Lý lẽ của Bộ Tài chính không thuyết phục dư luận

19/05/2018 06:19
Đỗ Thơm
(GDVN) - Theo các chuyên gia, việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên kịch trần sẽ gây tác động domino và khó “xuôi chèo mát mái” như Bộ Tài chính tính.

Dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền ký trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đề xuất từ ngày 1/7 tới, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được đưa lên tối đa so với quy định của luật.

Cụ thể, theo tờ trình dự thảo nghị quyết, đề xuất thuế bảo vệ môi trường với xăng được tăng từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít.

Thuế dầu diesel tăng lên 2.000 đồng/lít thay vì 1.500 đồng/lít như hiện nay. Riêng thuế đối với dầu mazut tăng mạnh nhất, từ 900 đồng/kg lên 2.000 đồng/kg.

Đề xuất này tiếp tục gây nhiều ý kiến lo ngại của các chuyên gia. Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Bùi Quang Tín - Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh nêu, theo báo cáo của Bộ Tài chính liên quan đến đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối xăng dầu có một số số liệu đáng quan tâm.

Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho rằng tăng thuế môi trường xăng dầu lúc này sẽ có tác động lên chỉ số lạm phát. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho rằng tăng thuế môi trường xăng dầu lúc này sẽ có tác động lên chỉ số lạm phát. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thứ nhất là việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên kịch trần sẽ tác động đến lạm phát chung của cả năm 2018 là 0,11 – 0,15%

Thứ hai là phía Bộ Tài chính cũng nêu, giá xăng của Việt Nam đang thấp hơn so với hơn một trăm quốc gia trên thế giới

Tuy nhiên, các phân tích, cơ sở trên là để thuyết phục dư luận ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Về lý do, Bộ Tài chính có nhấn mạnh đến việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch trần sẽ hướng người dân tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, thân thiện môi trường. Điều này không thuyết phục dư luận.

Theo Tiến sĩ Tín, muốn bảo vệ môi trường, khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm môi trường thì doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải tuyên truyền và có những giải pháp cạnh tranh để người tiêu dùng thấy hiệu quả và sử dụng, không phải dùng “gậy” hành chính.

Lý lẽ của Bộ Tài chính không thuyết phục dư luận ảnh 2Tăng thuế bảo vệ môi trường kịch khung, dân có "cõng" nổi không?

“Mục tiêu chính của sắc thuế này là để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, dư luận lại mục tiêu của sắc thuê như tên gọi lại bị lu mờ so với mục đích thu để bù đắp thiếu hụt ngân sách”, Tiến sĩ Tín nói.

Việc này đụng đến câu chuyện cũ nhưng lại không cũ chút nào. Đó là vấn đề sử dụng ngân sách.

Thực tế, nhiều năm qua hiệu quả sử dụng ngân sách là điều người dân, các chuyên gia có nhiều ý kiến.

Các công trình, dự án…được đầu tư bằng ngân sách không hiệu quả. Chính vì thế, dư luận đòi hỏi việc minh bạch chi, sử dụng hiệu quả ngân sách đến đâu.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Tín còn nhiều giải pháp để có thể tăng thu thay vì “nhăm nhăm” vào tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: “Chúng ta đang thất thu thuế quá nhiều. Thất thu thuế ở góc độ thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế trước bạ, chuyển giá của các công ty nước ngoài…”.

Một điểm đặc biệt khiến vị chuyên gia kinh tế này lo ngại là Bộ Tài chính tính toán mức ảnh hưởng lạm phát không cao. Tuy nhiên, việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên cao như vậy, tác động của nó khó “xuôi chèo mát mái” như tính toán.

“Tôi cho rằng, Bộ Tài chính chưa tính toán đến tác động domino, hiệu ứng tâm lý khiến giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường tăng theo giá xăng dầu. Điều đó sẽ rất khủng khiếp”, Tiến sĩ Tín nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Đỗ Thơm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Đỗ Thơm

Cùng chung quan điểm, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho biết, trong kinh tế học thường lấy sự gia tăng giá xăng dầu là ví dụ điển hình của tác động dây chuyền về giá với các mặt hàng khác.

Vì xăng, dầu là nhiên liệu được sử dụng phổ biến trong tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội. Do vậy, nó có tác động mạnh nhất đến tất cả các lĩnh vực. Trước hết, giá xăng tăng đương nhiên giá cước vận tải tăng, từ đó làm cho giá hầu hết các hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng.

“Khi đó, tăng thuế môi trường đánh vào xăng, dầu sẽ có thể đưa đến tác động ngược đối với nền kinh tế”, ông Cường nhấn mạnh.

Một điểm nữa, theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, nhiều người đặc biệt quan tâm là tiền thu được từ thuế đánh vào xăng dầu có thực sự dùng cho việc bảo vệ môi trường hay không?

“Điều này không chỉ bản thân tôi mà rất nhiều người dân quan tâm, băn khoăn. Chính băn khoăn đó là điều làm cho phần đông các ý kiến chưa đồng tình với đề xuất này”, đại biểu Cường cho hay.

Đỗ Thơm