Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án, đại diện các Bộ:
Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã phát biểu ý kiến về dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương), trong đó có vấn đề điều chỉnh tổng vốn đầu tư và tiến độ dự án.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án để phục vụ sự phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, chống ùn tắc giao thông và sử dụng vốn hiệu quả.
Đi liền với đó, phải bảo đảm yếu tố pháp luật của dự án.
Thủ tướng yêu cầu nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (ảnh chinhphu.vn). |
Để đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả, khắc phục bất cập, tồn tại hiện nay, Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tập hợp các hồ sơ có liên quan về đầu tư xây dựng công trình này một cách đầy đủ nhất, theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về hồ sơ này, kịp thời trình các cơ quan chức năng thẩm định.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì hoàn thiện báo cáo thẩm định trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ liên quan và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định các nội dung liên quan như kinh tế, kỹ thuật, tổng mức đầu tư…
Bộ Giao thông vận tải có thể thành lập tổ chuyên gia thẩm định một cách chặt chẽ, đúng pháp luật.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ: "Đừng vô trách nhiệm với tiền thuế của dân" |
Sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn vốn và các thủ tục có liên quan khác, trên cơ sở tờ trình của Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng xem xét và từ đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng, báo cáo Quốc hội tại phiên họp gần nhất.
Khi báo cáo Quốc hội thì Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ liên quan giải trình các nội dung liên quan thuộc thẩm quyền của mình nếu Quốc hội yêu cầu.
Trong quá trình này, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và Văn phòng Chính phủ cùng chung tay phối hợp với mục tiêu chung là phục vụ sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, “không thể để chậm trễ hơn nữa”.
Thủ tướng cũng lưu ý việc chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực trong triển khai dự án, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, theo dự toán ban đầu vào năm 2007, tổng mức đầu tư dự án là 17.000 tỷ đồng.
Sau đó, liên doanh tư vấn của Nhật Bản dự tính tổng vốn là 47.000 tỷ đồng và đơn vị tư vấn độc lập của Singapore đã thẩm tra dự toán này.
Đến nay, tổng tiến độ chung của dự án đạt khoảng 51% và mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2020.