Một lần đi “bắt” móc túi xe bus

25/10/2011 07:04
Tuệ Minh
(GDVN) - Vấn nạn móc túi đang là nỗi khiếp sợ của nhiều người đi xe bus và những kẻ móc túi đó hoạt động có tổ chức.
Chưa đầy 1 phút
Sau khi video về nam thanh niên nghẹn ngào van nài kẻ cướp trên xe bus được đăng tải trên trang Youtube, đã có rất nhiều phản hồi gửi tới tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam chỉ rõ nạn trộm cắp lộng hành tại nhiều bến, điểm chờ  xe bus.

Nét mặt thảng thốt của một hành khách bị móc túi khi lên xe bus
Nét mặt thảng thốt của một hành khách bị móc túi khi lên xe bus

Để thấy rõ thực tế này, chúng tôi đã có hẹn buổi đi cùng hai Thanh tra xe bus của Tổng công ty vận tải Hà Nội đến một số điểm chờ xe bus nổi tiếng nhiều kẻ gian.
Theo lịch hẹn, chúng tôi đến trước ít phút dành thời gian qua bến xe Mỹ Đình để tìm hiểu về địa bàn hoạt động của dân “hai ngón” trên xe bus.
Tranh thủ giờ nghỉ giữa chuyến, một tài xế lái xe buýt tuyến 34 (Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Gia Lâm) cho biết: “Trên tuyến đường mà xe 34 đi qua có các điểm thường xảy ra hiện tượng móc túi như điểm xe buýt đối diện bến xe Mỹ Đình, điểm xe buýt gần cổng chợ Sinh viên (Đối diện ĐHQG Hà Nội ở đường Xuân Thủy), điểm trung chuyển Cầu Giấy…”. 
Theo lời của tài xế này, thủ đoạn của các đối tượng này là: lợi dụng lúc đông người cùng lên xe, các đối tượng này liền chen giả vờ lên xe rồi móc túi. Khi móc được rồi, các đối tượng này ở lại phía dưới. Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng thời gian chưa đầy một phút. 
Xe buýt đóng cửa, khách lên xe giật mình khi biết mình bị mất đồ mới tá hỏa tìm. Cơ hội tìm lại đồ đã bị mất của các khổ chủ coi như bằng không. Bởi trong các trường hợp này sau khi “chôm” được đồ, các đối tượng này đi luôn, đồng thời xe buýt di chuyển sang bến khác.

Luật đang bị “lách”?

Đúng giờ, chúng tôi có mặt tại một địa điểm như đã hẹn và các Thanh tra đã đến. Sau những câu hỏi làm quen, các anh nói qua cho chúng tôi về kế hoạch “tác chiến” trong buổi sáng hôm nay. 
Một thanh tra tên là K nói: “Bộ luật hình sự của nước ta quy định hành vi trộm cắp những tài sản có giá trị nhỏ hơn 2 triệu thì không bị truy tố trách nhiệm hình sự. Với những tài sản nhỏ hơn 2 triệu, nếu các đối tượng này bị bắt quả tang thì cũng thường chỉ bị xử phạt hành chính. 
Chính mức xử lý nhẹ chỉ dừng lại ở các biện pháp phạt hành chính này dường như đã không có giá trị cải tạo và ý nghĩa răn đe đối với các đối tượng móc túi. Chính vì vậy các đối tượng này đã lợi dụng và lách luật ở chỗ này để nhắm tới những tài sản có giá trị nhỏ. Những nạn nhân thường là sinh viên, học sinh vì những người này thường mang ít tiền trong túi và điện thoại có giá trị rẻ tiền”.
Anh K cho biết thêm: “Các đối tượng móc túi bây giờ hoạt động tinh vi hơn so với trước. Chúng rất linh hoạt, thường đi theo nhóm từ 3-4 đối tượng trong đó, đã có sự phân công khá chặt chẽ. 
Theo đó, một đối tượng sẽ thực hiện việc móc đồ, các đối tượng còn lại vừa làm nhiệm vụ cảnh giới đề phòng khi lực lượng chức năng xuất hiện vừa thực hiện nhiệm vụ chuyền hàng”.
Sau khi nhất trí phương án “chiến đấu”, chúng tôi xuất phát và điểm đầu tiên là điểm xe bus X (gần bến xe Mỹ Đình) khá nổi tiếng về tình trạng móc túi diễn ra. Đứng từ xa, anh K chỉ cho chúng tôi một đối tượng xuất hiện đầy vẻ khả nghi.
Đó là một đối tượng mặc áo phông, quần bò mài đi tay không đội mũ lưỡi trai hướng về điểm chờ X. Nếu không có sự chỉ dẫn của anh, hẳn chúng tôi khó có thể nhận ra đối tượng đó lại là dân hai ngón chuyên nghiệp. 

Đối tượng móc túi lợi dụng lúc hành khách đang lên xe bus để trộm cắp
Đối tượng móc túi lợi dụng lúc hành khách đang lên xe bus để trộm cắp

Ngay sau đó, một số đối tượng khác đi sau lần lượt xuất hiện. Tuy nhiên, theo lời anh K, quan sát kỹ hơn, chúng tôi nhận thấy dù có khi chúng ăn mặc lịch sự như một sinh viên, hay quần soóc áo phông, đều không thể che dấu được ánh mắt gian giảo liếc nhìn ngang dọc cùng với dáng vẻ của kẻ nghiện hút. 
Một thanh tra khác tên là N cho biết: “Các đối tượng thường có độ tuổi từ 18- 25, không công ăn việc làm, là dân lang thang ở các tỉnh “dạt” về quy tụm sống bầy đàn với nhau. Phần lớn trong số này có tiền án, tiền sự, nghiện hút và không ít kẻ đang mang mầm bệnh HIV”.
Quyết “bắt tận tay day tận trán”, anh K đã đội mũ, đeo khẩu trang đi lại gần điểm xe bus X và chờ đợi. Tuy nhiên, dường như “đánh hơi” được sự xuất hiện của lực lượng chức năng, những đối tượng mà các Thanh tra chỉ cho chúng tôi đã quay ngược trở lại đi sang điểm chờ Q cách đó hơn 1 km.
Anh N cười nói: “Các đối tượng này đã quen hết mặt chúng tôi rồi. Chỉ cần thấy có “động” lập tức các đối tượng này “nằm” im luôn (không thực hiện hành vi móc túi nữa - PV) nên rất khó để có thể bắt quả tang được các đối tượng này. Bây giờ không biết ai đang theo dõi ai nữa”.
Chúng tôi di chuyển sang một bến khác và tiếp tục kế hoạch “tác chiến” đã được vạch ra từ sáng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, đối tượng nào đến điểm chúng tôi đã phục sẵn từ xa cũng đều ầm thầm lên xe hoặc đi sang điểm khác mà không có bất kỳ một biểu hiện phạm pháp nào. Có lẽ Thanh tra N nói đúng.


Có cảnh giới

Một trinh sát với nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến và địa bàn nói: "Để bắt các đối tượng móc túi xe buýt không phải dễ. 

Bởi khi lực lượng chức năng theo dõi thì rất có thể ở đâu đó cách điểm xe bus khoảng 40- 50 m đã có người báo cho các đối tượng này biết. Đó có thể là một trong hai đối tượng đã canh chừng ở hai đầu điểm chờ xe bus trước đó. Hoặc cũng có thể là một ông xe ôm hoặc một người bán trà đá cạnh đó đã “móc nối” trước với các đối tượng này. 

Được sự hỗ trợ của đồng bọn, đối tượng móc túi nhanh chóng phi tang
Được sự hỗ trợ của đồng bọn, đối tượng móc túi nhanh chóng phi tang

Cũng bởi, các đối tượng móc túi này đều đã rất quen thuộc với hình dáng và khuôn mặt của những người tham gia các đợt truy quét móc túi trước đó mà khi chỉ cần thấy một bóng dáng quen quen, cảm thấy không an toàn là các đối tượng này bỏ đi nơi khác luôn".
Vậy là những băn khoăn của tôi đã dần được rũ bỏ. Kết thúc một buổi sáng, đoàn chúng tôi không bắt quả tang được bất kỳ một đối tượng móc túi nào. Biết chắc mình đã bị lộ nên các anh quyết định không đi buổi chiều nữa. Nói chuyện với chúng tôi, anh K và anh N tỏ ra áy náy khi để chuyến đi bắt móc túi có sự kết hợp của phóng viên không thu được kết quả gì. 
Thực sự, xã hội đang cần hơn nữa một sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng cũng như với người dân đi xe bus để những đối tượng móc túi này bị xử lý trước pháp luật.
Tuệ Minh