Hướng tới tăng lương thực chất, đảm bảo cuộc sống người lao động

10/05/2018 09:46
Theo TTXVN
(GDVN) - Đề án về cải cách chính sách tiền lương đang được trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) xem xét với nhiều đề xuất đổi mới.

Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” đang được trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) xem xét với nhiều đề xuất đổi mới.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từng là Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, cho biết:

Điểm mới trong đề án cải cách tiền lương là tiếp tục xác định hệ thống tiền lương theo kinh tế thị trường và phải làm thế nào để lương trở thành nguồn thu nhập chính, đảm bảo đời sống cho người "làm công ăn lương".

Tiền lương đủ sống sẽ đi đôi với việc tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc của lao động. 

Bên cạnh đó, trước khi cải cách tiền lương, để hiệu quả phải tiến hành sắp xếp lại, tinh giản bộ máy biên chế; đồng thời sắp xếp lại các loại phụ cấp, thiết kế lại hệ thống lương cho đơn giản hơn.

Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần Dệt May Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN
Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần Dệt May Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

"Đề án cải cách hướng tới xây dựng cơ chế trả lương trong khu vực công, trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống biên chế, tiến hành đánh giá, giao quyền tự chủ cho người đứng đầu trên cơ sở tiến tới việc trả lương theo chức danh, chức vụ, công việc.

Khu vực công tiến tới được tính tiền lương tương quan với doanh nghiệp", ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Minh Huân, hiện tại ở khu vực công, mức lương cơ sở chỉ mới bằng 50% mức lương tối thiểu của vùng thấp nhất.

Đề án đưa ra mốc đến năm 2021, phải đưa mức lương khu vực công bằng với mức lương thấp nhất của khu vực thị trường.

"Khu vực công chức chỉ đảm bảo được ở mức lương trung bình khá, mức lương cao hiện chỉ có ở khu vực thị trường.

Lý do là lương ở khu vực công lấy từ ngân sách; trong khi ngân sách bản chất lấy từ thuế của dân, thuế doanh nghiệp.

Bài toán đặt ra là làm sao để cân đối các nguồn lực quốc gia, trong cơ cấu ngân sách bố trí phần đầu tư, trả nợ, chi thường xuyên...

Muốn tăng lương phải dựa trên cơ sở tăng hiệu quả chung của nền kinh tế, từ đó ngân sách sẽ có điều kiện nhiều hơn để tăng lương”, ông Phạm Minh Huân chia sẻ.

Xét về quá trình cải cách tiền lương, trước 1993, lương tính bằng mức tuyệt đối, tuy nhiên giai đoạn 1985-1993, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, chỉ số lạm phát, chỉ số giá tăng liên tục.

Do lạm phát tăng, dẫn đến lương cũng tăng và rơi vào vòng quay: Lương tăng thì giá tăng, giá tăng lương lại tăng.

Cho nên các nhà chuyên môn cho rằng quy định lương vào hệ số, cứ mỗi lần thay đổi lương cơ sở, nhân hệ số lên để ra một mức thuận tiện cho những người làm công tác quản lý, kế toán nghiệp vụ.

Tuy nhiên đến nay, tình hình kinh tế xã hội ổn định hơn, nên việc cải cách tính lương sẽ theo hướng quy ra con số tuyệt đối, thay vì là hệ số.

Đây là điểm mới, nhưng thực chất là đang quay lại với thiết kế lương trước đây.

Bên cạnh đó, trước năm 1993, chúng ta cũng thiết kế lương chức vụ, lúc đương chức có lương phụ cấp nhưng khi xuống chuyên viên nhưng vẫn cứ hưởng mức lương này.

Do đó, khi cải cách sẽ theo hướng không  giữ chức vụ sẽ không còn lương phụ cấp.

Hướng dẫn kỹ thuật chọn gạch cho các công nhân mới vào nghề tại Nhà máy gạch Tiêu Giao, thuộc Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh Văn Đức/TTXVN
Hướng dẫn kỹ thuật chọn gạch cho các công nhân mới vào nghề tại Nhà máy gạch Tiêu Giao, thuộc Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh Văn Đức/TTXVN

Còn ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện phụ trách mảng chính sách tiền lương của Bộ, cho biết: Đề án này nếu tiến hành sẽ là lần thứ 5 cải cách tiền lương.

Tiền lương sẽ có hai khu vực là khu vực công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (khu vực công) và khu vực doanh nghiệp. 

Đối với khu vực công hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi đánh giá lại cho thấy hiện nay các thiết kế về thang bảng lương còn khá phức tạp.

Tiền lương của cán bộ công chức được quy định bằng các hệ số và nhân với mức lương cơ sở, mỗi lần điều chỉnh mức lương cơ sở thì tất cả đồng loạt đều được điều chỉnh.

Ngân sách nhà nước khó có thể đuổi kịp với tình trạng khi đã điều chỉnh thì điều chỉnh toàn bộ.

"Chính vì vướng mắc này mà mỗi một lần điều chỉnh, tỷ lệ tiền lương cơ sở tăng thấp.

Tiền lương cơ sở hiện nay thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng áp dụng với doanh nghiệp, vì vậy khó thu hút được những người có năng lực tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước.

Đối với doanh nghiệp, chúng ta yêu cầu họ trả lương không thấp hơn lương tối thiểu thực, vậy tại sao cơ quan nhà nước được phép trả lương tối thiểu?", ông Diệp cho biết.

Do đó, đề án cải cách tiền lương sẽ quy đổi lại là những con số tuyệt đối như lương là 5 triệu đồng, 7 triệu đồng… chứ không còn hệ số 2,34 hay 2,58… như lâu nay. 

Về cải cách tiền lương phải tính đến các yếu tố: Thứ nhất là ngân sách có bao nhiêu? Thứ hai là khu vực công sử dụng bao nhiêu người?

Trung ương nhận nhiều ý kiến về cải cách chính sách tiền lương

Chiều 9/5, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thảo luận tại Hội trường về Đề án cải cách chính sách tiền lương...

Nếu sử dụng quá đông thì lương không thể cao được. Nếu tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, mới có thể cải thiện được tiền lương.

Tiếp đến là khoảng cách giữa các bậc lương. Hiện nay, khoảng cách giữa lương bậc cao nhất và bậc thấp nhất và bậc trung bình chưa được hợp lý.

Cụ thể, người đứng đầu bộ ngành lương chỉ bằng 10 lần những người làm công việc đơn giản nhất.

Do đó, những điểm mới trong cải cách tiền lương gồm cả hai khu vực là khu vực doanh nghiệp và khu vực công.

Đối với công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang có lẽ chúng ta sẽ thiết chế độ tiền lương thành 3 phần: Phần 1 là tiền lương cơ bản chiếm tới 70% lương.

Thứ hai là phụ cấp, hiện tại phụ cấp còn quá nhiều nên lương thì thấp còn phụ cấp thì cao.

Các ngành đều có phụ cấp, ngành nào cũng cho là quan trọng và có những ưu đãi đặc biệt sinh ra các loại trợ cấp nên làm méo mó tất cả các quan hệ tiền lương.

Chính vì vậy, đề án sẽ gom lại các chế độ phụ cấp, chế độ phụ cấp chiếm khoảng 30% của tiền lương.

Tránh trường hợp có những ngành lương 40%, phụ cấp đến 60% nên đó không còn gọi là lương nữa.

Phần thứ 3 là tiền thưởng 10% tổng số lương. Đây sẽ là tiền thưởng do thủ trưởng đơn vị đánh giá vào năng suất, chất lượng , hiệu quả làm việc của cán bộ công chức, có thêm tiền thưởng thì sẽ giúp cán bộ công chức, viên chức có thêm động lực tốt hoàn thành nhiệm vụ”, ông Diệp cho biết.

Điểm mới thứ hai là đơn giản hóa thang bảng lương. Hiện có 7 thang bảng lương, nhưng thiết kế theo cải cách của đề án chỉ có 3 thang bảng lương gồm:

Bảng lương cho lãnh đạo giữ các chức vụ; bảng lương dành cho cán bộ công chức, viên chức và bảng lương cho trung tâm nghiệp vụ.

Còn điểm mới thứ 3 là cải cách tiền lương không thể tiến hành được nếu không thực hiện tinh giảm biên chế.

Việt Nam đã có 4 lần cải cách tiền lương, sau mỗi lần cải cách đều phát hiện ra những khiếm khuyết; nhưng lần này đề án được chuẩn bị rất kỹ lưỡng với nhiều hội thảo trong nước, quốc tế, khảo sát tại các bộ ngành địa phương và khảo sát kinh nghiệm các nước xung quanh về xử lý lương của cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. 

Đối với doanh nghiệp có điểm mới là nhà nước sẽ giảm dần những can thiệp đến chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Trong thị trường lao động thì cơ chế tiền lương chính là thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động quyết định mức lương thưởng.

Khi thúc đẩy cơ chế này thì vai trò của công đoàn rất quan trọng nhưng thực tế vị thế của công đoàn chưa tương xứng khi đàm phán tại doanh nghiệp.

Nhà nước sẽ giảm dần sự can thiệp và sẽ hỗ trợ hai bên thỏa thuận thương lượng mức lương”, ông Diệp nhấn mạnh.

Theo TTXVN