Câu chuyện về sự tử tế giữa đời thường

19/04/2018 06:14
Minh Nguyệt
(GDVN) - Đằng sau mỗi tô cháo, mỗi ly nước miễn phí, mỗi lời chỉ dẫn tận tình.... là cả một câu chuyện về những tấm lòng sẵn sàng cho đi mà không cần nhận lại.

Những hành động nhân ái thầm lặng

Bệnh viện K là một trong những bệnh viện lớn ở Hà Nội, mỗi ngày đón tiếp hàng nghìn lượt người tới khám, chữa bệnh.

Trong số đó có không ít người vì bệnh tật phải nhập viện dài ngày, hay những bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Những mô hình thiện nguyện như hỗ trợ suất cơm, nước uống, phương tiện đi lại miễn phí... đã giúp đỡ rất nhiều cho những bệnh nhân này.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, bệnh viện K đã nhận được gần 600.000 suất cơm, hơn 15.000 phần quà, trên 10 tỉ đồng tiền mặt hỗ trợ cho hơn 25.132 lượt bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Trong số đó có nhiều tổ chức, tập thể đã gắn bó với hoạt động từ thiện nhiều năm qua như: Chùa Linh Sơn, Chùa Phúc Long, Chùa Tứ Kỳ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư DIA, Nhóm Gieo mầm yêu thương, Nhóm Tịnh Tâm Thanh, Nhóm Duyên từ tâm… (1)

Mỗi suất cơm, cháo, mỗi phần quà có thể không lớn, nhưng lại chứa đựng rất nhiều giá trị tinh thần và tấm lòng của những nhà hảo tâm.

Sự hỗ trợ thiết thực này đã giúp động viên tinh thần của người bệnh, tiếp thêm sức mạnh để họ lạc quan, tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.

Ông Trương Ngọc Nam (một bệnh nhân điều trị tại bệnh viện K) đã xúc động chia sẻ:

Tôi rất cám ơn và trân trọng tấm lòng của nhà chùa và các phật tử vì đã quan tâm đến những bệnh nhân ung thư nghèo như chúng tôi”. (1)

Không chỉ riêng tại Bệnh viện K, ở nhiều bệnh viện khác tại Thủ đô và khắp các tỉnh thành của cả nước, những hoạt động thiện nguyện vẫn đang không ngừng lan tỏa, viết nên những câu chuyện đẹp về tình người cho cuộc đời.

Như vừa mới đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hạ Sa Kê đã tặng cho các bệnh nhi một phòng chơi mang tên “Cầu Vồng” tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương. (2)

Các bệnh nhi thích thú với phòng chơi “Cầu Vồng”. Ảnh: Phòng Công tác Xã hội – Bệnh viện Nhi Trung ương
Các bệnh nhi thích thú với phòng chơi “Cầu Vồng”. Ảnh: Phòng Công tác Xã hội – Bệnh viện Nhi Trung ương

Trước đó, bệnh viện đã tổ chức chương trình “Xuân yêu thương 2018” dành tặng cho các bệnh nhi và gia đình bệnh nhi ở lại ăn tết tại bệnh viện.

Trong nhiều năm chương trình được duy trì nhờ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, đặc biệt là nhà báo Lê Bình - người đã gắn bó với chương trình suốt 8 năm qua. (3)

Hay tại Bệnh viện Việt Đức, để động viên tinh thần của những người bệnh kém may mắn, không thể kịp về sum họp bên gia đình nhân dịp tết đến xuân về, cán bộ nhân viên tại bệnh viện cùng nhiều nhà hảo tâm đã tổ chức chuỗi hoạt động tặng quà bệnh nhân trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua. (4)

Các em học sinh tới thăm và trao quà cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Các em học sinh tới thăm và trao quà cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Và còn rất nhiều những hành động đẹp, những câu chuyện tử tế khác như nồi cháo từ thiện của nhóm BC Club tại Bệnh viện Nông nghiệp, hay hay nồi cháo Từ tâm của Hội những người chơi Honda ‘67 tại Quảng Ngãi,... (5)

Họ chỉ là những con người bình thường, cũng tất bật mưu sinh với cơm áo, nhưng những hành động từ thiện lặng thầm đã khiến tấm lòng cao cả của họ tỏa sáng giữa đời thường.

Làm thiện nguyện để biết trân trọng cuộc sống hơn

Đó là lời chia sẻ của chị Nguyễn Mơ, một thành viên trong nhóm nấu cháo thiện nguyện tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương chia sẻ

Khi đến bệnh viện phát cháo, mình được tiếp xúc với rất nhiều người. Trong số đó có những em nhỏ lắm, chỉ mới 2, 3 tuổi mà đã phải vào viện.

Nhìn các em dù phải chống chọi với bệnh tật mà vẫn lạc quan vui cười, hồn nhiên đúng với lứa tuổi, mình thương lắm, và cảm phục các em nữa.

Mỗi khi gặp phải những chuyện buồn trong cuộc sống, hay những lúc khó khăn, mình nghĩ lại và những hình ảnh đó tiếp thêm sức mạnh cho mình.

Mình tự nhủ mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người, để tự động viên mình bước tiếp.

Thế nên việc đi tình nguyện với mình rất có ý nghĩa. Nhờ đi tình nguyện, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh, mình biết trân trọng cuộc sống này hơn.”

Vì vậy, chỉ cần công việc cho phép, chị Mơ luôn cố gắng tham gia các hoạt động thiện nguyện, với mong muốn đóng góp một phần công sức dù nhỏ bé của mình để san sẻ với những người có số phận kém may mắn hơn, động viên tinh thần họ trong quá trình điều trị, tiếp thêm cho họ nghị lực sống.

Một buổi phát cháo thiện nguyện định kỳ Chủ nhật hàng tuần tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một buổi phát cháo thiện nguyện định kỳ Chủ nhật hàng tuần tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không chỉ mang lại niềm vui cho người bệnh, những hoạt động thiện nguyện này còn giúp người với người mở lòng với nhau hơn, xóa bỏ đi phần nào những định kiến trong xã hội.

Câu chuyện về nồi cháo của nhóm “giang hồ” hoàn lương mang tên “Hướng thiện’’ tại Bệnh viện K (cơ sở Tam Hiệp, Hà Nội) là một minh chứng rõ ràng và cảm động.

Anh Phạm Anh Tuấn, một thành viên của nhóm “Hướng thiện” chia sẻ, những ngày đầu tiên tới phát cháo, anh không quên được ánh mắt ngại ngần, tò mò và xen lẫn cả sợ hãi của bệnh nhân khi thấy các thành viên trong nhóm đầu trọc, xăm trổ vào tận nơi mời họ ra lấy cháo.

Anh em trong nhóm ai cũng có hình xăm cả. Dần dần, bệnh nhân mới dám ra và khi không sợ nữa, họ hào hứng chờ đợi cháo của chúng tôi mỗi tuần.” - Anh Tuấn kể lại. (6)

Những bát cháo thịt tuy nhỏ nhưng lại chứa đựng trong mình ý nghĩa kết nối lớn lao.

Nồi cháo không chỉ làm ấm lòng những bệnh nhân nghèo cố gắng từng ngày chống chọi với bệnh tật, mà còn giúp người với người xích lại gần nhau hơn, gỡ bỏ đi những rào cản định kiến trong lòng mỗi người.

Ở một khía cạnh khác, thậm chí có thể nói những hoạt động thiện nguyện này đã trao tặng cho những con người từng lầm lỡ ấy một cơ hội làm lại cuộc đời, để họ được trở thành những con người mới tốt đẹp hơn.

Anh Tuấn múc cháo cho các bệnh nhân tại Bệnh viện K. Ảnh: VnExpress
Anh Tuấn múc cháo cho các bệnh nhân tại Bệnh viện K. Ảnh: VnExpress

Trong cuộc sống luôn còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn đang từng ngày từng giờ chiến đấu để giành giật lại sự sống từ tay tử thần.

Và chính trong xã hội luôn bận rộn ấy cũng luôn còn đó những trái tim đầy nhân ái, với những hành động thiện nguyện thầm lặng, giúp lan tỏa đi những giá trị nhân văn trong cuộc sống.

Khi mỗi con người đều tin tưởng vào những điều tử tế và cùng nhau hành động vì những điều tử tế, những câu chuyện cổ tích giữa đời thường sẽ được tạo nên.

Mỗi một hành động thiện nguyện dù nhỏ bé nhưng cũng đang góp phần để xã hội trở nên tốt đẹp hơn, vì những điều đến từ trái tim sẽ chạm được đến được trái tim.

Tài liệu tham khảo:

1. http://benhvienk.vn/nhung-mon-qua-dac-biet-danh-tang-nguoi-benh-ung-thu-tai-benh-vien-k-nd40302.html

2. http://benhviennhitrunguong.org.vn/khánh-thành-phòng-chơi-cầu-vồng-dành-cho-các-bệnh-nhi.html

3. http://benhviennhitrunguong.org.vn/xuan-yeu-thuong-mang-khong-khi-tet-am-ap-den-voi-cac-benh-nhi.html

4. http://benhvienvietduc.org/don-xuan-ve-vui-yeu-thuong-tai-benh-vien-huu-nghi-viet-duc.html

5. https://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/bat-chao-mien-phi-am-long-nguoi-ngheo-nam-vien-2275899.html , https://beta-video.vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/noi-chao-tu-thien-cua-nhom-nguoi-choi-honda-67-3543674.html

6. https://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/noi-chao-mien-phi-cua-nhom-giang-ho-hoan-luong-2877707.html

Minh Nguyệt