Hệ thống giáo dục đóng kín cửa sớm muộn gì cũng sẽ thoái hóa, lạc hậu

15/05/2018 07:43
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng
(GDVN) - Đối với thế giới tự nhiên, xã hội hay con người, thì chỉ có hệ thống mở mới có sức sống, không bị xơ cứng, thoái hóa và lạc hậu khi thời gian đi qua.

LTS: Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài tham luận tại hội thảo "Hệ thống giáo dục mở" do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 16/5.

Do nội dung bài viết dài, Tòa soạn chia làm 2 phần, xin giới thiệu đến quý bạn đọc phần thứ nhất của bài viết này và trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng! Tiêu đề bài viết và các tiêu đề phụ trong bài, do Tòa soạn đặt.
                                                             
Xây dựng hệ thống giáo dục mở là một trong hai vấn đề cơ bản và lớn nhất, giá trị cốt lõi trong Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục nước nhà. 

Lựa chọn hệ thống giáo dục mở là quan điểm rất đúng đắn. 

Như chúng ta đã biết, theo lý thuyết hệ thống, kể cả đối với thế giới tự nhiên, xã hội và con người, thì chỉ có hệ thống mở mới có sức sống, không bị xơ cứng, thoái hóa và lạc hậu khi thời gian đi qua; 

Còn các hệ thống đóng kín, khép kín, không mở, thì trước sau gì tất yếu cũng sẽ thoái hóa, sẽ lạc hậu;

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ảnh do tác giả cung cấp.

Vì nó không được thường xuyên trao đổi chất, trao đổi thông tin với thế giới bên ngoài đang thay đổi từng giờ, nhất là trong thời đại ngày nay, khi mà sự biến đổi của thế giới vật chất và tư duy của con người đang hết sức nhanh chóng.

Trong nội dung nghị quyết chưa nêu cụ thể đầy đủ “mở” như thế nào, đó là công việc của đề án để thực hiện nghị quyết. 

Rất tiếc là cho đến nay, đã 5 năm rồi, kể từ khi ra nghị quyết, nhưng các cơ quan liên quan vẫn chưa cụ thể hóa cho rõ nghĩa là hệ thống giáo dục “mở” bao gồm những yêu cầu và nội dung gì. 

Tôi rất hoan nghênh cuộc hội thảo lần này do Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam tổ chức, hy vọng hội thảo sẽ góp phần đáng kể để làm rõ nội dung “mở” của nền giáo dục nước nhà. 

Với cách hiểu của mình, sau đây tôi xin nêu một số ý kiến để các anh chị tham khảo nếu quan tâm.

Trước tiên cần nói là cách tiếp cận mở bắt đầu từ văn hóa, xuất phát từ văn hóa 

Văn hóa là những giá trị của con người, thuộc về con người, với nhân cách của họ. 

Nói gọn hơn, văn hóa là chất người, tính người, chất lượng người. 

Giáo dục là một bộ phận cơ bản và cốt lõi của hoạt động văn hóa. 

Hệ thống giáo dục đóng kín cửa sớm muộn gì cũng sẽ thoái hóa, lạc hậu ảnh 2

Muốn giữ vững độc lập dân tộc, phải xây dựng nền văn hóa phát triển

Sản phẩm của công cuộc đổi mới căn bản nền giáo dục là một dân tộc Việt Nam ở đẳng cấp và trình độ văn minh cao hơn hẳn so với hiện tại. 

Nói cách khác là cần tích cực và chủ động thúc đẩy để hình thành một nền văn hóa với đặc điểm kế thừa tối đa những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc;

Trong đó, mặt nổi trội thuộc về văn hóa giữ nước; đồng thời phải tích cực và khẩn trương xây dựng mặt thứ hai của nền văn hóa là văn hóa phát triển (đối với dân tộc). 

Cho đến nay, sau nhiều nghìn năm, với thời gian hòa bình xây dựng nhiều gấp bội so với chiến tranh, nhưng Việt Nam ta vẫn chưa là một quốc gia phát triển. 

Ngày nay, trong điều kiện hội nhập toàn cầu, một dân tộc nào đó không phát triển được thì cũng khó mà giữ được nền độc lập lâu bền, đồng thời sẽ tiếp tục thua thiệt và tụt hậu, nguy cơ nghèo đói và khủng hoảng sẽ luôn thường trực. 

Nền giáo dục mở mà chúng ta dự định xây dựng cần phải gắn với văn hóa phát triển, chấp nhận tính đa dạng về văn hóa;

Coi sự đa dạng ấy là mảnh đất màu mỡ cần thiết cho sự tồn vong và phát triển của dân tộc, giống như tính đa dạng sinh học đối với thế giới tự nhiên, chủ động và tích cực tiếp thu các tinh hoa văn hóa của nhân loại, của các quốc gia phát triển phù hợp với điều kiện của nước nhà. 

Trong nền giáo dục ấy, sự liên kết, sự hợp tác, trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm, tiếp biến văn hóa với quốc tế, nhất là với các nước phát triển, đào tạo ra các công dân vừa của Việt Nam vừa của toàn cầu là một nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu.

Các đặc điểm của nền giáo dục mở

Đặc điểm đầu tiên và bắt đầu của nền giáo dục mở chính là sự thoáng mở về tư duy và cơ chế quản lý trong giáo dục đào tạo.

Đặc điểm này nhằm mục tiêu hình thành những con người “tự nó”, tự chủ, có năng lực tư duy độc lập, có thoái quen phản biện, có bản lĩnh bảo vệ chân lý, luôn chủ động và sáng tạo, có năng lực hành động trong công việc; 

Không bị áp đặt, thụ động, xơ cứng, rập khuôn máy móc, chỉ biết thừa hành theo ý kiến của người khác, không có năng lực tư duy độc lập và triển khai công việc trên thực tế. 

Đào tạo từ xa là một trong những phương thức của một nền giáo dục mở, ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.
Đào tạo từ xa là một trong những phương thức của một nền giáo dục mở, ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Tức là hiểu đặc trưng “mở” ấy của nền giáo dục ở phương diện mục tiêu đào tạo. 

Tiếp theo, đặc điểm mở của nền giáo dục cần thể hiện ở môi trường phát triển đối với con người. 

Đất nước là sản phẩm của con người. Khi con người phát triển thì đất nước nhất định sẽ phát triển. 

Môi trường phát triển đối với con người bao gồm rất nhiều yếu tố, trong đó, chủ yếu và quan trọng nhất là tinh thần phản biện khoa học, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. 

Cũng tức là một môi trường mở. Thiếu các yếu tố đó thì các giải pháp khác không thể thay thế nổi. 

Nhà trường trước nhất là nơi tạo môi trường ấy, chứ không phải là nơi áp đặt các kiến thức sẵn có, dù đã lâu, đã cũ.

Để đạt được mục tiêu đào tạo đó, cần thiết phải thay đổi phương pháp tiếp cận và tác động vào người học theo hướng mở. 

Người thầy không phải là nhà truyền giáo, áp đặt một chiều các kiến thức có sẵn, mà là một người bạn đồng hành cùng với học sinh trong quá trình đi tìm chân lý. 

Đó là những người bạn lớn, tâm huyết, kiên trì và liên tục sáng tạo về phương pháp phù hợp với đối tượng người học. 

Không phải người thầy cố nắn để tạo ra các học trò giống mình, lấy bản thân mình làm hình mẫu và giới hạn;

Mà người thầy là người tác động để các học trò “tự” phát triển các tiềm năng thế mạnh của mình, giúp về phương pháp học, phương pháp tiếp cận, cách phân tích, tổng hợp và giải quyết vấn đề, tạo điều kiện để người học có thể đi xa, vượt thầy, vượt sách.

Hệ thống giáo dục mở nhìn từ quyền lợi của người học

Thoáng mở đầu vào để tạo cơ hội cho người học tiếp cận với các cơ sở giáo dục-đào tạo khi họ thật sự muốn học cũng là một đặc điểm của hệ thống giáo dục mở. 

Hệ thống giáo dục đóng kín cửa sớm muộn gì cũng sẽ thoái hóa, lạc hậu ảnh 4

Ba kiến nghị của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Quyền được học, được đến trường là một trong những quyền thiêng liêng của con người. Tất nhiên việc thoáng mở đầu vào phải gắn với quản lý chất lượng đầu ra. 

Ở nước ta nhiều lúc thi vào đại học thật vất vả, nhưng vào được rồi thì gần như chắc chắn sẽ tốt nghiệp;

Trong khi ở nhiều nước tiên tiến, muốn học thì ghi tên để học, nhưng nếu không học nghiêm túc và tích cực thì sẽ mất thêm nhiều năm vẫn không tốt nghiệp được. Đó là hai cách làm khác nhau nhiều.

Hệ thống giáo dục mở ấy còn thể hiện ở sự đa dạng, linh hoạt và dân chủ về loại hình và phương thức giáo dục, đào tạo. 

Có các loại trường công lập, tư thục và dân lập; có trường của Việt Nam và trường của quốc tế; có đào tạo tập trung và phi tập trung; có liên tục và không liên tục; có trực tiếp và trực tuyến (qua mạng); 

Có dài hạn và ngắn hạn; có phân luồng thuận tiện cho người học; có thuyết giảng và đối thoại, tranh luận; có gắn với công tác nghiên cứu, thực hành và thực tế, gắn nhà trường với xã hội…

Đó là hệ thống tôn vinh thực học, thực nghiệp, không khuyến khích hư học, ứng thí, bệnh khoa trương hình thức; lấy người học làm trung tâm để phục vụ (chứ không phải nhà quản lý là trung tâm, còn học sinh là đối tượng để khai thác). 

Trước đây ta đã có các trường dân lập, sau đó thì bỏ, nói là giống nào phải ra giống ấy, không để lưỡng tính, chỉ còn tư thục và công lập thôi, trong thực tế thì đã tư nhân hóa hoặc công lập hóa các trường dân lập đó. 

Như chúng ta đã thấy, và sẽ còn thấy trong lâu dài, thực tế có những cơ sở giáo dục không phải của nhà nước, cũng chẳng phải của tư nhân, mà là của một cộng đồng, tức là mang tính chất dân lập đó thôi. 

Mà các cộng đồng nhân dân cùng chung tay lo cho giáo dục thì tốt quá chứ có sao đâu, sao lại không được?

Ta đang khuyến khích các trường ngoài công lập không vì mục tiêu lợi nhuận. Đó là hướng đúng. Khi các trường ấy không phân chia lợi nhuận cho cá nhân, nếu có lãi thì tăng vốn thuộc sở hữu xã hội. 

Đó là đặc điểm quan trọng nhất của một trường học không vì mục tiêu lợi nhuận. Nhưng chính đặc điểm ấy, sau một thời gian phát triển của trường thì tất yếu nó sẽ trở thành trường dân lập. 

Tại nhiều nước tiên tiến, ở khu vực đại học và cao đẳng, trường ngoài công lập chiếm đa số, thậm chí đến 80%, còn trường công lập chỉ số ít, nhiều nước có khoảng 20%. 

Nước ta thì ngược lại, công lập đến 80%, trong khi ngân sách nhà nước rất có hạn, vậy mà cứ mong muốn có một nền giáo dục đại học chất lượng cao với giá rẻ. 

Hệ thống giáo dục mở gắn liền với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (4.0), ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.
Hệ thống giáo dục mở gắn liền với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (4.0), ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Cần phải thay đổi tư duy và cách làm, mở mạnh cho hệ thống ngoài công lập phát triển, nhất là ở khu vực đào tạo sau phổ thông. 

Tạo nên một môi trường bình đẳng thật sự giữa công lập và ngoài công lập cũng là nội dung quan trọng của hệ thống giáo dục mở.

Hệ thống giáo dục mở phải liên thông thông suốt

Hệ thống mở nhất thiết phải gắn với sự liên thông giữa các bộ phận trong bản thân hệ thống, bảo đảm cho sự chuyển tiếp khi học lên hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi công việc một cách thuận tiện nhất, không bị bất cập do sự không khớp, vênh nhau bởi sự không chuẩn trong thiết kế chương trình, do cơ chế quản lý và do các thủ tục. 

Một số nghiên cứu ở các nước cho thấy, trong cuộc đời làm việc sau khi kết thúc đại học, trung bình mỗi người có hơn 5 lần thay đổi nghề nghiệp, công việc. 

Để đáp ứng yêu cầu thay đổi ấy, hệ thống giáo dục mở - liên thông phải cung cấp điều kiện thuận tiện cho việc chuyển đổi nghề nghiệp đó. 

Trong thực tế, người có điều kiện thì có thể học liên tục đến hết đại học hoặc thạc sĩ rồi mới ra làm việc.

Người khác không có điều kiện như vậy thì có thể học hết phổ thông cơ sở, hoặc phổ thông trung học, sơ cấp, trung cấp, hoặc cao đẳng rồi ra làm việc, sau một thời gian, khi có điều kiện thì học nối tiếp lên cao hơn. 

Hệ thống giáo dục mở phải đáp ứng thuận tiện cho yêu cầu ấy. 

Hiện nay ở Việt Nam ta còn trở ngại nhiều lắm, thậm chí có trường hợp 2 trường đã nhập lại làm một rồi mà hai bộ phận hợp thành ấy vẫn không liên thông được với nhau. 

Trong một hệ thống giáo dục, muốn liên thông tốt thì phải có một đầu mối thống nhất để thiết kế các tổ chức của nó với các chức năng và nhiệm vụ cụ thể phù hợp với nhau mỗi khi cần khớp nối để liên thông. 

Ta thử hình dung, trong một tòa nhà mà tầng này lên tiếp tầng kia, phòng ở phía đông muốn sang phòng ở phía tây đều phải đi xuống tầng trệt rồi sau đó mới lên một cầu thang khác mới có thể đến được những nơi kia thì quả thật bất tiện và lãng phí vô cùng. 

Thời gian qua ta đã cắt hệ thống giáo dục ra thành 3 khúc, khúc đầu khúc cuối giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn đoạn giữa thì giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Tôi chưa hình dung ai sẽ thiết kế để liên thông trong hệ thống như vậy? Chẳng lẽ là Chính phủ phải đứng ra làm cái công việc sự nghiệp có tính chuyên môn ấy?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng