Người gánh hành trang trong bức tranh “Bác Hồ về nước” là ai?

28/04/2018 06:29
Thủy Phan
(GDVN) - Chính Bác Hồ là người đã đứng ra tổ chức đám cưới cho ông Lộc, bà Cúc. Nhưng rồi xảy ra nhiều biến cố, hai người chỉ chung sống vỏn vẹn gần 2 năm.

Mùa xuân năm 1941, sau ba mươi năm bôn ba nơi đất khách quê người, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của mình đặt bước chân đầu tiên về nước tại cột mốc 108 (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Pác Bó, tiến tới tổng khởi nghĩa tháng Tám, năm 1945 thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng về với Bác Hồ ngày ấy có 5 người gồm: Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Thế An, Phạm Văn Lộc, Đặng Văn Cáp (xếp thứ tự theo bức tranh sơn dầu của họa sỹ Trịnh Phòng).

Trong bài viết này, chúng tôi nói về ông Phạm Văn Lộc (chứ không phải Hoàng Văn Lộc như nhiều tài liệu đã ghi), người gánh hành trang trong bức tranh trên và vợ ông là bà Nguyễn Thị Cúc.

Bức tranh sơn dầu của họa sỹ Trịnh Phòng tái hiện Bác Hồ về nước được treo tại nhà anh Lợi. (Ảnh: Thủy Phan)
Bức tranh sơn dầu của họa sỹ Trịnh Phòng tái hiện Bác Hồ về nước được treo tại nhà anh Lợi. (Ảnh: Thủy Phan)

Kết duyên nơi xứ người

Chúng tôi tìm về thôn Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, tìm gặp anh Lê Văn Lợi, là cháu nuôi, cũng xem như là con nuôi của bà Nguyễn Thị Cúc, (sinh năm 1907, quê gốc tại thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình – nay là thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình).

Bà Cúc là vợ ông Phạm Văn Lộc, sinh năm 1900, quê gốc cùng địa chỉ của anh Lê Văn Lợi bây giờ.

Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, anh Lợi đã cho chúng tôi xem nhiều tài liệu, tranh, ảnh về người mẹ nuôi, bà nuôi mà anh đã lưu giữ bấy lâu.

Khi lật lại những hình ảnh ấy, rồi nhắc lại những câu chuyện mà người mẹ nuôi từng kể, anh Lợi lại nghẹn ngào, đầy xúc động…

Theo lời anh Lợi, gia đình bà Cúc có 3 chị em gái, bố mất sớm.

Lúc bà Cúc mới 4 tuổi, bà được mẹ dẫn qua Lào sơ tán, người em út của bà đã mất trên đường đi sơ tán.

Sau đó, vì cuộc sống quá khó khăn nên mẹ bà phải bán người chị cả cho một gia đình khác, chỉ còn lại bà Cúc và mẹ.

Anh Nguyễn Văn Lợi vẫn giữ nhiều tài liệu, hình ảnh về người mẹ nuôi Nguyễn Thị Cúc. (Ảnh: Thủy Phan)
Anh Nguyễn Văn Lợi vẫn giữ nhiều tài liệu, hình ảnh về người mẹ nuôi Nguyễn Thị Cúc. (Ảnh: Thủy Phan)

Còn ông Phạm Văn Lộc, tên thật là Nguyễn Văn Ty.

Những năm 20 của thế kỷ trước, gia đình ông Nguyễn Văn Ty cùng nhiều người khác tha phương cầu thực tận nước Xiêm La (tức Thái Lan).

Tại đây, ông đã gặp và yêu bà Nguyễn Thị Cúc. Cả hai đều là người trong tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội tại Đông Bắc Xiêm La lúc bấy giờ.

Năm 1928, ông Thầu Chín (tên gọi lúc đó của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh) nhận thấy vẻ lanh lợi, tháo vát, giỏi võ và biết cả việc bốc thuốc chữa bệnh nên vận động Nguyễn Văn Ty ở cạnh mình để giúp đỡ.

Ông Thầu Chín đã cải tên Nguyễn Văn Ty thành Phạm Văn Lộc để dễ hoạt động cách mạng.

Thấy tình yêu giữa anh Lộc và chị Cúc càng thắm thiết, ông Thầu Chín đã đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người.

Cưới nhau xong, vợ chồng ông Lộc vẫn hoạt động cách mạng rất năng nổ.

Kể cả lúc mang bầu, bà Cúc cũng thực hiện nhiệm vụ rất nhiệt tình, trách nhiệm.

Trong một lần đi đưa tài liệu trong tổ chức cách mạng, bà Cúc bị ngã xe đạp do mật thám rượt đuổi. Sau đó, bà bị tra tấn đến sẩy thai. Về sau, bà cũng không còn khả năng làm mẹ nữa.

Đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định sang Trung Quốc gặp đại biểu các đảng để tiến hành hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3/2/1930). Người quyết định đưa cả ông Lộc theo cùng.

Trước khi theo chân Bác, biết lần này đi không biết khi nào mới gặp lại vợ, ông Phạm Văn Lộc đã thổ lộ với ông Nguyễn Văn Bun (ông ngoại anh Lê Văn Lợi bây giờ), một người cũng tha phương cầu thực, đồng cảnh ngộ với ông Lộc rằng, nếu sau này vợ chồng ông Bun có con thì hãy cho một đứa về ở với bà Cúc cho vui.

Ông Bun lúc đó đã vui vẻ đồng ý và về sau đã thực hiện lời hứa với ông Lộc.

Tạm biệt vợ, ông Lộc theo chân Bác sang Trung Quốc tiếp tục hoạt động cách mạng, còn bà Cúc vẫn ở Thái Lan. Hai vợ chồng mỗi người một nơi, không biết đến bao giờ mới có cơ hội gặp lại. 

Kỳ 2: Biệt ly đằng đẵng và gặp nhau nơi mộ gió sau hơn 50 năm tìm chồng

Thủy Phan