Cán bộ làm khổ doanh nghiệp vì... "nghiện bôi trơn"

07/05/2018 06:19
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có tới 66% doanh nghiệp xác nhận trả loại phí không chính thức.

LTS: Nhấn mạnh vai trò của việc phát triển nền kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước, Đại tá Nguyễn Huy Viện chỉ ra những rào cản mà chúng ta cần kiên quyết loại bỏ để kinh tế ngày càng đi lên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tại Đại hội lần XII (năm 2016), Đảng ta đã có quan điểm đột phá về đường lối kinh tế khi xác định: “Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Từ quan điểm trên đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cụ thể hoá vào chủ trương xây dựng bộ máy Nhà nước với triết lý: “xây dựng nhà nước kiến tạo, nhà nước liêm chính”.

Qua hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và thực hiện triết lý xây dựng bộ máy nhà nước của Thủ tướng Chính phủ, đã tạo ra được khởi sắc nhất định của nền hành chính công và đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, người dân có cảm nhận nếu như người đứng Chính phủ rất rốt ráo, quyết liệt trong việc xây dựng mô hình nhà nước tiên tiến, văn minh để mở đường cho sự phát triển Quốc gia, thì vẫn còn những bộ, ngành và địa phương... đủng đỉnh.

Cán bộ làm khổ doanh nghiệp vì... "nghiện bôi trơn" ảnh 1Vì sao doanh nghiệp phải bồi dưỡng, lót tay như ở Hải quan Hải Phòng?

Sự đủng đỉnh, chùng chình đó đang là rào cản đối sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung cũng như đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.

Một minh chứng rõ ràng nhất là hàng năm, Thủ tướng tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, có sự tham dự của đầy đủ các bộ, ngành để trực tiếp lắng nghe nhiệt huyết và khát vọng của các doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh.

Nhưng nhiệt huyết và khát vọng đó của doanh nghiệp chưa lan toả cảm hứng tới các bộ, ngành, địa phương.

Biểu hiện cụ thể là việc khắc phục các rào cản đối với sự phát triển của các doanh nghiệp chưa được là bao. Những rào cản đó là:

1. Tình trạng vô cảm của cán bộ, công chức đối với doanh nghiệp

Dựa vào “rừng” giấy phép con do các bộ, ngành ban hành (dù một số bộ, ngành đã bãi bỏ được một phần), cán bộ, công chức các cấp, các ngành chức năng thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra đang ngày ngày hành lên hành xuống, hành tới hành lui doanh nghiệp.

Không những vậy, với lối sống “nghiện” được “bôi trơn” trong thi hành công vụ của bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức cũng đang làm cho các doanh nghiệp điêu đứng.

Phát biểu của ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 có lẽ là đánh giá đầy đủ và chính xác nhất về sự thờ ơ, vô cảm của “bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức” và hậu quả của nó không chỉ với doanh nghiệp mà cả nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước phải gánh chịu:

"Cán bộ, công chức thờ ơ, vô cảm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp; nhũng nhiễu, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp; quan liêu, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; buộc doanh nghiệp phải đi đêm, bôi trơn, chung chi …"

Những cảnh đưa - nhận chớp nhoáng của nhân viên "chạy lệnh" và các cán bộ hải quan được Báo Lao động phản ánh. Ảnh: Báo Lao động.
Những cảnh đưa - nhận chớp nhoáng của nhân viên "chạy lệnh" và các cán bộ hải quan được Báo Lao động phản ánh. Ảnh: Báo Lao động.

Từ thực trạng đó, ông Thân bi quan cho rằng: “tình trạng trên đang có xu hướng gia tăng muôn hình vạn trạng, khiến doanh nghiệp mệt mỏi, nản chí trong kinh doanh; bào mòn, bóp méo cạnh tranh, giảm sút năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; làm hỏng bộ máy quản lý, giảm niềm tin trong nhân dân” (1).

Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng đưa ra những con số làm cho nhiều người phải giật mình: “Chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines; chi phí nộp thuế chiếm tới 39% lợi nhuận của doanh nghiệp làm ra (cao nhất so với ASEAN 4, gấp đôi Singapore).

Chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong các thủ tục tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện” (2).

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): có tới 66% doanh nghiệp xác nhận trả loại phí này (chi phí không chính thức - tác giả chú thích) (3).

2. Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn khó khăn, doanh nghiệp nói chung phải chịu các chi phí chính thức và lãi suất tín dụng cao

Qua hoạt động tín dụng của các ngân hàng cho thấy, một số tổ chức tín dụng chưa thực sự “mặn mà” đối với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không lớn, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao.

Thủ tục tín dụng còn rườm rà, phức tạp cũng là một trong những “rào cản” khiến tổ chức tín dụng chưa thể giải ngân.

Cán bộ làm khổ doanh nghiệp vì... "nghiện bôi trơn" ảnh 3Cán bộ vô cảm với dân, vô trách nhiệm với công việc thì phải kiên quyết xử lý

Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tổ chức tín dụng, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa kịp thời.

Mặc dù Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua gần 1 năm nhưng tới nay chính sách hỗ trợ của Luật vẫn chưa đến được với các doanh nghiệp.

Chi phí kinh doanh còn ở mức cao, nhất là chi phí vay vốn, logistic, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục…

Về lãi suất cho vay của Việt Nam từ 7 - 9%, cao nhất trong khu vực (Trung Quốc 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2 - 3%; Nhật 0,95%) (4).

3. Cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân; cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau

Suốt thời gian dài và đến nay ở Việt Nam vẫn chưa khắc phục được tình trạng bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Đó là tình trạng trong một nền kinh tế nhưng phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp kinh tế Nhà nước với doanh nghiệp kinh tế tư nhân.

Nếu như doanh nghiệp Nhà nước được ưu đãi tuyệt đối về mọi mặt thì doanh nghiệp tư nhân bị trói buộc bằng hàng nghìn loại giấy phép. Chính vì vậy, các doanh nhân khu vực kinh tế tư nhân khó có thể lớn nổi.

Trong khi các doanh nghiệp FDI được đối xử như thượng khách, với cơ chế ưu đãi về mọi mặt; còn doanh nhân trong nước bị đối xử như kẻ ăn xin, ngay từ lúc khởi nghiệp cho tới quá trình kinh doanh, trải qua không biết bao nhiêu chông gai.

Cán bộ làm khổ doanh nghiệp vì... "nghiện bôi trơn" ảnh 4Hàn Quốc có Samsung, Nhật có Sony... còn Việt Nam có gì?

Đây là nguyên nhân vì sao Việt Nam đã qua hơn 30 năm thực hiện Đường lối Đổi mới (cũng là thời điểm doanh nghiệp tư nhân được phép ra đời), nhưng ngoại trừ lĩnh vực bất động sản, còn lại các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ rất hiếm doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gia nhập được vào hàng ngũ doanh nghiệp có quy mô lớn của Quốc gia.

Trong khi điểm xuất phát của Nhật Bản và Hàn Quốc khi bước vào công nghiệp hóa cũng tương đương điểm xuất phát của Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới nhưng các công ty tư nhân Sony, Honda, Toyota (Nhật Bản); Hyundai, Samsung (Hàn Quốc) chỉ sau 20 - 30 năm khởi nghiệp đã trở thành những công ty tư nhân tầm cỡ Thế giới, với thương hiệu nổi tiếng.

Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ phải chịu bất bình đẳng với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI mà còn phải chịu cảnh bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau.

Nguyên nhân của vấn đề là tình trạng doanh nghiệp “sân trước”, “sân sau”; tình trạng “đi đêm” của doanh nghiệp với quan chức.

4. Hệ thống pháp luật còn bất cập, trực tiếp là Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư

Luật Đất đai năm 2013, đang có nhiều vướng mắc, cản trở đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nổi lên là các vấn đề dưới đây:

Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 hecta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 hecta đối với xã phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Người sử dụng đất nông nghiệp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không xin phép thì phải nộp số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm chuyển đổi sử dụng đất; phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; nếu không chấp hành xử phạt sẽ bị thu hồi đất.

Cán bộ làm khổ doanh nghiệp vì... "nghiện bôi trơn" ảnh 5Con đường ngắn nhất xây dựng quốc gia giàu mạnh

Những quy định trên đây của Luật Đất đai không còn phù hợp với chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh cây công nghiệp, vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa để thuận tiện trong truy xuất nguồn gốc cũng như chủ động vùng nguyên liệu.

Đối với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư hiện hành còn có những hạn chế cho việc thay đổi chủ sở hữu trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thủ tục giãn tiến độ thực hiện dự án; thủ tục chấm dứt dự án đầu tư; mua cổ phần…

Các quy định pháp luật liên quan đến việc hình thành và thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất còn nhiều hạn chế trong quyết định chủ trương đầu tư;

Lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, đấu giá; giao đất, cho thuê đất; chuyển nhượng dự án và các thủ tục hành chính liên quan.

Tình trạng các văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực vẫn chưa được điều chỉnh hoàn thiện để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với những cải cách của hai luật này.

Để “kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”, như quan điểm Nghị quyết Đại hội XII của Đảng thì nhiệm vụ cấp bách của các cấp các ngành là phải tháo gỡ những rào cản trên đây.

Bởi nếu còn những rào cản đó thì kinh tế tư nhân của Việt Nam tuyệt đại đa số vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển èo uột, quặt quẹo.

Vì vậy, điều mà doanh nghiệp mong muốn, trông chờ lớn nhất ở Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Chính phủ là gỡ bỏ những rào cản trên đây nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, đồng hành cùng doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể.

Doanh nghiệp không cần nâng đỡ, hỗ trợ như bầu sữa, mà cần một thể chế, môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, thông thoáng.

Tuy nhiên, điều đó chỉ có được khi và chỉ khi thực hiện cải cách mạnh mẽ về thể chế và cơ chế.

Và cũng chỉ có như vậy mới hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ có những tập đoàn, những công ty tầm cỡ như Sony, Toyota, Samsung …

Tài liệu tham khảo:

(1),(2), (3),(4).

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/dua-container-tu-hai-phong-ve-ha-noi-dat-gap-3-han-quoc-ve-viet-nam-373314.html

NGUYỄN HUY VIỆN