LTS: Tiếp tục chia sẻ cùng bạn đọc những kiến thức bổ ích mà mình đã đọc được, tuần này Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi đến độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam những ghi chép từ cuốn sách “Làm chủ cuộc đời” của Tôn sư Khangser Rinpoche.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Tôn sư Khangser Rinpoche pháp tự là Tenzin Tsultrim Palden. Tên thường gọi là Khangser Rinpoche nghĩa là ngôi nhà vàng.
Ông sinh năm 1975 và hiện đang giảng dạy triết lý Phật học ở Viện Phật Học Tây Tạng Sera Jey.
Ông cũng giảng dạy trong các tu viện thuộc dòng Nyingma và Kagyu ở Dharamsala Ấn Độ và Nepal.
Ông cũng đã có dịp giảng dạy ở Việt Nam từ 7/3/2017 - 20/4/2017.
Cuốn “Làm chủ cuộc đời” bản tiếng Việt được Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành với bản dịch của Trần Gia Phong.
Tôn sư Khangser Rinpoche (Ảnh minh họa: tác giả cung cấp). |
- Trong cuộc sống tâm ta thường cảm nhận được niềm hạnh phúc hoặc nỗi thống khổ, và đối với nhiều người thì hạnh phúc ngắn ngủi nhưng khổ đau kéo dài.
Nếu điều phục được tâm mình thì ta có thể giảm bớt nỗi khổ và gia tăng hạnh phúc, từ đó sẽ cảm thấy an lạc hơn trong cuộc sống.
- Bạn có quyền được hạnh phúc và mạnh mẽ, đấy là quyền của chính bạn và rất quan trọng.
- Nếu có thể sống mạnh mẽ và hạnh phúc thì cuộc sống của bạn là một ân phước.
- Chỉ khi nào làm chủ được tâm mình thì ta mới có thể sống an lạc hơn và hạnh phúc hơn.
- Luyện tâm là kiểm soát các phiền não như nóng giận, căng thẳng, lo sợ, đố kỵ, ham muốn.
- Lòng từ bi chính là cội nguồn của mọi hạnh phúc.
- Con người luôn mong muốn tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình mà bỏ quên hạnh phúc và an lạc của những người xung quanh, thậm chí quên cả hạnh phúc của người thân.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (12) - Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi |
- Hãy cho đi rồi bạn sẽ được nhận lại. Lòng từ bi là chất keo gắn kết bạn bè với ta và nhờ lòng từ bi ta có được tình thân yêu từ những người xung quanh.
- Khi thương yêu đối với người khác bạn sẽ có thêm dũng khí để làm việc. Nếu bạn có dũng khí thì mọi việc đều trở nên rất dễ dàng.
- Nếu chỉ tập trung lo nghĩ cho bản thân mình thì càng dễ đánh mất chính mình, bạn sẽ căng thẳng và lo âu nhiều hơn.
- Niềm tin của chúng ta phải đến từ phân tích và hiểu biết. Khi gặp khó khăn ta phải sử dụng bộ não của mình để phân tích và tư duy.
- Chìa khoá thứ nhất của thành công là khát vọng. Nếu không có khát vọng và ham muốn thì làm sao bạn thành công được. Muốn thành công phải có hoài bão lớn.
- Nếu có quá nhiều ham muốn thì ta sẽ dễ thất bại vì không có đủ thời gian. Phải phân tích hệ quả của từng ham muốn và cần giữ lại những ham muốn mang đến kết quả tốt.
- Chỉ cần tập trung vào việc mình đang làm và đừng kỳ vọng quá mức vào kết quả.
- Mọi khó khăn đều mang đến thời cơ và mọi thời cơ đều mang theo thử thách. Phải nhìn thấy thời cơ trong từng thách thức chứ không chỉ nhìn vào thách thức trong thời cơ.
- Cần tập trung vào những ước muốn mang đến kết quả và giảm bớt những ham muốn thiếu thực tế.
- Trong cuộc sống ai cũng muốn mọi thứ diễn ra hoàn hảo, nhưng điều đó không thể xảy ra. Bước đầu tiên để đương đầu với nghịch cảnh là chấp nhận chúng.
- Khi thấy người khác thành công nếu có thể chấp nhận thì bạn sẽ được truyền cảm hứng, nếu không thể chấp nhận thì sẽ sinh tâm ganh tỵ. Giữa cảm hứng và ganh tỵ là một ranh giới rất hẹp.
- Khi có người làm những việc mà bạn không thích, nếu có thể chấp nhận thì bạn sẽ nhẫn nhịn, nhưng nếu không thể chấp nhận thì bạn sẽ nổi giận.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (11): Thay đổi cuộc sống |
- Khi con người có nỗi đau trong thân thể rất dễ để chấp nhận là mình đang khổ thân, nhưng khi đau đớn về tinh thần thật khó chấp nhận mình đang khổ tâm.
- Khi tâm an lạc cuộc sống của bạn sẽ bớt căng thẳng, nếu tâm đầy phiền não bạn sẽ thấy cuộc đời này như một thảm kịch.
- Nhiều khổ đau đến từ tâm nghi ngờ và tâm nghi ngờ nảy sinh vì ta không biết rõ sự việc, vì ta vô minh.
- Nghiệp chính là nguồn gốc của mọi khổ đau và hạnh phúc. Ta có thể tạo thiện nghiệp và tịnh hoá ác nghiệp. Có nghĩa là ta có thể quyết định cuộc đời của chính mình.
- Nếu làm thiện hạnh thì bạn sẽ không phải đối mặt với hệ quả tiêu cực, còn khi đã phạm ác hạnh thì bạn không thể nhận kết quả tích cực. Nghiệp được ấn định rõ ràng như thế.
- Bản thân ác nghiệp là một hành động và nó kéo theo một phản ứng ngược lại, đó là nghiệp báo.
- Trong 10 ác nghiệp có 3 ác nghiệp của thân thể (thân nghiêp) đó là sát sinh, trộm cắp, tà dâm; có 4 ác nghiệp của lời nói (khẩu nghiệp) đó là nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô ác, và nói lời phù phiếm; có 3 ác nghiệp của tâm ý (ý nghiệp) đó là tham lam, ác tâm và tà kiến.
- Một hành động được xem là thiện hay ác tuỳ thuộc vào hệ quả của nó. Khi một hành động đem đến khổ đau thì được xem là ác hạnh.
- Trộm cắp là một dạng tâm bệnh. Khi ai đó trộm cắp và người khác không biết, hành vi đó rất dễ gây nghiện, đặc biệt là đối với trẻ con.
- Từ bỏ tà dâm là giải pháp tốt nhất để có một gia đình hạnh phúc.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (10): Để có một cuộc sống tuyệt vời |
- Lòng tin có thể dễ dàng bị hủy hoại vì một lời nói dối nhỏ.
- Khi bạn không thể nói ra sự thật, tốt hơn hết là giữ im lặng.
- Tham chính là dạng ham muốn không chính đáng và rất sai lầm. Ham muốn sai lầm là nguồn gốc của mọi khổ đau.
- Khi bạn có ý định làm tổn thương người khác, dù chỉ là đùa cợt, thì đó cũng là ác nghiệp.
- Tà kiến là tin rằng không có luật nhân quả. Tà kiến là nguyên nhân đưa đến ác hạnh và ác hạnh dẫn đến kết quả tồi tệ.
- Trong năm ác nghiệp sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu, nếu không từ bỏ được hết thì vẫn phải cố gắng giảm thiểu để trở thành người tốt hơn và hạnh phúc hơn.
- Khi thấy lỗi lầm của bản thân ta phải rút kinh nghiệm từ lỗi lầm và phải tịnh hoá chúng. Khi thiện nghiệp tăng trưởng thì cuộc sống sẽ tốt đẹp và thuận lợi hơn.
- Nếu có tâm từ bi bạn sẽ có thể hy sinh rất nhiều thứ và nhờ đó mọi quan hệ trở nên vững chắc.
- Khi nổi giận với người mình không ưa sẽ khiến bạn bị tổn thương nhiều hơn. Khi tâm trí chịu nhiều áp lực thì sức khoẻ sẽ bị ảnh hưởng.
- Mục đích của việc tu dưỡng tâm từ bi là để cảm nhận được những gì người khác cảm nhận.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (6): Hãy luôn là người thắng cuộc |
- Hy vọng đến từ niềm tin. Nếu có niềm tin mãnh liệt thì bạn sẽ có hy vọng.
- Để có đời sống hạnh phúc ta cần hành động thật đúng đắn. Để có thể hành động đúng ta cần những chỉ dẫn đúng đắn.
- Nếu ta có thể phát khởi lòng từ bi chân thực và trải rộng yêu thương đến mọi người thì tư duy và hành động của bản thân sẽ tự nhiên được điều chỉnh hướng thiện.