Sáng nay (21/5), kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc và dự kiến kéo dài 20 ngày (dự kiến bế mạc 15/6).
Phiên khai mạc được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước cùng theo dõi.
Sáng nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn Đại biểu Quốc hội vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến 9h, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ có bài phát biểu khai mạc kỳ họp.
Tại phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.
Tiếp đó, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh tư liệu: Quochoi.vn) |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.
Buổi chiều 21/5, theo dự kiến chương trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Đặc biệt, theo chương trình làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án hai dự án luật này.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói về đại biểu Đinh Thế Huynh và Phan Thị Mỹ Thanh |
8 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
8 dự án luật được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Về hoạt động chất vấn, kỳ họp sẽ dành 3 ngày cho hoạt động này, dự kiến diễn ra từ 6/6 đến hết 8/6. Đại biểu sẽ có một phút hỏi, người trả lời chất vấn sẽ có 3 phút trả lời thẳng vào câu hỏi của đại biểu.
Tuy nhiên, sẽ có điều chỉnh so với phiên thí điểm chất vấn theo hình thức mới tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu sẽ hỏi và sau đó người chất vấn sẽ trả lời chứ không trả lời ngay từng câu hỏi.