Sử dụng nhân tài phải biết “tùy tài mà dùng người”

22/05/2018 07:05
THẠC SĨ LƯƠNG ĐỨC HIỂN
(GDVN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “cán bộ là gốc của mọi việc”, vậy nên “tìm kiếm, phát hiện, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Tư tưởng “Tìm người tài đức”

Công tác cán bộ có thể nói là một trong những vấn đề thường trực trong suy nghĩ và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người xác định việc trọng dụng, bồi dưỡng người tài, đức là vấn đề hàng đầu, là nền tảng, quyết định sự thành bại của cách mạng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của nhân tài đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc.

Ngày 04/10/1945, Người đã viết bài: “Thiếu óc tổ chức, một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân”. Bài viết có đoạn: “Việc dụng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được.

Tài to ta dùng việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy”.

Ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu quốc. Người chỉ rõ:

“Nay muốn giữ vững nền độc lập chúng ta phải đem lại hết lòng hăng hái với kiến quốc. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng nhiều thêm”.

Người ra lời phát động, kêu gọi: “Chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến…, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì thực hành ngay”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài. Ảnh tư liệu đăng trên Báo Điện tử VOV.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài. Ảnh tư liệu đăng trên Báo Điện tử VOV.

Tư tưởng trọng người tài một lần nữa được nhấn mạnh trong bài viết “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc:

“Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận.

Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”. [1]

Giống như “chiếu cầu hiền” của các bậc minh quân dưới các triều đại phong kiến thuở trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy tư tưởng trọng dụng nhân tài không phân biệt giai tầng xã hội.

Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Bảo, nguyên trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí Tuyên truyền nhận xét:

“Trong thành phần chính phủ đầu tiên, ngoài Việt Minh, Bác có sử dụng nhiều tri thức có tên tuổi. Ngoài đại biểu Quốc hội Việt Minh, Bác còn sử dụng đại biểu Quốc hội không đảng phái, thậm chí đảng phái không theo Việt Minh và cả những đảng phái Việt Quốc, Việt Cách, nhưng họ là người có tài, những tri thức lớn tiêu biểu.

Không chỉ là đại biểu Quốc hội, Bác còn bố trí họ làm thứ trưởng, bộ trưởng. Ngay cả trong tôn giáo, Bác đã mời cả các vị chức sắc trong Phật giáo, Thiên chúa giáo tham gia vào Chính phủ” [2].

Từ các vị đại thần triều Nguyễn như: Cụ Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe…, đến các thủ lĩnh dân tộc như Vi Văn Định “vua Mèo”… hay như các nhà tri thức lớn ngoài đảng, có tinh thần yêu nước: Trần Đại Nghĩa, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Tố, Bồ Xuân Luật…

Cách “cầu hiền tài” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện thái độ trọng thị, tầm nhìn minh triết, lòng nhân ái bao la và tư tưởng đại đoàn kết cao cả.

Câu chuyện 2 lần đánh điện mời cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ lâm thời đến nay vẫn được nhắc đến như một hình mẫu về sự trọng người tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh điện lần thứ nhất, mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Gặp buổi xứ Huế trời mưa và lạnh, cụ Huỳnh điện trả lời Bác Hồ: “Thời tiết xấu, tôi chưa đi được và không thể nhận chức Bộ trưởng nhưng trước sau gì tôi cũng ra gặp Cụ”.

Ít ngày sau, Bác Hồ đánh bức điện thứ hai gửi cụ Huỳnh, đích thân Hồ Chủ tịch và Võ Nguyên Giáp ký tên với nội dung: “Chúng tôi khẩn khoản mời cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ!”.

Chừng ấy lời khẩn thiết, cụ Huỳnh quyết định ra Hà Nội, song từ chối nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, vì “lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi không biết cầm cày, cầm cuốc; lại cần phải kháng chiến mà tôi lại không mang súng nổi. Cụ nên kiến nghị người trẻ thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn”.

Song tại kỳ họp đầu tiên ngày 2/3/1946, Quốc hội họp để thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chủ tịch đề nghị, cụ Huỳnh Thúc Kháng được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Khi giới thiệu danh sách Chính phủ để Quốc hội thông qua, Người nhấn mạnh: “Giữ chức Bộ Nội vụ: Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng!”.

Có một câu chuyện giữa Bác Hồ với ông Lê Giảng, khi đó là cán bộ cao cấp của Đảng mà Bác sử dụng, bố trí vào chức vụ cao cấp trong ngành tư pháp.

Sau khi ưng ý mọi chuyện rồi, Bác mời ông Giảng ăn cơm. Trong bữa cơm, Bác nói: "Chú làm nghề này (tòa án) phải thiết diện vô tư. Nếu chú không thiết diện vô tư được, Bác sẽ thiết diện vô tư với chú".

Phải có cách nhìn thấu đáo đến như thế của Bác thì mới chọn được người tài!.

Nghệ thuật “dụng nhân tài” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách dùng người tài của Bác Hồ là một nghệ thuật. Theo Bác, sử dụng nhân tài phải biết “tùy tài mà dùng người”, phải dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực sở trường của họ.  

Điều quan trọng, khi đã trọng dụng người tài thì nên giao trách nhiệm cho họ, và đặc biệt đã dùng thì phải tin tưởng tuyệt đối, tránh nghi ngờ. Tư tưởng “dụng nhân tài” của Bác vẫn còn được nhắc lại qua câu chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954, khi giao trọng trách cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác chỉ nhắc nhở: “Chú là tướng biên ải, tướng ngoài mặt trận, có gì cần thiết chú cứ quyết rồi báo cáo Bác sau”.

Niềm tin của Bác đã được đền đáp xứng đáng, quân ta dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm nên những chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam.

Bác Hồ với các nhà trí thức trong ký ức của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Hay năm 1946 trước khi lên đường thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm tay và dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ ở cụ cùng với anh em giải quyết. Mong cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Trong tình thế đất nước phức tạp, thù trong giặc ngoài như vậy mà Bác lại giao quyền điều hành đất nước cho một nhân sĩ là người ngoài Đảng như cụ Huỳnh cũng là một quyết định táo bạo của Bác, thể hiện sự tin tưởng của Bác đối với trí thức, nhân sĩ.

Bác biết không chỉ cụ Huỳnh mà rất nhiều người Việt Nam yêu nước theo Bác, theo cách mạng với một tấm lòng thành là tất cả để phụng sự dân tộc, phụng sự đất nước chứ không phải vì bất cứ mục đích riêng nào. 

Bác “dụng nhân tài” xuất phát từ tấm lòng đại nghĩa, vì dân tộc; bởi vì đã là người Việt Nam thì tất thảy mọi người đều có tấm lòng yêu nước, thương dân, tất cả vì sự nghiệp cách mạng, tất cả vì độc lập cho dân tộc dân tộc.

Có lần Bác gọi ông Hồ Đắc Điềm, tiến sĩ Luật học ở Paris đến và nói:“Bác biết chú là người nhiều chữ, theo Bác, chú nên san sẻ bớt cho người ít chữ”.

Chỉ vì câu nói đó của Bác mà luật sư Hồ Đắc Điềm dành cả cuộc đời dạy chữ cho dân.

Năm 1946, khi sang Pháp để đàm phán với nước Pháp trong bối cảnh người Pháp đang dã tâm chiếm nước ta lần nữa, Bác tìm kĩ sư Phạm Quang Lễ (sau này Bác đặt tên là Trần Đại Nghĩa), chuyên gia sản xuất vũ khí của cả Đức và Pháp, lương tháng mấy chục lượng vàng, đang sống trong nhung lụa;

Bác thuyết phục về với Bác, với nhân dân để đánh đuổi thực dân Pháp mà ông đã về thanh thản, nhẹ nhõm như không. 

Vận dụng nghệ thuật “dụng nhân tài” của Bác, vào thời điểm này, Đảng ta từ cơ sở đến Trung ương đang thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Đây là công việc hệ trọng của Đảng để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo lớp cán bộ kế cận, đủ sức lãnh đạo đơn vị, địa phương, đất nước. Chúng ta tin tưởng vào thế hệ cán bộ trẻ trung, được đào tạo bài bản, lớp cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Để làm được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. [3]

Tài liệu tham khảo:

1.http://tcnn.vn/Plus.aspx/vi/News/125/0/1010087/0/38645/Nghe_thuat_dung_nguoi_trong_dung_nhan_tai_cua_Chu_tich_Ho_Chi_Minh

2. https://vov.vn/.../cach-dung-nguoi-cua-bac-hobai-hoc-hom-qua-va-hom-nay-346455....

3. http://baolamdong.vn/chinhtri/201710/phong-cach-dung-nguoi-cua-ho-chi-minh-2850894/

THẠC SĨ LƯƠNG ĐỨC HIỂN