Ngày 26/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp” có sự tham gia của đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo nhiều trường tư thục trên địa bàn Hà Nội.
Mở đầu ý kiến phát biểu, thầy Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cảm ơn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức hội thảo dành riêng cho các trường tư thục tạo điều kiện cho các trường được nói lên tiếng nói của mình.
Thầy Hòa chia sẻ: “Những ngày gần đây tôi có đọc thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng có nêu về tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội, thực sự tôi tủi thân”.
Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) tủi thân vì nhiều báo chí nêu dòng tít kiểu “Năm 2018, số học sinh lớp 10 trượt vào các trường công gấp đôi” hay “Chỉ có 62% học sinh được học trường công, số còn lại phải học trường ngoài công lập”….
Như vậy, có nghĩa là tuyển sinh trường tư thục thuộc hạng “vét”.
Trong khi xã hội hóa giáo dục là chủ trương của Đảng, Nhà nước, và thầy Hòa cũng chỉ rõ, giáo dục có phân luồng với 4 loại hình giáo dục (công lập, tư thục, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp) mà học sinh khi tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ theo học, tùy thuộc vào năng lực của mình.
Thầy Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng: “Trường tư không phải dành cho con nhà giàu mà dành cho những gia đình có điều kiện bình thường vì học phí chỉ 1,2,3 triệu/tháng trong khi phụ huynh là cán bộ công nhân viên hiện đã có mức lương 10-15 triệu/ tháng. (Ảnh: Lại Cường) |
Học trò nào giỏi, có khả năng học tiếp nữa thì học trường công lập.
Học trò nào học lên tiếp nhưng không muốn áp lực, có sự phát triển toàn diện hơn, muốn được quan tâm hơn thì học trường tư thục.
Còn học trò nào yếu cả về kiến thức, gia đình kinh tế còn yếu thì học giáo dục thường xuyên.
Còn em nào muốn học nghề thì học giáo dục chuyên nghiệp.
Chứ hoàn toàn không có chuyện học sinh trượt trường công lập mới vào trường tư thục, trường giáo dục thường xuyên hay giáo dục nghề nghiệp.
Hà Nội còn làm khó, các trường tư vì học sinh buộc phải "lách" |
“Tôi mong quan niệm này phải được thay đổi, tư duy về các loại hình giáo dục phải được thay đổi, làm sao các tít bài đăng trên các báo đảm bảo sự bình đẳng tránh tình trạng làm kích động phụ huynh, tôi xin thưa vào trường tư thục không phải là vứt đi”, thầy Hòa nhấn mạnh.
Còn khi nói về khó khăn của trường tư thục, thầy Hòa chỉ rõ, mwuốn trường tư thục phát triển thì nhà nước cần tạo điều kiện về đất đai, tài chính.
Những điều này đã được đề cập trong nhiều hội nghị, hội thảo nhưng vẫn không được giải quyết.
Một vấn đề hiện nay nhiều người đang quan tâm đó là tại sao học phí trường tư thục cao và có khi nào trường tư thục là dành cho con nhà giàu?
Thầy Hòa chỉ rõ: “Trường tư không phải dành cho con nhà giàu mà dành cho những gia đình có điều kiện bình thường vì học phí chỉ 1,2,3 triệu / tháng trong khi phụ huynh là cán bộ công nhân viên hiện đã có mức lương 10-15 triệu/ tháng.
Nhưng họ quan tâm tới tương lai con em mình nên phụ huynh chấp nhận bỏ ra 30-50% lương để đầu tư cho con cái học hành.
Mặc dù hiện nay có một số trường có học phí cao nhưng chỉ đếm đầu ngón tay là bởi đó là trường quốc tế, họ bỏ tiền mua đất thì phải thu học phí cao là điều đương nhiên.
Nếu họ được đầu tư đất, không phải mua mảnh đất khoảng 4000 – 5000m trị giá vài trăm tỷ đồng thì tôi tin chắc rằng học phí sẽ không cao.
Trường tôi, năm 2016 học phí trung bình là 2 triệu đồng/ tháng, giờ là 3 triệu đồng/ tháng vì trường được cấp đất, học phí của các trường không được cấp đất thì học phí cao hơn có thể lên mức 4-5 triệu/ tháng chứ không tới mức 10-20 triệu/ tháng như trường quốc tế”.
Do đó, vị Hiệu trưởng này mong muốn, hiện tại Sở đã tạo điều kiện, Bộ và Sở cũng đã lắng nghe nhiều rồi, đổi mới rất nhiều nhưng từ năm nay hãy cho các trường tư thục được tự chủ hơn nữa đặc biệt là thời gian tuyển sinh.
Nếu chỉ có thời gian tuyển sinh vào 2-3 ngày thì làm sao tránh khỏi tình trạng xếp hàng, đặt gạch.
Ví dụ trường Đoàn Thị Điểm số lượng hồ sơ đăng ký là 2.000 hồ sơ nhưng chỉ tiêu chỉ là 500. Rõ ràng, ai cũng muốn đi sớm, nộp sớm nên chuyện đi từ 3 giờ sáng là dễ hiểu”.
Thầy Hòa cũng nêu tư tưởng của Đảng, Chính phủ là quản lý kiến tạo do đó, muốn giáo dục cất cánh, đất nước phát triển thì cần bỏ cách quản lý theo cách siết chặt, kỷ cương.
“Nếu chúng ta cứ vui mừng vì đưa các trường vào một kỷ cương thì sẽ bóp chặt sự sáng tạo, chắc chắn giáo dục không phát triển được”, thầy Hòa nhấn mạnh.