Cấp cứu thành công bệnh nhân bị đâm thấu ngực, nhóm máu rất hiếm

03/05/2018 10:10
Lại Cường
(GDVN) - Cuộc mổ kéo dài 2h30 phút, trong và sau mổ bệnh nhân được truyền 2 lít máu nhóm cực hiếm đối với người Việt Nam.

13giờ 47phút  ngày 26/ 4, khoa Cấp cứu bệnh viện Đức Giang tiếp nhận một bệnh nhân được người nhà đưa vào với tình trạng shock nặng: mạch nhanh nhỏ, huyết áp 80/50 mmHg, khó thở, nhịp thở trên 25lần/phút, sPO2 85%.

Ngay lập tức bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành cấp cứu: thở oxy mask, đặt 3 đường truyền tĩnh mạch, giảm đau, băng cầm máu các vết thương. Qua thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng tại giường (chụp XQ ngực, siêu âm tổng quát, huyết học).

Bệnh nhân được chẩn đoán: Đa chấn thương, shock mất máu/ suy hô hấp tràn máu tràn khí màng phổi bên Phải do vết thương thấu ngực/ nhóm máu O Rh(-).

Lãnh đạo bệnh viện tổ chức hội chẩn các chuyên khoa tại chỗ, xác định tình trạng bệnh nhân rất nặng, nhóm máu hiếm, tuy nhiên phải can thiệp mổ cấp cứu ngay mới có thể giữ được tính mạng người bệnh.

Bệnh nhân được đưa lên bàn mổ lúc 15h. Tiến hành dẫn lưu màng phổi tối thiểu hút ra 500ml máu khí.

Tiếp tục đặt ống nội khí quản gây mê toàn thân, vừa đánh giá vừa xử trí các vết thương cụ thể: vết thương thấu ngực do dao đâm từ bả vai (P) xuyên từ sau ra trước gây tổn thương rách da 10 cm, gãy xương vai, đứt lìa ba xương sườn 4,5,6 gây tràn máu, tràn khí màng phổi (P).

Ảnh chụp phim X - quang bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viên đa khoa Đức Giang cung cấp)
Ảnh chụp phim X - quang bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viên đa khoa Đức Giang cung cấp)

Ngoài ra còn  nhiều vết thương phần mềm khác: vết thương thành bên ngực trái 9cm không thấu ngực,vết thương cổ tay (T) gây tổn thương gân gấp, vết thương cắt cụt đốt (III) ngón 2,3 bàn tay (T), vết thương khuỷu tay (T) lộ mỏm khuỷu…

Xử trí cố định xương vai bằng nẹp vis, khâu cầm máu thành ngực, khâu các vết thương phần mềm, làm mỏm cụt ngón 2,3 tay trái.

Cuộc mổ kéo dài 2h30 phút, trong và sau mổ bệnh nhân được truyền 2 lít máu cùng nhóm.

Hậu phẫu bệnh nhân tiếp tục được an thần thở máy tại phòng hồi sức Ngoại. Sau 2 ngày rút ống nội khí quản, tập thở phục hồi chức năng, toàn trạng bệnh nhân ổn định.

Về nhóm máu của bệnh nhân, Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam Phó Trưởng khoa Huyết học truyền máu cho biết: “Khi người có Rh(-) trong máu được truyền bằng máu có kháng nguyên Rh(+) thì sẽ xuất hiện kháng thể chống Rh, gây ngưng kết hồng cầu, sinh ra tai biến.

Nếu người cần được truyền máu là Rh(+) thì truyền máu Rh(+) hoặc Rh(-) đều được, nhưng nếu người cần được truyền máu là máu Rh(-) thì nhất thiết phải được truyền máu Rh(-).

Cấp cứu thành công bệnh nhân bị đâm thấu ngực, nhóm máu rất hiếm ảnh 2Cứu sống bệnh nhân gãy xương, tổn thương phức tạp động mạch đùi

Tỷ lệ Rh (-) của người Việt là 0,08% (rất hiếm), trong khi đó tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, ngày hôm đó bệnh viện phải huy động “ngân hàng máu sống” tức đối chiếu nhóm máu của toàn bộ nhân viên đã được xét nghiệm trước đó, đồng thời xin trợ giúp từ viện Huyết học truyền máu trung ương để lấy máu.”

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cũng đưa ra lời khuyên “bản thân mỗi công dân cần biết nhóm máu của mình: ABO và Rh. Với các cá nhân có đủ điều kiện sức khỏe nên tham gia hiến máu nhân đạo”.

Bác sĩ Nguyễn Sơn Hà phụ trách kíp cấp cứu cho biết: Trong bệnh cảnh Đa chấn thương, thời gian là vô cùng quý giá.

Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã xây dựng quy chế “báo động đỏ” với mục đích điều phối và huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị khi xảy ra các tình huống như vậy.

Cụ thể trong trường hợp này bệnh nhân đa chấn thương/ shock mất máu/ suy hô hấp cấp/ máu O Rh(-).

Cần chẩn đoán xử trí mổ xẻ đúng, kịp thời, đồng thời phải huy động được những đơn vị máu hiếm thật sớm mới có thể cứu sống người bệnh.

Lại Cường