoàn 5000 người.

Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở Biển Đông với tàu sân bay Liêu Ninh và các máy bay ném bom hiện đại nhất của họ, H-6K, mang theo tên lửa hành trình tầm xa DH-20 với tầm bắn có thể vươn tới Australia, và chiến đấu cơ Su-35 của Nga.

Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Roilo Golez nhận định:

"Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là một chương trình vũ trang và một cuộc phản công mạnh mẽ ở Biển Đông.

Trong khi động thái này có thể làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm và các cuộc đụng độ tình cờ, sức mạnh hải quân lớn hơn của Washington có thể giúp ngăn chặn sự hiếu chiến của Trung Quốc."

Đại sứ Philippines tại Bắc Kinh Chito Sta. Romana gần đây đã so sánh cạnh tranh Trung - Mỹ trên Biển Đông như hai con voi đang húc nhau trên bãi cỏ, và Philippines không muốn làm bãi cỏ.

Mặc dù có những lo sợ như vậy và đôi khi có lời qua tiếng lại, Chuẩn đô đốc Steve Koehler - chỉ huy trưởng cụm tàu sân bay tấn công số 9 cho biết:

Ông không thấy có bất kỳ sự tương tác nguy hiểm nào giữa hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc trên Biển Đông, khi chạm trán, họ giao tiếp với nhau một cách chuyên nghiệp.

Mọi vấn đề có thể tránh được nếu tất cả các lực lượng hải quân hoạt động theo chuẩn mực và luật pháp quốc tế. [1]

Chuẩn đô đốc Steve Koehler - chỉ huy trưởng cụm tàu sân bay tấn công số 9, ảnh: Navy Times.
Chuẩn đô đốc Steve Koehler - chỉ huy trưởng cụm tàu sân bay tấn công số 9, ảnh: Navy Times.

Cá nhân người viết nhận thấy, trong lúc Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Philippines thông qua Tổng thống Rodrigo Duterte thì Hoa Kỳ vẫn có mối liên hệ mật thiết, chặt chẽ với các tướng lĩnh chỉ huy hàng đầu của Manila.

Sự tranh giành ảnh hưởng của 2 siêu cường hàng đầu thế giới với Manila là rất rõ nét, trong khi Washington tập trung vào vấn đề an ninh thì Bắc Kinh lựa chọn con đường kinh tế thương mại.

Trung Quốc còn khai thác tối đa lợi thế của thị trường 1,3 tỉ dân để phục vụ cho các mục đích chính trị trong quan hệ bang giao.

Kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền với chủ chương "gác tranh chấp, thúc đẩy hợp tác" với Trung Quốc, ngư dân Philippines quay lại đánh bắt ở Scarborough không bị quấy rối và đe dọa;

Nông sản Philippines đã được quay trở lại thị trường Trung Quốc với nhiều lời hứa hẹn, khách du lịch Trung Quốc sang Philippines đã tăng lên 1 triệu lượt người năm 2017, gấp đôi năm 2015.

Kể từ đó, truyền thông không còn ghi nhận thấy hoạt động nào phản đối các hành động leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông từ dân chúng Philippines như trước đây.

Tiếp đó là hàng loạt cam kết đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại quốc gia này trong khuôn khổ Vành đai và Con đường.

Sáng kiến này của ông Tập Cận Bình tiếp tục đóng vai trò mở đường và thâm nhập sâu vào nền kinh tế các quốc gia mục tiêu. 

Các khoản vay không hề rẻ của Trung Quốc nhưng giải ngân "dễ dãi" thường nhắm tới các quốc gia đang phát triển và có nền quản trị còn yếu kém và nhiều kẽ hở cho tham nhũng.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Đa Chiều.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Đa Chiều.

Điều kiện giải ngân của Trung Quốc là, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phải sử dụng công nghệ, nhà thầu và lao động Trung Quốc.

Đã có những cảnh báo từ chính các học giả Philippines về chính sách "ngoại giao bẫy nợ" núp sau Vành đai và Con đường;

Đến khi không thể trả được các khoản nợ, các con nợ có thể phải hy sinh cả các lợi ích chiến lược quốc gia liên quan đến chủ quyền lãnh thổ hoặc tài nguyên thiên nhiên.

Ý tưởng "gác tranh chấp, cùng khai thác" mà Trung Quốc theo đuổi được Philippines chấp thuận ngay trên chính vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không có tranh chấp của mình là một ví dụ.

Rất có thể những khoản cho vay và viện trợ từ Trung Quốc đang đóng vai trò "thế chấp" cho mục tiêu xa hơn, là tài nguyên dầu khí của Philippines trên Biển Đông.

Ở Trung Quốc, các tập đoàn dầu khí đều là doanh nghiệp nhà nước, không có doanh nghiệp tư nhân.

Do đó, cách Tổng thống Rodrigo Duterte lập luận là chỉ hợp tác với doanh nghiệp chứ không phải chính phủ Trung Quốc trong khai thác dầu khí chỉ có tác dụng vượt qua rào cản Hiến pháp Philippines, chứ không ngăn được mục tiêu buộc phải gán nợ mà chủ nợ đã tính trước.

Có điều, trước sức hấp dẫn của đòn bẩy thị trường 1,3 tỉ dân cùng "củ cà rốt" kinh tế Trung Quốc, sức phản kháng của quốc gia mục tiêu này đang yếu dần. 

Ở Philippines, dù biết rõ "gác tranh chấp, cùng khai thác" với Trung Quốc trên chính vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình và không hề có tranh chấp, là đang tiếp tay hiện thực hóa đường lưỡi bò và vô hiệu hóa Phán quyết Trọng tài 12/7/2016, nhưng phản ứng từ dư luận Philippines khá yếu ớt.

Chúng tôi nhận thấy chỉ còn 2 chuyên gia pháp lý theo đuổi mục tiêu này trên truyền thông, là thẩm phán Tòa tối cao Antonio Carpio và Giáo sư Jay L. Batongbacal.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.navytimes.com/flashpoints/2018/04/10/us-carrier-roosevelt-displays-capabilities-in-disputed-south-china-sea/

Hồng Thủy