Sài Gòn dùng những "tai" nào để lắng nghe tiếng nói phụ huynh?

03/05/2018 07:03
Phương Linh
(GDVN) - Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, ngành sẽ tăng cường các kênh giao tiếp, lắng nghe tiếng nói của phụ huynh và học sinh.

Đài Tiếng Nói Nhân dân và Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình đối thoại cùng chính quyền thành phố, với chủ đề “Giá trị nhân văn của giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh”.

Gửi ý kiến của mình tới buổi đối thoại, nhiều phụ huynh đã thể hiện mong muốn là ngành giáo dục của thành phố cần khôi phục ngay hình ảnh của người thầy trong mắt học sinh, ổn định tâm lý của phụ huynh, học sinh.

Bà Trần Thị Hương Lan là một phụ huynh ở quận Bình Thạnh trăn trở, biết bao giờ, hình ảnh thầy cô giáo đứng trên bục giảng lại trở lại hình ảnh nhân văn như khi xưa? Thầy cô giáo cần điều chỉnh thái độ ứng xử, để luôn là một hình mẫu thứ hai, là người mẹ thứ 2 của học sinh.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban Văn hóa, Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố mong muốn, người dân cần có cái nhìn chia sẻ, nhìn nhận vấn đề của ngành giáo dục từ nhiều khía cạnh.

Hình ảnh tại buổi đối thoại cùng chính quyền thành phố chủ đề về giáo dục trong ngày 28/4 (ảnh: T.Nhung)
Hình ảnh tại buổi đối thoại cùng chính quyền thành phố chủ đề về giáo dục trong ngày 28/4 (ảnh: T.Nhung)

Sự kỳ vọng của mỗi gia đình, dòng họ lên học sinh là một trong các nguyên nhân chính gây nên áp lực tâm lý cho học sinh, giáo viên và nhà trường.

Theo Tiến sĩ Võ Văn Nam – Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, một môi trường giáo dục tốt, chuẩn mực, an toàn là mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội phải được duy trì thật tốt.

“Phụ huynh không thể trăm sự nhờ thầy, đổ lỗi hết cho thầy cô được” – Tiến sĩ Võ Văn Nam nhấn mạnh.

Chia sẻ những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh, người dân, ngay tại buổi đối thoại này, đại diện cho Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc đã nói rằng, hàng tuần, lãnh đạo Sở này đều có buổi tiếp dân, nhằm lắng nghe tiếng nói trực tiếp từ dân.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiếu vẫn nhìn nhận, có những sự việc, ngành chưa nắm bắt kịp thời ngay từ đầu, khiến cho hình ảnh của người thầy nhuốm màu trước mắt học sinh.

Trong thời gian sắp tới, ngành giáo dục thành phố sẽ có giải pháp để hạn chế vấn đề này.

Cụ thể, như đối với giáo viên trong năm học đầu tiên được tuyển dụng thì sẽ phải trải qua các buổi dự giờ, đánh giá.

Theo ông Hiếu, nếu không đạt hiệu quả thì sẽ không được tiếp tục ký hợp đồng giảng dạy. Đây cũng là cách mà thành phố sẽ thực hiện, nhằm sàng lọc và đảm bảo chất lượng của đội ngũ giáo viên.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định, ngành sẽ tăng cường các kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe tiếng nói của phụ huynh và học sinh.

Ông Phạm Quang Hiếu – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bình Chánh, huyện Bình Chánh nhắn nhủ, phụ huynh cũng đừng nên đặt áp lực quá lớn lên học sinh, còn giáo viên cũng đừng quá vì chỉ tiêu thành tích cá nhân mà để xảy ra những chuyện đáng buồn như vừa qua.

Đồng tình với những quan điểm được thể hiện ở buổi đối thoại, bà Thi Thị Tuyết Nhung đề nghị, để lấy lại niềm tin của xã hội, ngành giáo dục thành phố cần quan tâm hơn nữa tới việc đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, tăng cường văn hóa ứng xử trong nhà trường.

Đại diện Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, thì cần phải có sự quan tâm đầy đủ, trách nhiệm của giáo viên tới từng học sinh, của phụ huynh tới con em mình.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung lưu ý, cái chính là cần kiến tạo ra môi trường giáo dục an toàn, xã hội lành mạnh, để các em phát triển toàn diện, thì niềm tin của xã hội dành cho ngành mới chắn chắn hơn.

Phương Linh