DW ngày 27/4 dẫn nguồn tin từ truyền thông Đài Loan cho biết, nhà lãnh đạo đảo này, Tiến sĩ Thái Anh Văn đã cảm khái trước những gì lãnh đạo 2 miền Triều Tiên thể hiện trong ngày hôm qua.
Bà cho biết, chỉ cần Bắc Kinh không đặt điều kiện tiên quyết về chính trị, trên cơ sở nguyên tắc đối đẳng, bà tin rằng không có vị lãnh đạo nào của Đài Loan lại từ chối gặp ông Tập Cận Bình.
Trông người, mà ngẫm đến ta
Sau khi Tiến sĩ Thái Anh Văn lên cầm quyền vào tháng Năm 2016, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan trở nên lạnh nhạt.
Tiến sĩ Thái Anh Văn, ảnh Caixun. |
Bà Thái Anh Văn cho biết, lãnh đạo 2 miền Triều Tiên gặp nhau là một bước phát triển tiến tới hòa bình, ổn định trong khu vực.
Đài Loan rất vui mừng trước bước tiến này trên bán đảo Triều Tiên, và cũng cam kết rằng, bất cứ điều gì có ích cho việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển, bà đều sẽ nỗ lực hành động. [1]
Còn theo tường thuật của Thông tấn xã Đài Loan, khi ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in gặp nhau tại Bàn Môn Điếm, Đài Loan theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến liên quan.
Tiến sĩ Thái Anh Văn được dẫn lời cho biết:
"Chúng tôi là một thành viên của khu vực này, chúng tôi rất quan tâm và cũng rất chờ đợi mỗi thành viên khu vực, mỗi quốc gia đều làm hết trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định.
Chúng tôi cũng hy vọng hội nghị (thượng đỉnh Hàn - Triều) sẽ là một bước tiến tới hòa bình, ổn định hơn nữa trong khu vực".
Khi được truyền thông hỏi, liệu bà có chờ đợi một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không, Tiến sĩ Thái Anh Văn trả lời:
Liệu ông John Bolton có xoay chuyển được cục diện Biển Đông? |
"Bất cứ quốc gia nào trong khu vực cũng đều có trách nhiệm với hòa bình, ổn định. Chúng tôi rất vui và sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm ấy.
Từ khi chấp chính đến nay, chúng tôi đều duy trì một lập trường nhất quán, đó là nỗ lực hết sức để bảo vệ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Bất kể điều gì, miễn là có ích cho việc duy trì bảo vệ hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, chúng tôi đều cam kết nỗ lực.
Còn việc có gặp lãnh đạo bên kia eo biển hay không, chỉ cần họ không đặt điều kiện tiên quyết về chính trị, trên cơ sở nguyên tắc đối đẳng, tôi tin không một Tổng thống nào của Đài Loan lại từ chối, thậm chí chúng tôi còn rất vui mừng gặp mặt lãnh đạo bờ bên kia eo biển." [2]
Băn khoăn liệu Mỹ có ra tay tương trợ một khi Trung Quốc tấn công
Trong khi đó ngày 26/4 lực lượng vũ trang Đài Loan công bố các bức ảnh cho thấy máy bay ném bom H-6K, máy bay vận tải Y8, Tu-154 của quân đội Trung Quốc đang vần vũ quanh bầu trời Đài Loan.
Trước đó, Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên eo biển Đài Loan, tàu chiến máy bay hoạt động thường xuyên quanh hòn đảo này.
Tờ Liên Hợp, Đài Loan ngày 28/4 cho biết, một cuộc điều tra xã hội học tại hòn đảo này có kết quả, 47,4% số người được hỏi tin rằng, nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Mỹ sẽ xuất quân bảo vệ.
Số người được hỏi không tin Mỹ ra tay trong tình huống này là 41%.
Quân đội Trung Quốc tập trận rầm rộ từ Biển Đông lên eo biển Đài Loan cho đến biển Hoa Đông, hình minh họa: Đa Chiều. |
Các quan chức ngoại giao Đài Loan phái sang Mỹ dưới các danh nghĩa khác nhau cũng nhiều lần gặng hỏi các đối tác Mỹ câu hỏi này, tuy nhiên câu trả lời họ nhận được mang tính ngoại giao, khó đoán.
Trong khi Đạo luật Quan hệ với Đài Loan của Mỹ không quy định Washington có nghĩa vụ hiệp ước phải bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo này bị tấn công;
Đạo luật này chỉ chỉ ghi rằng Mỹ phải "dùng phương thức hòa bình để quyết định tương lai của Đài Loan".
Tháng trước, Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách châu Á - Thái Bình Dương đến thăm Đài Loan, đã có bài phát biểu hiếm thấy trước sự chứng kiến của Tiến sĩ Thái Anh Văn, rằng:
Mỹ xem Đài Loan là đối tác đầy đủ trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa; Mỹ hoan nghênh chính sách hướng Nam của Đài Loan;
Mỹ sẽ thúc đẩy các nỗ lực giúp Đài Loan ngày càng nhận được sự tôn trọng và đối xử công bằng, xứng đáng trên trường quốc tế.
Tuy nhiên tờ Liên Hợp cho rằng, trong khi Trung Quốc rầm rộ tập trận quanh đảo Đài Loan, ý đồ đe dọa không nói cũng rõ, thì chiến hạm Mỹ vẫn chỉ loanh quanh vòng ngoài ở Tây Thái BÌnh Dương;
Khi tàu sân bay Liêu Ninh tập trận bắn đạn thật sát Đài Loan, không thấy cụm tàu sân bay nào nào của Mỹ tới eo biển.
Câu hỏi liệu Mỹ có ra tay tương trợ Đài Loan một khi Trung Quốc tấn công hay không, vẫn không ai có câu trả lời cụ thể, có hay không. [3]
Nguồn:
[2]http://news.dwnews.com/taiwan/news/2018-04-27/60054764.html
[3]https://udn.com/news/story/7339/3112095